Thứ Ba, 15/10/2024
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 ra đời đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số quy định cần được hướng dẫn để áp dụng thống nhất trong thực tiễn. Cụ thể, đó là việc xác định “Văn bản hành chính có liên quan” được quy định tại khoản 1 Điều 6 và điểm đ khoản 3 Điều 191 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Tại khoản 1 Điều 6 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “1. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có quyền xem xét về tính hợp pháp của văn bản hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện và kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính đó và trả lời kết quả cho Tòa án theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Đồng thời, tại điểm đ khoản 3 Điều 191 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử: “3. Khi nghị án, Hội đồng xét xử chỉ được căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, các quy định của pháp luật và nghiên cứu, áp dụng án lệ hành chính (nếu có) liên quan để quyết định về các vấn đề sau đây: ...đ) Tính hợp pháp và có căn cứ của văn bản hành chính có liên quan (nếu có);”
Như vậy, mục đích của việc xác định “Văn bản hành chính có liên quan” đến quyết định hành chính bị kiện để xem xét tính hợp pháp và có căn cứ trong quá trình giải quyết vụ án hành chính nhằm giải quyết vụ án một cách toàn diện và triệt để. Tuy nhiên, trên thực tế, để xác định như thế nào là văn bản hành chính “có liên quan” còn nhiều cách hiểu khác nhau.
Ví dụ điển hình là vụ “Khiếu kiện quyết định hành chính” giữa Người khởi kiện - bà T và Người bị kiện - Ủy ban nhân dân huyện H do Tòa án nhân dân tỉnh A thụ lý giải quyết, theo đó: Bà T có đất bị ảnh hưởng trong Dự án bồi thường giải tỏa xây dựng Trường Mầm non trên địa bàn xã N huyện H. Ngày 28/10/2021, Ủy ban nhân dân huyện H ban hành Quyết định số 6485/QĐ-UBND về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với bà T có đất bị thu hồi.
Bà T cho rằng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã xác định giá đất để bồi thường chưa sát với giá thực tế giao dịch trên thị trường, đồng thời diện tích đất bồi thường chưa đúng với diện tích được công nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bà T nên đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Do đó, bà T khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh A tuyên hủy Quyết định số 6485/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của Ủy ban nhân dân huyện H.
Trong vụ kiện này, ngoài Quyết định số 6485/QĐ-UBND ngày 28/10/2021, bà T còn cung cấp Quyết định số 4148/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của Ủy ban nhân dân huyện H về điều chỉnh một phần nội dung Quyết định 6485/QĐ-UBND (điều chỉnh phần địa chỉ thường trú của bà T); Quyết định số 6494/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của Ủy ban nhân dân huyện H về việc thu hồi đất của bà T; Quyết định số 5737/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện H về cưỡng chế thu hồi đất của bà T.
Quá trình giải quyết vụ án, bà T xác định chỉ khởi kiện Quyết định về bồi thường, hỗ trợ số 6485/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của Ủy ban nhân dân huyện H, đối với các quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất người khởi kiện đồng ý chấp hành.
Như vậy, vấn đề đặt ra là, khi xét yêu cầu khởi kiện của bà T đối với Quyết định về bồi thường, hỗ trợ số 6485/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 có cần đưa các quyết định về thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của bà T vào xem xét với tính chất là quyết định hành chính có liên quan để giải quyết trong vụ kiện hay không? Vấn đề này có 02 quan điểm:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Quyết định số 4148/QĐ-UBND về điều chỉnh một phần nội dung Quyết định số 6485/QĐ-UBND; Quyết định số 6494/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của bà T và Quyết định số 5737/QĐ-UBND về cưỡng chế thu hồi đất của bà T đều là những quyết định hành chính có liên quan đến quyết định hành chính bị kiện (Quyết định về bồi thường, hỗ trợ số 6485/QĐ-UBND). Do đó, mặc dù bà T không khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy đối với các quyết định trên nhưng Tòa án vẫn phải xem xét tính hợp pháp và tính có căn cứ của các quyết định này theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: “Văn bản hành chính có liên quan” hiểu theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và điểm đ khoản 3 Điều 191 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là văn bản có mối quan hệ về mặt nội dung, là phần gắn liền (không thể thiếu) đối với quyết định bị kiện, sự tồn tại của văn bản này dẫn đến sự tồn tại của văn bản còn lại. Ngược lại, trường hợp khi chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, hủy quyết định bị kiện thì phải hủy luôn quyết định có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án triệt để, toàn diện.
Như vậy, trong vụ kiện này, đối tượng mà bà T khởi kiện yêu cầu hủy là Quyết định về bồi thường, hỗ trợ số 6485/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của Ủy ban nhân dân huyện H vì bà cho rằng giá bồi thường và diện tích bồi thường không đúng. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T, hủy Quyết định bồi thường, hỗ trợ số 6485/QĐ-UBND thì Ủy ban nhân dân huyện H ban hành lại quyết định chỉ để điều chỉnh đơn giá và diện tích bồi thường. Tuy các quyết định thu hồi, bồi thường và cưỡng chế thu hồi đất có liên hệ với nhau về mặt trình tự, thủ tục nhưng quyết định bồi thường có thể tồn tại độc lập với 02 quyết định thu hồi và cưỡng chế thu hồi. Việc điều chỉnh giá bồi thường và diện tích bồi thường không ảnh hưởng đến cơ sở pháp lý của việc thu hồi cũng như cưỡng chế thu hồi, không cần phải xem xét tính hợp pháp và có căn cứ của 02 quyết định này với tính chất “có liên quan” theo điều luật đã viện dẫn trên của Luật Tố tụng hành chính 2015.
Quan điểm thứ 2 cũng là quan điểm của tác giả, đối với vụ kiện này chỉ cần xác định Quyết định số 4148/QĐ-UBND về điều chỉnh một phần nội dung Quyết định 6485/QĐ-UBND (quyết định bị khởi kiện) là quyết định hành chính có liên quan để xem xét, giải quyết.
Trên đây là trao đổi của tác giả từ thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính. Rất mong nhận được ý kiến phản biện, trao đổi của các bạn đồng nghiệp./.
Trần Việt Anh - Phòng 10