Thứ Ba, 15/10/2024
TAPCHITOAAN.VN - Bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định về đồng phạm, chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc khi xác định đồng phạm đối với chủ thể thực hiện tội phạm là pháp nhân thương mại và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
1.Đặt vấn đề
Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015; sau đó được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) được đánh giá là có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng; trong đó, điểm nổi bật là việc lần đầu tiên pháp luật hình sự Việt Nam ghi nhận chủ thể của tội phạm bao gồm cả cá nhân và pháp nhân thương mại. Đây là nội dung mới, thể hiện sự thay đổi về nhận thức trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Trong BLHS năm 2015 quy định cụ thể, pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương XI – Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội mà còn chịu trách nhiệm hình sự theo quy định khác của Phần thứ nhất của BLHS năm 2015 không trái với quy định của Chương XI[1]. Theo đó, chế định về đồng phạm trong Phần thứ nhất của BLHS năm 2015 được áp dụng cả đối pháp nhân thương mại phạm tội.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định của BLHS 2015 về đồng phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định về đồng phạm, chỉ ra một số vấn đề về đồng phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định của BLHS 2015 và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
2. Quy định về đồng phạm trong BLHS năm 2015
Điều 17 BLHS 2015 quy định về đồng phạm như sau:
“1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
4. Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”
Theo quy định này, đồng phạm có thể được hiểu là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Người đồng phạm có thể bao gồm:
- Người thực hành: người trực tiếp thực hiện tội phạm.
- Người tổ chức: người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
- Người xúi giục: người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
- Người giúp sức: người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Trong một vụ án, không phải trường hợp nào cũng phải có đủ 04 người đồng phạm nêu trên. Việc xác định người đồng phạm phải căn cứ vào đặc trưng của từng chủ thể và hành vi thực tế mà họ thực hiện để kết luận một cách chính xác.
Việc quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm được quy định tại Điều 38 BLHS năm 2015 như sau:
“Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó”.
Như vậy, về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm sẽ do Tòa án xem xét căn cứ vào tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia hành vi phạm tội của từng người đồng phạm.
Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Đối với pháp nhân thương mại phạm tội, khi xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể này với vai trò là đồng phạm thì ngoài các đặc trưng về đồng phạm như tác giả vừa phân tích ở trên thì cần lưu ý phạm vi các tội phạm mà BLHS năm 2015 quy định chủ thể này phải chịu trách nhiệm, tức là, ngoài các tội phạm này thì pháp nhân thương mại không được coi là chủ thể thực hiện tội phạm, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm quy định tại các điều: Điều 188 (Tội buôn lậu); Điều 189 (Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới); Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm); Điều 191 (Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm); Điều 192 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả); Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm); Điều 194 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh); Điều 195 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi); Điều 196 (tội đầu cơ); Điều 200 (Tội trốn thuế); Điều 203 (Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước); Điều 209 (Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán); Điều 210 (Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán); Điều 211 (Tội thao túng thị trường chứng khoán); Điều 213 (Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm); Điều 216 (Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động); Điều 217 (Tội vi phạm quy định về cạnh tranh); Điều 225 (Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan); Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp); Điều 227 (Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên); Điều 232 (Tội vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản); Điều 234 (Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã; Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố) và Điều 324 (Tội rửa tiền). Như vậy, tổng số tội danh mà pháp nhân thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là 33 tội. Nói cách khác, việc xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội chỉ giới hạn trong phạm vi 33 tội danh được liệt kê tại Điều 76 BLHS năm 2015. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm việc xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội một cách chính xác, hiệu quả.
Ngoài ra, trong BLHS năm 2015 còn có các quy định khác có liên quan về chế định đồng phạm, mà khi áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự thì các chủ thể có liên quan phải căn cứ để áp dụng, bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự một cách chính xác, khách quan và toàn diện.
3. Một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
3.1. Về khái niệm đồng phạm
Khoản 1 Điều 17 BLHS năm 2015 quy định, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm có thể bao gồm người thực hành, người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục. Tuy nhiên, với khái niệm đồng phạm này thì nhà làm luật ghi nhận chủ thể là “hai người”, tức là thể nhân, do vậy, có thể tạo ra cách hiểu quy định về đồng phạm không áp dụng cho pháp nhân thương mại phạm tội.
Cách hiểu này dựa trên căn cứ là quy định tại Điều 8 BLHS năm 2015 về khái niệm tội phạm như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý…”.
Như vậy, trong khái niệm tội phạm, BLHS 2015 đã quy định rõ có hai chủ thể thực hiện hành vi phạm tội gồm “người có năng lực trách nhiệm hình sự” và “pháp nhân thương mại”.
So sánh quy định tại hai điều luật này thấy có sự “vênh” nhau, trong đó, Điều 8 BLHS năm 2015 khi ghi nhận về khái niệm tội phạm quy định rất rõ hai chủ thể thực hiện tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự và pháp nhân thương mại, nhưng trong quy định về đồng phạm tại Điều 17 lại chỉ ghi nhận “hai người” thực hiện tội phạm. Chính vì sự quy định chưa thực sự thống nhất trong nội dung của các điều luật nên đã dẫn đến có nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau về việc xác định đồng phạm trong BLHS.
Nghiên cứu các quy định trong BLHS 2015 thấy rằng:
+ BLHS 2015 có các quy định chung đối với chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại với các quy định khác về chủ thể của tội phạm là thể nhân. Đây là các quy định mà theo nhà làm luật, điều chỉnh các vấn đề trách nhiệm hình sự chung cho cả chủ thể là thể nhân và pháp nhân thương mại. Thông thường, tuy được quy định trong cùng một điều luật nhưng các quy định liên quan đến thể nhân và pháp nhân thương mại lại được quy định trong các khoản khác nhau; hay nói cách khác, quy định liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội được quy định trong khoản riêng của các điều luật.
+ Các quy định về pháp nhân thương mại phạm tội được quy định trong một điều riêng (Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội) hoặc chương riêng mang tính đặc thù đối với pháp nhân thương mại phạm tội (Chương XI. Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội). Trong chương này gồm các quy định mang tính đặc thù, chỉ áp dụng riêng đối với pháp nhân thương mại phạm tội mà không phải đối với tất cả các chủ thể của tội phạm.
Ở đây, về mặt lý luận, có một vấn đề được đặt ra là liệu các điều luật phần chung BLHS không đề cập đến pháp nhân thương mại thì có được áp dụng đối với chủ thể này hay không. Ví dụ: các quy định về hiệu lực của BLHS, các quy định về chuẩn bị phạm tội (Điều 14), phạm tội chưa đạt (Điều 15), các quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự (Chương IV); các quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 27, Điều 28),... Theo tác giả, các điều luật đó là quy định phần chung, tức là cơ sở chung cho việc quy định trách nhiệm hình sự cho mọi trường hợp; cho nên, nếu không trái với bản chất của chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội thì vẫn áp dụng đối với chủ thể đó. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Điều 74 BLHS 2015: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.
Về mặt lý luận, tác giả cho rằng, cần thống nhất một số vấn đề. Thuật ngữ pháp lý, “Người” (person) trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới được hiểu là bao gồm hai loại: Thể nhân (natural person) và pháp nhân (legal person). Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật lập pháp, trong BLHS 2015 của Việt Nam lại có sự quy định không thống nhất, có điều luật ghi là “người”, có điều luật lại ghi nhận cả “người” và “pháp nhân thương mại” nên đã tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. Các quy định riêng đối với pháp nhân thương mại được quy định trong một chương riêng. Vì vậy, không ngẫu nhiên mà Điều 74 BLHS 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo các quy định của chương này; theo các quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”.
Quy định của Điều 74 BLHS có nghĩa rằng, các quy định ở Chương XI BLHS là quy định riêng cho pháp nhân thương mại phạm tội; còn các quy định khác ở Phần thứ nhất (trừ Chương XII) là quy định chung cho cả thể nhân và pháp nhân thương mại phạm tội.
Như vậy, với quy định tại Điều 17 BLHS 2015 về đồng phạm cần hiểu nội dung điều luật điều chỉnh đối với cả chủ thể của tội phạm là cá nhân và pháp nhân thương mại, miễn là chứng minh được một trong hai chủ thể này thỏa mãn các dấu hiệu của đồng phạm quy định trong BLHS năm 2015. Khi xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại, cần xác định, chứng minh thỏa mãn với các điều kiện, căn cứ như đối với cá nhân.
Do BLHS năm 2015 quy định còn chưa thống nhất giữa các điều luật, hơn nữa, pháp nhân thương mại là chủ thể của tội phạm là một nội dung hoàn toàn mới, lần đầu tiên xuất hiện trong BLHS năm 2015, vì vậy, để áp dụng các điều luật có hiệu quả vào thực tiễn thì yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Tác giả kiến nghị, trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại. Theo đó, cần khẳng định, chế định đồng phạm là áp dụng cho cả pháp nhân thương mại và thể nhân phạm tội, từ đó, hướng dẫn các quy định có liên quan đến chế định đồng phạm cần được hiểu thống nhất áp dụng cho cả cá nhân và pháp nhân thương mại.
Trong tương lai, khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015, tác giả kiến nghị nhà làm luật nên bổ sung điều khoản thống nhất cách xác định về tên gọi của chủ thể thực hiện tội phạm là “Người”, trong đó bao gồm cả thể nhân và pháp nhân thương mại phạm tội để bảo đảm tính thống nhất trong toàn BLHS. Hướng này cũng phù hợp với xu thế làm luật ở một số quốc gia trên thế giới mà tác giả đã phân tích ở trên.
Việc sửa đổi theo hướng này bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu về khái niệm đồng phạm tại Điều 17 BLHS năm 2015, theo đó, khi xác định đồng phạm, việc quy định đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm thì “người” ở đây được xác định gồm thể nhân và pháp nhân thương mại.
3.2. Về xác định người thực hành trong đồng phạm
Khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015 quy định: “Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm…”.
Như vậy, điều luật quy định, đối với người thực hành trong đồng phạm phải là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Tuy nhiên, lý luận và thực tiễn áp dụng quy định này khi xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại gặp khó khăn, vướng mắc. Cụ thể:
Tác giả cho rằng, quy định: “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm” là chưa bao quát đầy đủ các dạng hành vi của người thực hành. Bởi cụm từ “trực tiếp thực hiện tội phạm” có thể được hiểu là tự mình thực hiện tội phạm, không thông qua hành vi của người khác. Tuy nhiên, về lý luận và thực tiễn áp dụng xác định thêm hành vi khác nữa của người thực hành là sử dụng người khác như một công cụ phạm tội. Đây cũng là dấu hiệu quan trọng xác định hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.
BLHS năm 2015 quy định điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tại Điều 75 như sau:
“1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”.
Như vậy, theo quy định của điều luật, hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại được thực hiện thông qua một cá nhân cụ thể, còn bản thân pháp nhân thương mại đó với tư cách là một tổ chức, một bộ máy[2] không tự mình “trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội được. Đồng thời, khi xem xét, đánh giá hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại thông qua cá nhân thực hiện thì phải xem xét, đánh giá đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015 để xác định, chủ thể thực hiện tội phạm trong trường hợp này là pháp nhân thương mại chứ không phải cá nhân. Bởi lẽ, hành vi phạm tội đó được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của BLHS năm 2015. Điều này phù hợp với lý luận và thực tiễn thực hiện hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại.
Cần lưu ý rằng, do pháp nhân thương mại là chủ thể mới của BLHS 2015 nên khi xem xét, chứng minh cần xác định chính xác điều kiện xác định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, cụ thể:
- Pháp nhân thương mại bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự thông qua hành vi phạm tội của thể nhân. Thể nhân đó có thể là người làm công, đại lý hoặc bất kỳ nhân viên nào của pháp nhân thương mại; có thể là người lãnh đạo, quản lý, điều hành (nhân viên cao cấp) của pháp nhân thương mại. Những người này đã thực hiện hành vi cấu thành tội phạm theo pháp luật hình sự của quốc gia. Không có hành vi của thể nhân thì không có trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.
- Để xác định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, giữa pháp nhân thương mại và thể nhân bao giờ cũng tồn tại mối quan hệ ràng buộc nhất định. Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của thể nhân khi người đó thực hiện hành vi nhân danh tổ chức, thay mặt hoặc đại diện cho pháp nhân thương mại. Đồng thời thể nhân đó thực hiện hành vi trong phạm vi chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ được pháp nhân thương mại giao.
- Để xác định chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại, thì hành vi phạm tội do thể nhân thực hiện phải vì quyền lợi, lợi ích của pháp nhân thương mại đó. Nếu không chứng minh được hành vi phạm tội mà thể nhân đã thực hiện là vì lợi ích của pháp nhân thương mại, thì pháp nhân thương mại đương nhiên không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội đó do thể nhân thực hiện.
- Thể nhân đó khi thực hiện hành vi phạm tội là do được sự nhất trí của lãnh đạo, chỉ đạo, đồng ý của pháp nhân thương mại thì lúc này, pháp nhân thương mại mới phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội do thể nhân thực hiện. Trong trường hợp thể nhân thực hiện hành vi phạm tội một cách tự phát, không do sự chỉ đạo, đồng ý của pháp nhân thương mại thì không thể buộc pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội do thể nhân thực hiện được.
- Một vấn đề khác nữa mà BLHS năm 2015 quy định rất cụ thể là việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại thông thường không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân đã thực hiện hành vi cấu thành tội phạm cụ thể.
Tuy nhiên, với phân tích nêu trên thấy rằng, quy định tại khoản 3 Điều 17 BLHS năm 2015 về người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm là chưa phù hợp khi áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Để khắc phục hạn chế này, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể trong xác định người thực hành là pháp nhân thương mại khi thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm.
Tác giả kiến nghị nội dung hướng dẫn theo hướng sau: “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc trực tiếp tham gia cùng với người khác thực hiện tội phạm hoặc lợi dụng người khác thực hiện tội phạm mà người bị lợi dụng không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.
3.3. Về xác định tình tiết tăng nặng của pháp nhân thương mại phạm tội
Khoản 1 Điều 85 BLHS năm 2015[3] quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự áp dụng đối với pháp nhân thương mại, tại điểm a khoản 1 quy định tình tiết: “Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội”. Quy định “câu kết” ở đây được hiểu như thế nào? Có quan điểm cho rằng, câu kết là; “Hợp lại với nhau thành phe cánh để cùng thực hiện âm mưu xấu xa”[4], cách giải thích này phù hợp với đặc trưng phạm tội trong BLHS, theo đó, câu kết phải được hiểu là “cùng cố ý” thực hiện một tội phạm.
Vậy sự “câu kết” trong trường hợp này có đồng nhất với vai trò là đồng phạm không? Nếu không coi là đồng phạm theo Điều 17 BLHS năm 2015 thì căn cứ vào đâu để xác định trách nhiệm pháp lý khi pháp nhân thương mại có hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức tội phạm? Như vậy, rõ ràng nếu không được quy định, hướng dẫn, giải thích cụ thể thì sẽ có sự chưa rõ ràng khi xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 85 BLHS năm 2015 và việc xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015.
Từ phân tích trên, tác giả kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể về tình tiết tăng nặng “Câu kết với pháp nhân thương mại khác để phạm tội” để phân biệt với căn cứ xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại theo Điều 17 BLHS. Nếu không quy định rõ được thì sẽ thiếu căn cứ xử lý trách nhiệm pháp lý của pháp nhân thương mại, từ đó có thể dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.
4. Kết luận
Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là một vấn đề khá mới mẻ, bởi lần đầu tiên được ghi nhận trong BLHS năm 2015. Điều đó có nghĩa là, thực tế thực thi pháp luật hình sự trước đây của nước ta chưa có kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề hình sự có liên quan đối với chủ thể này. Tuy nhiên, cần khẳng định, việc bổ sung chủ thể của tội phạm là pháp nhân thương mại là cần thiết, đúng đắn, phù hợp với xu thế xác định tội phạm của thế giới và đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm của nước ta thời gian gần đây. Đối với một vấn đề mới, việc triển khai áp dụng gặp khó khăn, vướng mắc là điều tất yếu, đặc biệt đối với việc áp dụng chế định hình sự đòi hỏi sự cẩn trọng, chính xác, khách quan cao hơn để bảo đảm xét xử đúng chủ thể thực hiện hành vi phạm tội, đúng tội, đúng pháp luật. Như vậy, với việc xác định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại phạm tội cũng không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế như tác giả phân tích, chỉ ra ở trên. Với việc đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, tác giả hy vọng trong thời gian tới, chế định đồng phạm đối với pháp nhân thương mại sớm được hoàn thiện để bảo đảm việc áp dụng thống nhất trong thực tiễn, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả các các quy định của BLHS.
NGUYỄN THỊ HẰNG (Phó Chánh án TAND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương)