Thứ Hai, 09/12/2024

Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ký kết “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 04/01/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và Kế hoạch số 67-KH/TU ngày 23/9/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố) được Ban Thường vụ Thành ủy giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng: “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng liên quan trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”. Sau quá trình xây dựng dự thảo, đóng góp ý kiến, đến nay Quy chế đã được hiệu chỉnh, hoàn thiện tiến tới tổ chức ký kết.

Chiều ngày 08/11/2024, tại trụ sở VKSND Thành phố đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đồng chí Nguyễn Đức Thái, Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND Thành phố, chủ trì Lễ ký kết. Đến tham gia ký kết có lãnh đạo 14 đơn vị có liên quan trong quy chế: đồng chí Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an Thành phố; đồng chí Phùng Văn Hải, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố; đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Thành phố; đồng chí Trần Thanh Đức, Thành ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Thành phố; đồng chí Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố; đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố; đồng chí Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Nam Bình, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố; đồng chí Nguyễn Hoàng Tuấn, Cục trưởng Cục Hải quan Thành phố; đồng chí Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thành phố; đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Chánh Thanh tra Thành phố; đồng chí Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố; đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố.

Đến tham dự Lễ ký kết còn có đồng chí Phạm Thị Hồng Hà, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy, Ủy viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành phố; đồng chí Mai Hoàng, Thành ủy viên, Phó Giám đốc Công an Thành phố - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra; đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an Thành phố - Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra.

Cùng dự còn có sự hiện diện của đại diện Lãnh đạo cấp phòng nghiệp vụ của các đơn vị như: PC01, PC02, PC03, PC04, PA09 thuộc Công an Thành phố; Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân Thành phố; Thanh tra Thành phố; Cục Hải quan Thành phố; Sở Tư pháp Thành phố; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; Bộ đội Biên phòng Thành phố; Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố; Sở Tài chính Thành phố; Cục Quản lý thị trường Thành phố; Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố; Phòng nghiệp vụ của Ban Nội chính Thành ủy.

Đại biểu tham dự Lễ ký kết của VKSND Thành phố còn có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND Thành phố: đồng chí Võ Quang Huy, đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Hoa, đồng chí Ngô Phạm Việt, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn và các đồng chí Lãnh đạo các Phòng: 1, 2, 3, 7, 11 và Văn phòng tổng hợp.

Phát biểu khai mạc buổi Lễ ký kết Quy chế, đồng chí Nguyễn Đức Thái, Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện kiểm sát Thành phố nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đạt được những kết quả rất quan trọng, toàn diện. Trong đó việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác này trong thời gian qua đã và đang có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động cụ thể, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Phần lớn các vụ án tham nhũng tỷ lệ thu hồi tài sản có tăng nhưng vẫn còn thấp so với số lượng phải thu hồi. Số tiền, tài sản bị thất thoát rất lớn nhưng tài sản để đảm bảo thi hành án thì nhỏ, chưa có các biện pháp, quy định cụ thể để truy tìm tài sản tham nhũng bị che giấu nguồn gốc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác thu hồi tài sản là xuất phát từ sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng liên quan trong việc thu hồi tài sản. Từ cả phía cơ quan tố tụng do chưa kịp thời áp dụng biện pháp cần thiết để bảo đảm thu hồi, hoặc đưa ra yêu cầu không cụ thể, không rõ ràng. Đồng thời từ cả phía cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác phối hợp xác minh, ngăn chặn, thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, giám định, định giá tài sản,…

Nhằm tránh việc tẩu tán, thất thoát tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động thu hồi trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn Thành phố, phải có sự chung tay đóng góp, phối hợp giữa các cơ quan tố tụng và cơ quan chức năng ngay từ khi phát hiện dấu hiệu sai phạm, phạm tội. Việc xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp thể hiện quyết tâm chính trị của các đơn vị đối với nhiệm vụ Ban Thường vụ Thành ủy giao nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tại địa phương trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Đức Thái, Viện trưởng VKSND Thành phố phát biểu khai mạc Lễ ký kết Quy chế phối hợp

Tiếp theo đồng chí Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng Quy chế và những nội dung chính, quan trọng của Quy chế. Sau đó 15 cơ quan tiến hành ký kết Quy chế.

Đồng chí Ngô Phạm Việt, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng Quy chế và những nội dung quan trọng của Quy chế
Lãnh đạo các đơn vị ký kết Quy chế phối hợp

Đồng chí Phạm Thị Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy; đồng chí Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an Thành phố; đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố dự Lễ ký kết.

Lãnh đạo các đơn vị tham dự Lễ ký kết chụp hình lưu niệm

Phát biểu kết thúc buổi Lễ ký kết Quy chế, đồng chí Nguyễn Đức Thái, Thành ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND Thành phố nhấn mạnh sau khi ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cần triển khai thực hiện tốt Quy chế để góp phần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn Thành phố. Đồng chí đề nghị các cơ quan tố tụng hai cấp Thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan chức năng liên quan tổ chức quán triệt đầy đủ nội dung Quy chế đến tất cả Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và công chức, người được giao nhiệm vụ của các cơ quan chức năng liên quan và yêu cầu nghiêm túc thực hiện Quy chế này. Đề nghị các cơ quan cử đầu mối để phối hợp, kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc phát sinh, báo cáo lãnh đạo liên ngành hướng dẫn tháo gỡ, kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.

Tin mới