Thứ Ba, 06/05/2025
Thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2025, ngày 03/4/2025, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận Gò Vấp phối hợp với Tòa án nhân dân quận Gò Vấp tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm theo mô hình Cụm, xét xử vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản, tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” giữa Nguyên đơn - bà Nguyễn Thị Quí (đã chết), ông Nguyễn Văn Ngắn, ông Nguyễn Tấn Trung, bà Nguyễn Thị Rỉ và bị đơn - ông Nguyễn Văn Trên. Đại diện VKSND quận Gò Vấp kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa là Kiểm sát viên Lê Duy Bảo Chinh.
Tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm có đồng chí Hà Thanh Bình, Phó Trưởng phòng 9 VKSND Thành phố; đồng chí Nguyễn Thụy Huyền Trang, Phó Viện trưởng VKSND quận Gò Vấp; các đồng chí là lãnh đạo, Kiểm sát viên các VKSND trong Cụm gồm: Quận 12, thành phố Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân cùng các đồng chí Kiểm sát viên Phòng 9 VKSND Thành phố và Kiểm sát viên, công chức công tác tại bộ phận Kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự VKSND quận Gò Vấp.
Nội dung vụ án: nguyên cha bà Nguyễn Thị Rỉ là cụ Nguyễn Văn Thôi có để lại nhà và đất toạ lạc tại số 102/5 đường Quang Trung (nay là đường số 21), Phường 8, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh và phần đất toạ lạc tại ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ Nguyễn Văn Thôi có hai người vợ là cụ Nguyễn Thị Mẽ và cụ Nguyễn Thị Nho. Các ông bà: Nguyễn Thị Rỉ, Nguyễn Tấn Trung, Nguyễn Văn Ngắn, Nguyễn Thị Quí là con của cụ Thôi và cụ Mẽ. Nay, cụ Thôi đã chết và không để lại di chúc nên các ông bà Rỉ làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản cụ Thôi để lại gồm nhà đất tọa lạc tại Gò Vấp và Củ Chi.
Đối với di sản thừa kế tọa lạc tại ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh, bà Rỉ trình bày phần đất mà ông Thôi để lại có nguồn gốc từ việc ông Thôi và ông Nguyễn Văn Mạnh (anh ruột bà Mẽ) trước đây đã bỏ tiền chuộc lại phần đất 30.000m2. Năm 1940, ông Thôi đã bán phần đất của mình khoảng 15.000m2 cho ông Mạnh và chuyển về Gò Vấp sinh sống. Đến năm 1958, ông Nguyễn Văn Dẫu (con ông Nguyễn Văn Thôi, chồng bà Nguyễn Thị Thâu) đã chuộc lại phần đất này và trực tiếp canh tác. Sau khi ông Dẫu chết thì phần đất trên do bà Thâu trực tiếp quản lý. Hiện nay, phần đất này có diện tích khoảng 12.833m2. Theo Quyết định giải quyết khiếu nại số 131/QĐ-UBND ngày 11/01/2007 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì phần diện tích đất này được cấp cho bà Nguyễn Thị Thâu là đúng quy định. Do đó, bà Rỉ chỉ yêu cầu chia thừa kế đối với phần diện tích còn lại khoảng 2,167m2 nằm trong tổng số diện tích đất là di sản của ông Thôi.
Phiên toà có nhiều tình tiết phức tạp, nguyên đơn nhiều lần thay đổi lời khai, cụ thể: tại phiên tòa, phát sinh các tình tiết mới mà trước đó quá trình làm việc với Tòa án nguyên đơn - bà Nguyễn Thị Rỉ chưa trình bày, như: ông Bùi Văn Tốt (con của bà Nguyễn Thị Quí) có 01 người con riêng là bà Bùi Thanh Thúy; về mảnh đất tại 102/5 đường Quang Trung, bà Rỉ xác định lại chưa có Sổ mục kê ruộng đất; mảnh đất ở Củ Chi trước đây bà Rỉ đã khởi kiện và Tòa án Thành phố đã ban hành Quyết định đình chỉ tuy nhiên bà Rỉ không nhớ rõ nội dung khởi kiện.
Phiên toà có nhiều tình tiết phức tạp, nội dung vụ án có nhiều loại tranh chấp, phiên tòa có đa dạng thành phần tham gia tố tụng, phù hợp với tiêu chí của phiên tòa Cụm. Tại phiên tòa, dù có nhiều tình tiết mới phát sinh nhưng đại diện Viện kiểm sát đã đặt nhiều câu hỏi đúng trọng tâm, không trùng lắp để làm sáng tỏ các nội dung có trong vụ án. Kiểm sát viên đã nhạy bén, kiểm sát chặt chẽ diễn biến phiên toà và kịp thời cập nhật vào Bài phát biểu. Căn cứ vào các tài liêu, chứng cứ có trong hồ sơ và trình bày của các đương sự tại phiên tòa, Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên án phù hợp với quy định của pháp luật và các tình tiết khách quan của vụ án.
Sau khi phiên tòa kết thúc, đồng chí Hà Thanh Bình, Phó Trưởng phòng 9 VKSND Thành phố đã chủ trì buổi họp rút kinh nghiệm và nhận được nhiều ý kiến góp ý tích cực, phần lớn ý kiến đều xác định Kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ kiểm sát xét xử tại phiên tòa có sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng; nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, hệ thống các chứng cứ; Kiểm sát viên tập trung theo dõi và ghi chép đầy đủ bút ký phiên tòa, Bài phát biểu bám sát hồ sơ vụ án và thực tế diễn biến tại phiên toà. Phiên tòa đã tạo điều kiện cho Kiểm sát viên trong Cụm học hỏi kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng trong công tác xét xử.
Phát biểu tại buổi họp, Kiểm sát viên Lê Duy Bảo Chinh chân thành cảm ơn và tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp, Kiểm sát viên hứa sẽ tiếp tục phát huy những ưu điểm và khắc phục hạn chế để nâng cao kỹ năng kiểm sát xét xử tại phiên tòa trong thời gian tới./.
Nguyễn Thị Thanh Thùy