Thứ Sáu, 13/12/2024
KIEMSAT.VN - Tuân thủ nguyên tắc hai cấp xét xử là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự. Trên cơ sở nghiên cứu các quy định liên quan đến xét xử theo thủ tục phúc thẩm, tác giả nêu một số điểm chưa hợp lý và đưa ra đề xuất hoàn thiện Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
1. Phạm vi xét xử phúc thẩm và thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm
Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Những phần được coi là có liên quan đến việc xem xét kháng cáo, kháng nghị là trường hợp việc giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với phần này của bản án, quyết định sơ thẩm đòi hỏi phải xem xét, giải quyết đồng thời với phần khác có liên quan của bản án, quyết định sơ thẩm, mặc dù phần này không bị kháng cáo, kháng nghị.
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm được quy định tại Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Theo đó, HĐXX phúc thẩm có quyền: Giữ nguyên bản án sơ thẩm; sửa bản án sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm; hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; đình chỉ xét xử phúc thẩm. Đối với trường hợp sửa bản án sơ thẩm, hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm (sau đây gọi là “hủy bản án sơ thẩm”), HĐXX sẽ căn cứ Điều 309, Điều 310 BLTTDS năm 2015 khi áp dụng. Theo Điều 309 BLTTDS, HĐXX phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong các trường hợp sau đây: (1) Việc thu thập chứng cứ và chứng minh đã được thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này; (2) Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ.
Theo Điều 310 BLTTDS năm 2015 thì HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của Bộ luật này hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được; (2) Thành phần của HĐXX sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Như vậy, HĐXX chỉ sửa bản án sơ thẩm khi Tòa án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật, bên cạnh đó, nếu việc thu thập chứng cứ ở cấp sơ thẩm đã đầy đủ hoặc chưa đầy đủ nhưng đã được bổ sung ở cấp phúc thẩm. Trường hợp việc thu thập chứng cứ, chứng minh ở cấp sơ thẩm có vi phạm hoặc chưa đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể bổ sung được hoặc thành phần HĐXX sơ thẩm không đúng quy định hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì HĐXX phải hủy toàn bộ hoặc một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án sơ thẩm xét xử sơ thẩm lại.
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến hủy án được hiểu là việc Tòa án đã không tuân thủ các quy định của BLTTDS dẫn đến việc đương sự không thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ của họ trong vụ án đó. Vi phạm có nhiều loại với mức độ nghiêm trọng khác nhau như vi phạm trong việc tống đạt văn bản tố tụng hay bỏ lọt tư cách đương sự, giải quyết không đầy đủ yêu cầu của đương sự... Tùy từng loại vi phạm và trong từng vụ việc cụ thể mà mức độ ảnh hưởng của vi phạm đó đối với các đương sự trong vụ án khác nhau. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, chậm tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đương sự thì trong trường hợp này vẫn xác định là vi phạm không nghiêm trọng, không làm cho đương sự không thực hiện được quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình (vụ án vẫn được xét xử dù vi phạm thời hạn, đương sự chậm được tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng vẫn tham gia phiên tòa đầy đủ, bình thường). Trường hợp Tòa án vi phạm không giải quyết hết các yêu cầu của đương sự, xác định sai tư cách đương sự hay là không đưa đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia vụ án thì phải xem đây là những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà Tòa án cấp phúc thẩm bắt buộc phải hủy án sơ thẩm theo quy định tại Điều 310 BLTTDS năm 2015.
Đối với các vi phạm về nội dung, nếu có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ sửa bản án sơ thẩm, khắc phục sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm. Đối với những vi phạm về tố tụng thì đa số trường hợp Tòa án phải hủy án sơ thẩm; đối với dạng vi phạm trong thu thập chứng cứ thì nếu việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ nhưng cấp phúc thẩm đã bổ sung được thì chỉ cần sửa án mà không hủy án.
Sở dĩ các vi phạm về tố tụng phần lớn phải hủy án mà không được sửa án là vì luật tố tụng (luật hình thức) quy định trình tự, thủ tục để cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng tham gia vào quá trình giải quyết vụ án một cách quy củ, chặt chẽ với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia tố tụng được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình, tạo điều kiện cho cơ quan, người tiến hành tố tụng giải quyết đúng đắn và toàn diện vụ án. Vi phạm tố tụng xảy ra sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự, từ đó ảnh hưởng đến việc tham gia vào quá trình giải quyết vụ án một cách bình thường và đúng đắn của họ và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Mặt khác, tố tụng là quy trình giải quyết vụ án, không thể sửa lại quy trình đã trải qua (ví dụ như không thể khắc phục bằng cách tống đạt lại quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đương sự mà trước đó họ đã không được tống đạt hợp lệ).
2. Một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn
- Kháng cáo, kháng nghị chỉ đề nghị sửa bản án sơ thẩm về nội dung, Hội đồng xét xử phúc thẩm có được quyền hủy án nếu phát hiện vi phạm về tố tụng?
Về việc hủy án sơ thẩm hiện nay có 02 quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc hủy án sơ thẩm của Tòa án cấp phúc thẩm là vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm. Bởi vì nguyên đơn chỉ kháng cáo về phần nội dung quyết định của bản án sơ thẩm. Các quy trình tố tụng trước đó không có đương sự nào kháng cáo, Viện kiểm sát cũng không kháng nghị. Do vậy, cấp phúc thẩm chỉ được xem xét về nội dung giải quyết của bản án sơ thẩm. Việc cấp phúc thẩm xem xét cả về quy trình tố tụng sơ thẩm là không đúng. Theo đó, đương sự có quyền tự quyết định, tự định đoạt. Tòa án chỉ có quyền giải quyết vụ án trong phạm vi yêu cầu hay trong phạm vi kháng cáo của đương sự. Mặc dù, tại cấp sơ thẩm có vi phạm tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ nhưng họ vẫn chấp nhận và không ai có ý kiến gì, thiết nghĩ Tòa án cấp phúc thẩm không cần thiết phải hủy án sơ thẩm mà chỉ cần xem xét nội dung quyết định của bản án sơ thẩm có đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự kháng cáo hay không. Việc hủy án sơ thẩm sẽ đưa vụ án quay trở lại vạch xuất phát một cách không cần thiết.
Quan điểm thứ hai cho rằng, việc hủy án của cấp phúc thẩm là đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015. Việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là có liên quan đến nội dung kháng cáo của đương sự.
Tác giả cho rằng trong trường hợp này, việc Tòa án cấp sơ thẩm hủy án sơ thẩm là hoàn toàn phù hợp với quy định của BLTTDS, không vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị. Như đã phân tích, quá trình tố tụng là một chuỗi các hành vi tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Những hành vi này có mối liên hệ mật thiết với nhau, hành vi trước là tiền đề của hành vi sau và hành vi sau là sự phản ánh, kết quả của hành vi trước. Do vậy, nếu có bất kỳ vi phạm nào xảy ra trong chuỗi mắt xích đó đều sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình tố tụng và gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả giải quyết toàn bộ nội dung vụ án, và đều “có liên quan” đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Hai vấn đề đặt ra đối với thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm là phạm vi xét xử phúc thẩm và thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm. Về phạm vi xét xử phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm chỉ xem xét nội dung bị kháng cáo, kháng nghị và có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Đối với các vi phạm về tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm (ngoại trừ vi phạm về chứng cứ và chứng minh) thì HĐXX phúc thẩm chỉ có thể tuyên y án hoặc hủy án sơ thẩm tùy thuộc vào mức độ vi phạm có nghiêm trọng hay không. Do đó, trường hợp kháng cáo, kháng nghị chỉ đề nghị sửa án sơ thẩm về nội dung nhưng sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, kết hợp với kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, nếu phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về tố tụng thì HĐXX phúc thẩm vẫn có quyền tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
- Kháng nghị của Viện kiểm sát đối với những vụ án đương sự không có kháng cáo:
Thực tiễn có quan điểm cho rằng kháng nghị của Viện kiểm sát là không cần thiết đối với những vụ án mà đương sự không có kháng cáo. Việc đương sự không kháng cáo tức là đương sự đồng ý với phán quyết của Tòa án nên dù bản án có vi phạm đi nữa thì cũng phải tôn trọng quyền tự quyết và tự định đoạt của đương sự. Kháng nghị của Viện kiểm sát trong trường hợp này có thể sẽ dẫn đến việc bản án sơ thẩm bị hủy, xét xử lại, kéo dài thêm thời gian, chi phí của đương sự một cách không cần thiết. Có quan điểm đề xuất sửa đổi BLTTDS về phạm vi xét xử phúc thẩm theo hướng, nếu không có kháng cáo của các đương sự đối với bản án sơ thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát theo Điều 278 BLTTDS năm 2015, trừ trường hợp vụ án được các tổ chức, cá nhân khởi kiện theo quy định tại Điều 187 BLTTDS. Theo tác giả, nhận định như trên là có cơ sở nhưng chưa đầy đủ về các nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự, các căn cứ hủy án sơ thẩm cũng như về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND).
Trong tố tụng dân sự, kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho VKSND để kháng nghị đối với những bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cùng cấp và cấp dưới trực tiếp khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng để yêu cầu Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Kháng nghị phúc thẩm dân sự xuất phát từ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự của VKSND và xuất phát từ nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự nước ta đó là bảo đảm hai cấp xét xử.
Trong vụ án dân sự, quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là yếu tố tiên quyết, là nguyên tắc nền tảng của tố tụng dân sự, nhưng không phải là nguyên tắc tối thượng. Vì bên cạnh nguyên tắc này, pháp luật tố tụng dân sự còn phải tuân thủ một trong những nguyên tắc quan trọng khác là nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa được quy định tại Điều 3 BLTTDS năm 2015. Bên cạnh đó, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Theo đó, thỏa thuận của đương sự phải bảo đảm không vi phạm điều cấm của pháp luật, không làm phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân khác thì thỏa thuận đó mới được thừa nhận. Trên thực tế, có nhiều vụ án dân sự, điển hình là các vụ án về tranh chấp thừa kế mà đương sự không nêu đầy đủ những người thuộc hàng thừa kế, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa xác minh, làm rõ dẫn đến việc bỏ sót người thừa kế, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa đầy đủ đương sự vào tham gia tố tụng dẫn đến bản án giải quyết có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ nhưng họ không được tham gia trình bày ý kiến, chứng minh, phát biểu quan điểm đối với các yêu cầu đối với mình là vi phạm các nguyên tắc cơ bản quy định tại các điều 4, 5, 6, 8, 9 BLTTDS năm 2015.
Do đó, khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng của Tòa án cấp sơ thẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Viện kiểm sát phải ban hành kháng nghị phúc thẩm nhằm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc khi ban hành kháng nghị phúc thẩm, nhất là khi không có kháng cáo của đương sự vì một mặt sẽ đưa vụ án trở lại từ đầu, làm tốn kém thời gian, chi phí của đương sự… Trường hợp có sai sót nghiêm trọng như xác định thiếu tư cách đương sự, giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự,… thì Viện kiểm sát mới ban hành kháng nghị phúc thẩm và đa phần những trường hợp này sẽ là kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm (hoặc hủy một phần bản án sơ thẩm) để giải quyết lại.
- Về căn cứ để Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo quy định của BLTTDS:
Khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015 quy định căn cứ để HĐXX phúc thẩm hủy án sơ thẩm là “thành phần của HĐXX sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”. Tác giả cho rằng, quy định trên của BLTTDS chưa bao quát hết các trường hợp, cụ thể là trường hợp cấp sơ thẩm xét xử thiếu tư cách đương sự. Theo quy định của BLTTDS năm 2015, đương sự là nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Do đó, có thể thấy một chủ thể chỉ có thể trở thành đương sự trong vụ án dân sự khi: (1) Họ là người khởi xướng vụ án (nguyên đơn)/là người bị yêu cầu trực tiếp (bị đơn); (2) Họ tuy không phải là nguyên đơn hay bị đơn nhưng việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ và họ được Tòa án chấp nhận đưa vào tham gia tố tụng. Như vậy, đối với những người tuy việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ nhưng vì lý do nào đó, họ chưa được Tòa án đưa vào tham gia tố tụng thì BLTTDS không coi họ là đương sự. Và nếu hiểu về mặt câu chữ theo Điều 310 BLTTDS năm 2015 thì việc Tòa án xét xử thiếu tư cách đương sự sẽ không phải là căn cứ để hủy án sơ thẩm, bởi vì họ chưa phải là đương sự theo quy định tại Điều 68 Bộ luật này.
Do đó, để bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 310 BLTTDS năm 2015 theo hướng: … “2. Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của Bộ luật này hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc của tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án mà Tòa án cấp sơ thẩm chưa đưa họ vào tham gia tố tụng, trừ trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của họ có thể được giải quyết bằng một vụ kiện khác theo quy định của Bộ luật này”.
- Kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát:
Đối với kháng cáo quá hạn, Tòa án sẽ mở phiên họp công khai để xem xét kháng cáo quá hạn, từ đó quyết định có chấp nhận hay không kháng cáo quá hạn. Đối với kháng nghị quá hạn, BLTTDS năm 2015 chỉ quy định Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị giải thích lý do kháng nghị quá hạn và nêu rõ lý do bằng văn bản theo yêu cầu của Tòa án. Tại Điều 16 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS, quy định về gửi văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn, theo đó, “trường hợp tính đến ngày, tháng, năm ghi trên quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà đã quá thời hạn kháng nghị theo quy định tại các điều 280, 322, 372, 442, 446, 450 và 461 BLTTDS thì Tòa án cấp sơ thẩm nhận được kháng nghị có văn bản yêu cầu Viện kiểm sát đã kháng nghị giải thích lý do kháng nghị quá hạn. Văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát được gửi cho Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu”.
Như vậy, pháp luật hiện hành còn khoảng trống về việc giải quyết kháng nghị quá hạn của Viện kiểm sát. Vậy Tòa án có phải mở phiên họp xem xét kháng nghị quá hạn như xem xét kháng cáo quá hạn không, lý do nào dẫn đến kháng nghị quá hạn sẽ được chấp nhận, hay là việc Viện kiểm sát gửi văn bản giải thích lý do kháng nghị quá hạn cũng đồng nghĩa với việc kháng nghị quá hạn được chấp nhận. Do vậy, BLTTDS hoặc các văn bản hướng dẫn thi hành cần bổ sung các quy định về căn cứ kháng nghị quá hạn được chấp nhận, quy trình xem xét kháng nghị quá hạn tương tự như việc xem xét kháng cáo quá hạn của đương sự.