Chủ Nhật, 27/04/2025
Trong quá trình phát triển và hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua ngày 14/11/2008 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã hoàn thiện rất nhiều vấn đề mà trước đây là những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự.
Tuy nhiên, do quan hệ pháp luật trong thi hành án dân sự có đặc thù của quan hệ dân sự và hoạt động thi hành án dân sự là hoạt động tư pháp, phụ thuộc vào nội dung bản án, quyết định do Tòa án tuyên. Từ đó đặt ra vấn đề phải thi hành án như thế nào trong trường hợp nội dung thi hành án bị thay đổi. Đó là khi bản án, quyết định dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (hoặc tái thẩm) và có quyết định giám đốc thẩm tuyên huỷ một phần hoặc toàn bộ bản án hoặc quyết định của Toà án. Trong bài viết này, tác giả nêu ra một số vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Điều 103 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 bằng một tình huống thực tế để cho thấy còn nhiều quan điểm trái chiều, không thống nhất khi áp dụng pháp luật thi hành án dân sự.
Đây là vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là Ngân hàng TMCP-A với bị đơn là bà M, được Tòa án nhân dân quận X, TP. Hồ Chí Minh giải quyết bằng Quyết định công nhận thỏa thuận giữa các bên đương sự số 51/QĐST-DS ngày 05/3/2009.
Sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền đã ra Quyết định thi hành án số 154/QĐ-THA ngày 10/7/2009 cho thi hành khoản: “Buộc bà M có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng TMCP-A số sợ nợ là 10.013.556.288 đồng tính đến thời điểm ngày 24/02/2009.
Ghi nhận sự tự nguyện của bà M nếu đến hạn thanh toán mà bà M không thanh toán số tiền nói trên thì Ngân hàng TMCP-A được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất có diện tích …và tài sản gắn liền với đất có diện tích… tọa lạc tại thửa… ”
Quá trình tổ chức thi hành án, bà M không tự nguyện thi hành, căn cứ theo quy định pháp luật về thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự quận Y đã cưỡng chế kê biên tài sản thế chấp để đảm bảo cho Ngân hàng. Sau khi kê biên, xử lý tài sản theo quy định pháp luật và người mua được tài sản đã nộp đủ tiền mua trúng đấu giá.
Sau đó, Chi cục THADS quận Y nhận được quyết định kháng nghị số 31/2011-KN-DS/GĐT ngày 05/10/2011 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh về việc kháng nghị giám đốc thẩm và tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 0451/QĐST ngày 05/3/2009 của Tòa án nhân dân quận X.
Tiếp đến, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh có Quyết định Giám đốc thẩm số 55/201/DS-GĐT ngày 13/12/2011, hủy toàn bộ Quyết định số 51/QĐST-DS ngày 05/3/2009 của Tòa án nhân dân quận X để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm từ đầu do có vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng. Trong thời gian này, tài sản thế chấp Ngân hàng đã kê biên, xử lý và người mua được tài sản cũng đã nộp đủ tiền nhưng chưa nhận được tài sản.
Sau khi bản án bị hủy, Chi Cục Thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ thi hành, chờ kết quả xét xử của Tòa án nhân dân có thẩm quyền để tiếp tục thi hành án và chuyển trả 70% số tiền bán đấu giá tài sản cho Ngân hàng TMCP-A (30% số tiền bán đấu giá do Trung tâm bán đấu giá tài sản tạm giữ). Người mua trúng đấu giá tài sản đã nhiều lần có đơn khiếu nại yêu cầu Chi cục Thi hành án giao tài sản nhưng vụ việc vẫn còn bỏ ngỏ do vẫn chưa có bản án sơ thẩm xét xử lại của Tòa án nhân dân quận X.
Mặc dù, Quyết định số 51/QĐST-DS ngày 05/3/2009 của Tòa án nhân dân quận X đã bị hủy nhưng Điều 103 Luật thi hành án dân sự hiện hành có quy định ưu tiên bảo vệ quyền lợi cho người mua trúng đấu giá tài sản thi hành án:
“Trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác”. Quy định như vậy để bảo vệ quyền lợi cho người mua trúng đấu giá tài sản.
Do Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ra bản án giám đốc thẩm, hủy Quyết định số 51/QĐST-DS ngày 05/3/2009 của Tòa án nhân dân quận X để xét xử lại từ đầu, nhưng trong khi chờ bản án sơ thẩm xét xử lại của Tòa án có thẩm quyền thì vấn đề đặt ra là có tiến hành giao tài sản cho người mua trúng đấu giá theo như khoản 2 Điều 103 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định không? Xoay quanh vấn đề này còn nhiều quan điểm không thống nhất như sau:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, tài sản thế chấp đã kê biên, xử lý xong, người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền, nên căn cứ Điều 103 Luật Thi hành án dân sự sửa đối, bổ sung năm 2014 thì Chi Cục thi hành án phải ra quyết định thu hồi quyết định đình chỉ thi hành án để ra quyết định giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, trường hợp người có tài sản bán đấu giá không tự nguyện giao thì tiến hành cưỡng chế theo quy định.
Ý kiến thứ hai cho rằng, Quyết định số 51/QĐST-DS ngày 05/3/2009 của Tòa án nhân dân quận X là cơ sở pháp lý để thi hành án nhưng đã bị hủy và Chi Cục thi hành án dân sự đã ra Quyết định đình chỉ số 08/QĐ-CCTHA ngày 09/02/2012. Vì vậy không có căn cứ để thu hồi quyết định đình chỉ thi hành án cũng như ra quyết định giao tài sản, không có cơ sở để tổ chức thi hành việc giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, cần phải chờ bản án của Tòa án nhân dân quận X để có cơ sở xem xét tiếp tục thi hành (trừ những trường hợp có quy định khác của pháp luật).
Tác giả đồng tình với quan điểm này vì các lý do sau:
Thứ nhất: Trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ thi hành án do có quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định sơ thẩm vào năm 2012 căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 50 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (Điều 50 và Điều 103 chưa được sửa đổi, bổ sung). Khi đó, phải áp dụng Luật thi hành án dân sự năm 2008 để thi hành.
Căn cứ Điều 52 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về kết thúc thi hành án, một trong những trường hợp kết thúc thi hành án là khi có quyết định đình chỉ thi hành án. Như vậy, mọi hoạt động tố tụng thi hành án phải bị dừng lại để chờ bản án, quyết định mới có hiệu lực để có cơ sở xử lý tiếp. Đến năm 2014 thì Luật thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người mua trúng đấu giá tài sản. Trong khi đó khoản 1 Điều 2 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014 quy định đối với các việc thi hành án đã được thi hành xong trước thời điểm Luật có hiệu lực mà sau khi Luật này có hiệu lực đương sự còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 để giải quyết. Do đó, không thể căn cứ khoản 2 Điều 103 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014 để cho thi hành phần giao tài sản cho người mua trúng đấu giá.
Thứ hai: Trong vụ việc này cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án nên trường hợp muốn thực hiện giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, cơ quan thi hành án phải ra quyết định giao tài sản như vậy về mặt trình tự pháp lý sẽ có sự mâu thuẫn chồng chéo giữa 02 quyết định. Giả sử cơ quan thi hành án thu hồi quyết định đình chỉ để ban hành quyết định giao tài sản theo Điều 103 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung 2014 cũng không thể thực hiện được vì Điều 37 Luật thi hành án dân sự về thu hồi, hủy quyết định về thi hành án không quy định căn cứ nào để thu hồi hay hủy quyết định đình chỉ thi hành án nêu trên.
Thứ ba: Mặc dù đây không phải là lỗi của cơ quan thi hành án nhưng trường hợp cần thiết để tránh gây thiệt hại cho các bên và giải quyết được khiếu nại, Chấp hành viên có thể hướng dẫn người mua trúng đấu giá khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá để nhận lại tiền kèm theo tiền lãi gửi Ngân hàng.
Tình huống nêu trên xảy ra trên thực tế hiện nay vẫn còn nhiều và vẫn là vấn đề gây lúng túng cho những người thực thi và áp dụng pháp luật. Do đó thiết nghĩ các cơ quan trung ương cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất việc xử lý đối với tài sản là nhà đất đã bán đấu giá thành nhưng chưa giao được cho người mua trúng đấu giá do bản án, quyết định của Tòa án bị hủy theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Tác giả bài viết rất mong sự trao đổi phản hồi của độc giả, quý đồng nghiệp nhằm để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát thi hành án dân sự và góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự.
Trần Thị Phương Dung - KSV VKSND quận Phú Nhuận