Thứ Hai, 09/12/2024
tapchitoaan.vn - NGUYỄN THÁI BẢO NGÂN (Thẩm phán TAND huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) - Trong giới hạn bài viết, tác giả tập trung phân tích, đánh giá một số vướng mắc về thủ tục xem xét, giải quyết đơn đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù của Chánh án Tòa án và đề xuất quan điểm giải quyết.
1. Từ một sự việc cụ thể
Người bị kết án Trần Đình S. (sinh năm 1945) – trú tại: Tổ dân phố Phan Bội Châu 2, Thị trấn D, huyện K, tỉnh KH bị TAND dân tỉnh KH xét xử phúc thẩm tại bản án hình sự phúc thẩm số 91/2021/HS-PT ngày 01/11/2021 về tội "Chứa mại dâm", án phạt 4 năm 6 tháng tù, thời hạn chấp hành án tính từ ngày bắt thi hành án. Quyết định thi hành án số 36/2021/QĐ-CA ngày 26/11/2011 của Chánh án Tòa án huyện D. Sau khi tống đạt Quyết định thi hành án cho ông Trần Đình S., ngày 06/12/2021, ông S có đơn đề nghị xin hoãn thi hành án với lý do bị bệnh nặng hiểm nghèo "Bệnh ung thư bướu dạ dày" đang bị di căn, phải đi xạ trị định kỳ, có xác nhận của chính quyền địa phương về nội dung đơn trình bày là đúng, nhưng không có bất kỳ tài liệu nào kèm theo đơn.
Ngày 07/12/2021, ông S tiếp tục nộp đơn đề nghị hoãn thi hành án kèm Giấy chứng nhận đang nằm viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh KH. Vì hồ sơ chưa đầy đủ tài liệu, chứng cứ, không thể xem xét được toàn diện nội dung vụ việc có phản ánh đúng tình trạng bệnh tật của người bị kết án hay không, nên ngày 13/12/2021, Chánh án Tòa án đã có có Thông báo trong thời hạn 07 ngày, yêu cầu ông S bổ sung, cung cấp các tài liệu gồm: bản sao bản án, kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên hoặc có kết luận của tổ chức pháp y công lập về tình trạng bệnh tật của người bị kết án.
Hết thời hạn 07 ngày theo yêu cầu, ông S đã cung cấp được một số tài liệu liên quan đến việc thăm, khám điều trị tại các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chỉ là những bản photo. Xét trường hợp của ông S không đủ điều kiện hoãn chấp hành án phạt tù nên Chánh án Tòa án huyện DK đã không chấp nhận yêu cầu hoãn chấp hành hình phạt tù của Trần Đình S.
2. Hai vấn đề cần giải quyết
Đưa ra ví dụ trên, tác giả muốn đề cập đến hai vấn đề cần giải quyết ở đây:
2.1. Về tài liệu cần thiết để cung cấp cho Tòa án với lý do "người bị kết án bị bệnh nặng"
Đây là một lý do xin hoãn hiện nay gặp khá nhiều vướng mắc chưa được hướng dẫn giải quyết triệt để và thống nhất, dẫn đến sự áp dụng pháp luật tùy nghi. Trước hết, cần hiểu như thế nào là “bị bệnh nặng”?
Theo hướng dẫn tại điểm a Mục 7.1, Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt có quy định như sau: a) Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu…
Như vậy, khi có đơn đề nghị hoãn chấp hành án, người bị kết án hay người thân thích của họ, cơ quan, tổ chức đề nghị hoãn chấp hành án phải cung cấp được "Kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Đối với người bị nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS thì chỉ cần kết quả xét nghiệm bị nhiễm HIV theo quy định của Bộ Y tế và trong hồ sơ bệnh án phải xác định rõ là đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu".
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bệnh nặng rất nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị đúng thời gian, đúng phương pháp nhưng không được liệt kê đầy đủ tại điểm a Mục 7.1, Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về việc cơ quan, tổ chức nào có khả năng xem xét việc người bị kết án sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ nếu bắt họ đi chấp hành án ngay tại thời điểm họ đang có tình trạng bệnh như đơn đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù. Đây là một điều kiện tiên quyết để Chánh án Tòa án xem xét có hoãn chấp hành án hay không?
Đa phần các bệnh viện chỉ cung cấp bệnh án về việc điều trị bệnh cho bệnh nhân, còn kết luận về tình trạng bệnh tật thế nào, có thể nguy hiểm tính mạng nếu chấp hành án phạt tù hay không thì phải do cơ quan chức năng yêu cầu cung cấp thông tin. Ngoài ra, có nhiều trường hợp người bị kết án không có điều kiện để chữa trị tại các bệnh viện cấp tỉnh, không có hồ sơ bệnh án, kết luận theo quy định, nhưng thực tế họ đang gặp phải những tình trạng bệnh tật khó khăn, trong việc sinh hoạt không thể tự phục vụ bản thân thì có thể xem xét hoãn thi hành án được không? Tòa án có thể cùng với Viện kiểm sát trực tiếp xác minh về hoàn cảnh của người bị kết án tại địa phương để từ đó có căn cứ cho người chấp hành án hoãn chấp hành hình phạt tù được không?
Theo quan điểm cá nhân, trong trường hợp trên, Chánh án Tòa án sau khi xem xét đơn đề nghị hoãn chấp hành án của người bị kết án, nếu không đủ điều kiện theo pháp luật quy định thì Chánh án không cho chấp nhận hoãn thi hành án, hồ sơ gửi qua cho cơ quan Thi hành án hình sự thi hành. Trường hợp không thi hành được, cơ quan Thi hành án hình sự sẽ tiến hành xác minh và có văn bản đề nghị Tòa án xem xét hoãn thi hành án đối với người bị kết án. Lúc này, dựa trên những tài liệu, chứng cứ do cơ quan Thi hành án hình sự cung cấp, Tòa án có thể phối hợp với Viện kiểm sát xác minh tình hình thực tế của người bị kết án, với những lý do chính đáng, nếu hợp tình, hợp lý thì Chánh án Tòa án có thể xem xét cho hoãn thi hành án, điều này thể hiện được tính nhân đạo, sự khoan hồng của chính sách pháp luật, bảo vệ quyền con người.
2.2. Về thời gian xem xét, giải quyết đơn đề nghị hoãn chấp hành án
Hiện nay có các quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tại khoản 2 Điều 24 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù như sau:
"2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù thì Chánh án Tòa án phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị hoặc cơ quan có văn bản đề nghị và thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, trong đó nêu rõ lý do không chấp nhận…”
Có nghĩa, hồ sơ dù đủ hay thiếu, hay cần xác minh, bổ sung tài liệu gì thì chỉ cần thực hiện trong vòng 07 ngày. Hết thời gian này, Chánh án Tòa án phải quyết định cho hay không cho người bị kết án được hoãn thi hành án hình sự. Vì có một số ý kiến nhận định khi một cá nhân, cơ quan, tổ chức làm đơn đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù thì họ phải tự biết và chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ liên quan đến lý do xin hoãn thi hành án chứ không đợi hướng dẫn và yêu cầu bổ sung của Tòa án, nên không cần thiết cho họ quyền được bổ sung các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trong trường hợp hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù chưa rõ ràng, đầy đủ nội dung thì Chánh án Tòa án có quyền yêu cầu bổ sung các tài liệu, làm rõ những nội dung còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, thời gian xem xét phải phù hợp, không được dây dưa, gây kéo dài.
Với hai quan điểm trên, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:
Sau khi nhận được đơn đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù của người bị kết án hoặc văn bản đề nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định có đồng ý hay không đồng ý hoãn chấp hành án phạt tù hay không. Tuy nhiên, để có thể xem xét một cách toàn diện, đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật thì cần phải có một thời gian mới thực hiện được việc này. Pháp luật quy định, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đơn hoặc văn bản đề nghị thì Chánh án phải thực hiện quyền này, nhưng đó là đối với các trường hợp đầy đủ các tài liệu có liên quan đến hồ sơ đề nghị hoãn thi hành án, còn với những trường hợp hồ sơ chỉ có đơn đề nghị nhưng không có tài liệu chứng cứ hoặc hồ sơ còn thiếu, chưa rõ ràng, chưa đủ chứng cứ thì chưa thấy đề cập đến.
- Đối với các cơ quan Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người chấp hành án cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người chấp hành án làm việc hoặc cư trú với sự am hiểu pháp luật, họ có thể thu thập đầy đủ hồ sơ trước khi chuyển đến Tòa án để đề nghị hoãn chấp hành án cho người bị kết án.
- Đối với trường hợp người bị kết án tự mình hoặc người thân thích của họ làm đơn xin hoãn chấp hành án phạt tù, không phải ai cũng có sự nhận thức pháp luật đầy đủ, đa phần các loại tội phạm có trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh khó khăn… vì vậy, khi Tòa án ban hành Quyết định thi hành án phạt tù và tống đạt Quyết định thi hành án cho họ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra Quyết định thi hành án phạt tù [1], người bị kết án có thể được Tòa án hướng dẫn thủ tục đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù gồm các văn bản, tài liệu quy định tại Tiểu mục 1.3, Điểm 1, Mục III Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành Phần V BLTTHS, nếu thuộc một trong những trường hợp được hoãn chấp hành hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015. Trong từng trường hợp cụ thể đều bắt buộc phải có những tài liệu, chứng cứ chứng minh thì Tòa án mới xem xét có hay không việc tạm hoãn thi hành án đối với người được kết án.
Đối với trường hợp “phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi”, trong trường hợp này, người bị kết án nộp kèm bản sao giấy khai sinh của con kèm xác nhận của chính quyền địa phương về việc họ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc phiếu xét nghiệm thai sản tại bệnh viện cấp huyện trở lên[2] cùng đơn đề nghị hoãn thì đã đủ cơ sở xem xét và những giấy tờ này có thể thu thập tại các cơ quan, tổ chức một cách nhanh chóng, không mất thời gian.
Nếu xem xét lý do "là người lao động duy nhất trong gia đình nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt" thì trường hợp này người bị kết án phải cung cấp cho Tòa án xác nhận của chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú về việc người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình và nếu họ phải đi chấp hành hình phạt tù ngay thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt. Lý do xin hoãn này khá phổ biến, nhưng để địa phương xác nhận được chính xác hoàn cảnh của người bị kết án thì cũng phải cần thời gian để thực hiện. Không dừng lại ở văn bản của địa phương, nếu trường hợp Tòa án phát hiện văn bản, tài liệu về điều kiện hoãn không phản ánh đúng thực tế khách quan thì phải tiến hành xác minh, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin hoặc chuyển những thông tin, tài liệu đó đến cơ quan có thẩm quyền để xác minh làm rõ.
Ngoài ra, “hoãn chấp hành hình phạt tù với lý do người bị kết án bị bệnh nặng” như đã phân tích ở trên, những hồ sơ bệnh án, kết luận này không phải lúc nào người bị kết án cũng có ngay mà phải đề nghị các cơ sở y tế cung cấp bản sao mới có giá trị pháp lý cung cấp cho Tòa án.
Và một lý do đề nghị hoãn "do nhu cầu công vụ" thì cần cung cấp văn bản của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú xác nhận cần sự có mặt của người bị kết án do nhu cầu công vụ[3].
Từ những phân tích trên, có thể thấy, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận đơn xin hoãn thi hành án, không phải hồ sơ đề nghị hoãn nào cũng đầy đủ chứng cứ để xem xét, không phải Chánh án Tòa án chỉ căn cứ các tài liệu, chứng cứ mà người bị kết án hay các cơ quan, tổ chức đề nghị hoãn thi hành án nộp lên Tòa án để quyết định cho hoặc không cho người bị kết án hoãn thi hành án phạt tù. Nếu tài liệu có liên quan không đầy đủ thì Chánh án Tòa án có quyền yêu cầu người bị kết án, cơ quan, tổ chức bổ sung các tài liệu, chứng cứ hoặc làm văn bản trình bày những vấn đề chưa rõ trong đơn yêu cầu hoãn thi hành án không (nếu đơn xin hoãn chưa có đủ nội dung cần thiết theo quy định như lý do xin hoãn, thời gian đề nghị hoãn…). Thời gian yêu cầu này trong bao lâu, hết thời gian yêu cầu bổ sung tài liệu chứng cứ thì bao lâu xem xét hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù? Tòa án có thể xác minh các điều kiện hoãn thi hành án của người bị kết án không và thời gian xác minh là bao lâu? Vấn đề này hiện nay chưa được quy định cụ thể, rõ ràng.
Tại Tiểu mục 1.5, Điểm 1, Mục III Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành Phần V BLTTHS có quy định như sau:
"Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án chỉ xem xét, quyết định hoãn chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ các tài liệu được hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 Phần III này đối với từng trường hợp cụ thể. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chánh án Toà án căn cứ vào các điều kiện hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao “hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt” để quyết định cho hoặc không cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù. Nếu có tài liệu nào chưa đủ thì Chánh án Toà án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù bổ sung hoặc làm rõ thêm. Thời hạn năm ngày làm việc để xem xét, quyết định cho hoặc không cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù được tính lại, kể từ ngày Chánh án Toà án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần được làm rõ thêm."
Theo quy định trên, thì trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chánh án Tòa án có quyền yêu cầu bổ sung hoặc làm rõ thêm các tài liệu chưa đủ, và thời hạn để xem xét, quyết định cho hoặc không cho người bị kết án hoãn chấp hành án hình phạt tù được tính lại, kể từ ngày Chánh án Tòa án nhận được tài liệu bổ sung hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần được làm.
Như chúng ta đã biết, Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC bổ sung một số hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 . Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 8/10/2021, TANDTC đã ban hành Quyết định về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TANDTC trong đó có Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP. Nhưng những quy định về Mục 3 – Thi hành hình phạt tù và các hình phạt khác được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP không được sửa đổi trong Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP thì không bị bãi bỏ, như vậy quy định trên vẫn còn có thể áp dụng.
Tuy những quy định đó phù hợp nhưng vẫn chưa chặt chẽ và có "kẽ hở". Đó chính là không quy định thời gian bổ sung tài liệu, chứng cứ cụ thể là bao lâu, tài liệu bổ sung không đầy đủ thì có thể yêu cầu tiếp tục bổ sung hay không, được quyền bổ sung bao nhiêu lần... Có thể thấy, khoảng thời gian trên kéo dài tương đương với một quãng thời gian được hoãn thi hành án của người bị kết án. Việc quy định không chặt chẽ như vậy dẫn đến trường hợp kéo dài thời gian đợi thi hành án của người bị kết án, có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực về phía Tòa án cũng như người bị kết án, lợi dụng sơ hở của pháp luật nhiều đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài xã hội, trong thời gian ấy, họ có thể tiếp tục phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng tình hình trật tự trị an tại địa phương.
3. Kiến nghị
Để hạn chế những bất cập đang tồn tại nói trên, cấp thiết cần có văn bản hướng dẫn chi tiết trong trường hợp hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù chưa đầy đủ, chưa rõ ràng. Theo quan điểm cá nhân, tôi đề xuất quy định cụ thể: "Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Tòa án đã ra Quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định. Trường hợp, hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng thì Chánh án Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị hoãn chấp hành hình phạt tù bổ sung các tài liệu có liên quan hoặc ý kiến bằng văn bản về vấn đề cần được làm rõ thêm trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Chánh án Tòa án. Thời hạn 07 ngày để xem xét, quyết định cho hoặc không cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù được tính lại, kể từ ngày hết thời hạn bổ sung các tài liệu trên".
Hiện nay, việc thực hiện quy định về pháp luật thi hành án hình sự giữa các địa phương chưa có sự thống nhất, bên cạnh văn bản hướng dẫn còn khá ít ỏi, chưa có sự đi sâu đào tạo hay những chuyên đề tập huấn liên quan đến công tác thi hành án hình sự. Thiết nghĩ các cơ quan tư pháp Trung ương, cơ quan xây dựng Luật cần quan tâm nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của pháp Luật về thi hành án hình sự để thống nhất áp dụng ở các địa phương, đặc biệt trong hệ thống ngành Tòa án, bảo đảm cho công tác thi hành án hình sự đạt hiệu quả, chất lượng tốt, góp phần trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Xét xử vụ án hình sự - Ảnh: TL
[1] Điều 22 Luật thi hành án Hình sự năm 2019
[2] Điểm g, tiểu mục 1.3, Điểm 1, Mục III Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Phần V Bộ luật tố tụng Hình sự
[3] Điểm i, tiểu mục 1.3, Điểm 1, Mục III Nghị quyết số 02/2007/NQ-HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Phần V Bộ luật tố tụng Hình sự