Thứ Ba, 15/10/2024
Ngày 16/9/2024, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Quận 4 phối hợp với Tòa án nhân dân Quận 4 tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử sơ thẩm vụ án lao động về “Tranh chấp về bảo hiểm, tiền phép năm, tiền thưởng” giữa nguyên đơn - ông Phạm Văn Dũ và bị đơn - Công ty Cổ phần Manny. Vụ án do Kiểm sát viên Nguyễn Thị Vân Anh thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa.
Tham dự phiên tòa có đồng chí Phạm Thị Thanh Thảo, Phó Viện trưởng VKSND Quận 4 cùng các công chức, Kiểm sát viên trong bộ phận kiểm sát dân sự thuộc VKSND Quận 4.
Nội dung vụ án: Từ ngày 05/12/2016, ông Phạm Văn Dũ và Công ty Cổ phần Manny có ký 02 hợp đồng gồm: Thứ nhất, Hợp đồng lao động số HDLD/2017/Manny, loại hợp đồng xác định thời hạn từ ngày 05/12/2016 đến ngày 04/12/2019 có thỏa thuận mức lương cơ bản là 13.410.000 đồng (sau thuế và các khoản phải nộp) với số ngày nghỉ phép năm là 12 ngày/năm và có sửa đổi mức lương căn bản là 13.541.899 đồng/năm tại Phụ lục 1 của hợp đồng ký vào ngày 01/1/2018; thứ hai, Hợp đồng quản lý độc quyền có hiệu lực từ ngày 05/12/2016 đến ngày 04/12/2019. Khi chuẩn bị hết hạn hợp đồng lao động đã ký thì ông Dũ và Công ty có ký Hợp đồng hợp tác số Manny/CC/191101/ PHẠM VĂN DŨ vào ngày 01/11/2019 và ký kèm theo bản hợp đồng thỏa thuận thưởng cổ phần, nội dung là do ông Dũ có những đóng góp đối với hoạt động của Công ty từ năm 2016 nên công ty tặng cho ông Dũ tổng số cổ phần là 20.000 cổ phần, loại cổ phần phổ thông, mệnh giá cổ phần là 101.695 đồng/cổ phần được chia ra làm 04 năm nhận thưởng cổ phần. Tuy nhiên, khi nhận được sổ Bảo hiểm xã hội, ông Dũ phát hiện Công ty không đóng BHXH, BHYT, BHTN theo như Hợp đồng lao động đã ký kết là 13 tháng và đóng không đúng với số tiền lương được ký trong Hợp đồng lao động. Đối với khoản tiền thưởng cổ phần của Công ty, ông Dũ không đồng ý với việc chỉ trả 4.000 cổ phần, bởi vì trong hợp đồng thỏa thuận thưởng cổ phần ký giữa người lao động và đại diện của Công ty ngày 01/11/2019 có thỏa thuận tổng số cổ phần thưởng ông Dũ được nhận là 20.000 cổ phần chứ không phải 4.000 cổ phần như trả lời của đại diện của Công ty. Và dựa vào Hợp đồng lao động, ông Dũ cho rằng mỗi năm ông được nghỉ 12 ngày phép năm nhưng trong suốt 36 tháng làm việc tại Công ty ông chưa nghỉ và cũng chưa được Công ty thanh toán khoản tiền phép năm này, do đó số tiền phép năm này ông phải được hưởng theo quy định. Đồng thời, ông Dũ cho rằng do Công ty không đóng BHXH và không đóng đúng nên ông không được Cơ quan có thẩm quyền cho hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật. Nay, ông Dũ yêu cầu Công ty cổ phần Manny phải đóng BHXH, BHYT, BHTN còn thiếu tháng và không đúng với tiền lương trong Hợp đồng lao động; trả tiền phép năm cho những ngày chưa nghỉ theo như Hợp đồng lao động đã quy định; bồi thường tiền BHTN vì đã không đóng tiền cũng như đóng thiếu tiền BHTN và không trả sổ BHXH đúng quy định, do đó ông Dũ không được Cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán khoản tiền bảo hiểm thất nghiệp như theo quy định của Luật việc làm; trả cổ phần thưởng đúng như hợp đồng Thỏa thuận thưởng cổ phần đã ký ngày 01/11/2019 với tổng số tiền là 2.075.105.260 đồng.
Công ty Cổ phần Manny xác nhận còn đóng thiếu BHXH cho nguyên đơn từ tháng 12/2016 đến 4/2017 là 05 tháng, mức lương đóng BHXH cho ông Phạm Văn Dũ là 13.410.000 đồng/tháng. Công ty xác nhận từ tháng 05/2017 đến tháng 12/2017 đóng thiếu tiền lương, không đúng như mức lương trong Hợp đồng lao động đã ký. Mức lương thực nhận của người lao động là 13.410.000 trong khi đó mức lương Công ty đóng BHXH cho người lao động là 5.000.000 đồng. Hiện nay, Công ty đã liên hệ với BHXH Quận 4 để được làm thủ tục đóng bảo hiểm xã hội truy thu cho trường hợp ông Dũ với điều kiện là ông Dũ phải phối hợp cung cấp lại bản chính sổ BHXH. Đối với yêu cầu được trả tiền phép năm do các bên đã ký “Thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng Lao động số LCTA/190501/PHAM VAN DU” đề ngày 01/05/2019, các bên đã đồng thuận “Chấm dứt Hợp đồng Lao động số HDLD/2017/Manny-09 ký ngày 5/12/2016 giữa hai bên trước thời hạn mà không có bất kỳ lý do hoặc sự bồi thường nào”. Ngoài ra, bị đơn cho rằng đã hết thời hiệu khởi kiện với yêu cầu này. Đối với yêu cầu bồi thường tiền bảo hiểm thất nghiệp: Bị đơn có sai sót trong việc không tham gia bảo hiểm 05 tháng không ảnh hưởng về quyền yêu cầu được hưởng trợ cấp thất nghiệp của nguyên đơn và cũng không ảnh hưởng đến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của nguyên đơn. Ngoài ra, để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nguyên đơn phải nộp bộ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp để nhận được khoản trợ cấp này. Không phải là khoản trợ cấp đương nhiên được hưởng sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động. Do đó, nguyên đơn cần chứng minh được rằng (i) Nguyên đơn đã tiến hành nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp; (ii) Công ty đã từ chối trả sổ bảo hiểm cho nguyên đơn và (iii) Vì lỗi của Công ty dẫn đến bộ hồ sơ đã nộp xin hưởng trợ cấp thất nghiệp của nguyên đơn không được chấp nhận. Đối với yêu cầu được hưởng cổ phần: Trong trường hợp ông Dũ xác nhận việc nhận thưởng đối với 4.000 cổ phần, Công ty Cổ phần Manny sẽ thực hiện các thủ tục xác nhận quyền sở hữu cổ phần của ông Dũ, ông Dũ sẽ trở thành cổ đông của Công ty trong thời hạn 01 tháng.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa phát biểu như sau: Đình chỉ yêu cầu đóng BHXH, BHYT, BHTN còn thiếu tháng và không đúng với tiền lương trong Hợp đồng lao động do nguyên đơn tự nguyện rút yêu cầu khởi kiện. Đình chỉ đối với phần yêu cầu trả tiền phép năm do đã hết thời hiệu khởi kiện và có yêu cầu áp dụng thời hiệu của bị đơn. Không chấp nhận đối với yêu cầu Công ty Cổ phần Manny phải bồi thường tiền bảo hiểm thất nghiệp mà ông Phạm Văn Dũ chưa được nhận. Đình chỉ đối với yêu cầu Công ty Cổ phần Manny trả cổ phần thưởng tương đương 16.000 cổ phần do nguyên đơn tự nguyện rút yêu cầu khởi kiện. Không chấp nhận phần yêu cầu trả cổ phần thưởng của 4.000 cổ phần x 101.695 đồng = 406.780.000 đồng. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên theo hướng đề nghị của Viện kiểm sát.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ hoạt động tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng; tham gia hỏi các bên đương sự; đặt câu hỏi rõ ràng, có trọng tâm, làm rõ được một số vấn đề của vụ án, bảo đảm việc xét xử tại phiên tòa được tiến hành công minh, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.
Sau khi kết thúc phiên tòa, đồng chí Phạm Thị Thanh Thảo, Phó Viện trưởng VKSND Quận 4 đã tổ chức cuộc họp rút kinh nghiệm, nhận xét về những ưu điểm, hạn chế của Kiểm sát viên trong việc nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên tòa cũng như các hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đa số các ý kiến đều đánh giá Kiểm sát viên đã hoàn thành tốt vai trò của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Bên cạnh đó, còn một số thiếu sót nhỏ cần rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn.
Kiểm sát viên Nguyễn Thị Vân Anh đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các lãnh đạo, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa và hứa sẽ tiếp tục không ngừng hoàn thiện, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, góp phần thực hiện tốt mọi chỉ tiêu của đơn vị đề ra./.
Nguyễn Thị Yến Nhi - VKSND Quận 4