Thứ Ba, 14/01/2025

Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

06/12/2024 - 18:19 | Nghiên cứu, trao đổi

KIEMSAT.VN - Các quy định về biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân còn một số vướng mắc, bất cập như: Chưa hướng dẫn cụ thể về thời hạn lập hồ sơ đề nghị; quy định giữa các văn bản pháp luật về tài liệu trong hồ sơ đề nghị đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định chưa thống nhất; thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát quá ngắn...

1. Bất cập trong quy định của pháp luật về biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Thứ nhất, về thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012), thì thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi liên quan đến nghiện ma túy. Tuy nhiên, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý cai nghiện ma túy (Nghị định số 116/2021); Thông tư số 05/2018/TT-BCA ngày 07/02/2018 của Bộ Công an quy định việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Thông tư số 05/2018) không hướng dẫn cụ thể về thời hạn lập hồ sơ đề nghị. Điều này dẫn đến trường hợp cơ quan lập hồ sơ sau khi đã hoàn tất các tài liệu, thủ tục và hết thời hạn đọc hồ sơ nhưng không gửi ngay đến Phòng lao động - thương binh và xã hội, mà chờ tập hợp nhiều hồ sơ rồi mới gửi một lần, gây ảnh hưởng đến thời hạn xem xét, giải quyết của Tòa án nhân dân.

Thực tế, cũng có trường hợp sau khi tiếp nhận hồ sơ từ cơ quan lập hồ sơ gửi đến, Tòa án phát hiện hồ sơ chưa đầy đủ tài liệu, chứng cứ, nên cần thời gian khắc phục sai sót, bổ sung, nhưng không còn nhiều thời gian, bởi sắp hết thời hạn giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật. Điều này gây khó khăn cho công tác xem xét, giải quyết của Tòa án nhân dân và công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân.

Thứ hai, các điều 41, 51 Nghị định số 116/2021, Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản có liên quan không quy định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có giấy chứng nhận “bác sỹ thực hiện việc xác nhận tình trạng nghiện ma túy cho người bị đề nghị đã tham gia tập huấn về xác định tình trạng nghiện ma túy”. Tuy nhiên, trên thực tế, một số Thẩm phán lại yêu cầu cơ quan lập hồ sơ thu thập tài liệu này. Điều này là không cần thiết và dẫn đến khó khăn cho công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, ảnh hưởng đến thời hạn xem xét, quyết định của Tòa án và hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát.

Thứ ba, về thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát. Khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 17 Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 17 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 13/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 03/2022) quy định chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp của Tòa án phải được gửi đến Viện kiểm sát cùng cấp; sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định trên cho thấy, do thời gian nghiên cứu hồ sơ ngắn, nhiều vụ việc phức tạp, quan điểm của các cơ quan tố tụng không thống nhất đã dẫn đến nhiều trường hợp không tuân thủ thời hạn gửi hồ sơ, chất lượng nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát chưa đảm bảo.

Thứ tư, về tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo quy định tại các điểm a, d khoản 1 Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, hồ sơ đề nghị đối với trường hợp này phải có “tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người đó”. Còn theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 41 Nghị định số 116/2021, thì hồ sơ đề nghị đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định phải có: “01 bản sao phiếu kết quả xác định tình trạng nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền”. Trong khi đó, khoản 1 Điều 5 Thông tư số 05/2018 không quy định trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải có tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người này, mà phải có “biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng ma túy trái phép” hoặc “phiếu xét nghiệm có kết quả dương tính với chất ma túy tại thời điểm lập hồ sơ”. Việc quy định không thống nhất về tài liệu trong hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong việc lập hồ sơ giữa các xã, phường, thị trấn; gây khó khăn cho công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trên thực tế, nhiều trường hợp người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, nhưng thời gian chờ làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính kéo dài, dẫn đến việc quản lý lỏng lẻo, đối tượng này đã bỏ trốn khỏi địa phương.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, đối với Ủy ban nhân dân cấp xã: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cần có sự quan tâm hơn nữa công tác đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc để tập trung chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Điều 34 Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đặc biệt là trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ hai, đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cần có biện pháp chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp tục triển khai, quán triệt và thực hiện tốt các biện pháp cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy theo Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và Nghị định số 116/2021. Trong đó, chú trọng bố trí cán bộ có năng lực thực hiện chuyên trách công tác này, tránh thay đổi, luân chuyển; kiểm tra, đôn đốc các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt quy trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và định kỳ báo cáo theo đúng quy định; có chế độ, chính sách phù hợp nhằm động viên, khen thưởng kịp thời đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ làm tốt nhiệm vụ; tổ chức hội nghị sơ kết rút kinh nghiệm chung và đề ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở; thường xuyên liên hệ, phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Phòng lao động - thương binh và xã hội để kịp thời trao đổi, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; nâng cao trách nhiệm của cán bộ được phân công làm công tác tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lập hồ sơ đề nghị.

Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, giao cho các cơ quan chuyên trách thường xuyên tổ chức chương trình, đề án tuyên truyền sâu rộng Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản liên quan.

Thứ tư, Công an cấp xã cần thường xuyên xác minh, rà soát người nghiện ma túy trên địa bàn, lập hồ sơ theo dõi và kịp thời tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với các trường hợp theo Điều 32 và Điều 33 Luật phòng, chống ma túy năm 2021. Sau khi hoàn tất hồ sơ đề nghị hoặc thu thập các tài liệu bổ sung thì Công an cấp xã cần chuyển ngay cho Phòng lao động - thương binh và xã hội; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Toà án nhân dân và Phòng lao động - thương binh và xã hội trong công tác lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ năm, cần có văn bản hướng dẫn khi xử lý vụ việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà Thẩm phán yêu cầu trong hồ sơ phải có phiếu xác nhận “bác sỹ của Trung tâm y tế cấp xã xác nhận phiếu kết quả tình trạng nghiện ma túy phải bảo đảm điều kiện đã được đào tạo qua lớp bồi dưỡng”.

Thứ sáu, hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần có các tài liệu theo Nghị định số 118/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (Mẫu biên bản số 01); Nghị định số 109/2021/NĐ-CP ngày 08/12/2021 của Chính phủ quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy (Mẫu số 02 và Mẫu số 05); Nghị định số 116/2021 (các mẫu số 30, 31, 32, 36 và 37 Phụ lục II); khoản 2 Điều 41 Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống ma túy; Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 29/6/2018 của liên ngành trung ương quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng (các mẫu số 01 và 02).

Thứ bảy, đối với các trường hợp người nghiện đang chờ làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính mà có dấu hiệu bỏ trốn khỏi địa phương, cần thực hiện các biện pháp quản lý, y tế, tư vấn tâm lý… trong thời gian lập hồ sơ như trường hợp đối tượng không có nơi cư trú ổn định, làm căn cứ cho Tòa án xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thứ tám, cần sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 và khoản 3 Điều 17 Pháp lệnh số 03/2022 theo hướng: Quy định Tòa án nhân dân chuyển giao hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp và tăng thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát từ 03 ngày làm việc lên 05 ngày làm việc trước ngày mở phiên họp để Viện kiểm sát chủ động nghiên cứu hồ sơ và tham gia phiên họp.

Nguyễn Tấn Dạng

 
 
Theo Tạp chí Kiểm sát in số 03/2024
 

Tin mới