Thứ Tư, 26/03/2025

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015

26/06/2018 - 14:00 | Nghiên cứu, trao đổi

Sau khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật tố tụng hành chính năm 2015 ra đời đã kế thừa, khắc phục những tồn tại của Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Luật tố tụng hành chính năm 2010. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm sát việc thi hành các đạo luật trên, chúng tôi còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:

1. Quy định về yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ

Tại Điều 106 BLTTDS 2015 và Điều 93 LTTHC 2015 đã quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án và Viện kiểm sát trong vòng 15 ngày, nếu không cung cấp mà không có lý do chính đáng thì tùy theo tính chất mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật...”. Điều luật quy định khá rõ nhưng việc thực hiện trong thực tế hết sức khó khăn. Thực tiễn có rất nhiều vụ phải tạm đình chỉ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm vì lý do cơ quan lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp cho Tòa án theo yêu cầu mà đến nay vẫn chưa có phương án khắc phục tình trạng này một cách hữu hiệu.

2. Về thời hạn gửi bài phát biểu của Kiểm sát viên cho Toà án

Tại các điều 262, 306, 375, 341 BLTTDS 2015 và Điều 190, Điều 240 LTTHC 2015 quy định: "Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ án" là không phù hợp với thực tiễn xét xử, bởi vì: Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp không những phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà còn phải căn cứ vào diễn biến trực tiếp tại phiên tòa nên bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên có thể được chỉnh sửa về nội dung và hình thức văn bản sau khi nắm bắt diễn biến trực tiếp tại phiên tòa. Mặt khác, bản phát biểu còn phải được đóng dấu của Viện kiểm sát mới có giá trị pháp lý nên không thể gửi ngay cho Tòa án sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp.

3. Quy định về kháng nghị quá hạn

Tại Khoản 3 Điều 280 BLTTDS 2015 và Khoản 3 Điều 213 LTTHC 2015 quy định: "Khi Tòa án nhận được quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát mà quyết định kháng nghị đó đã quá thời hạn quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì Tòa án cấp sơ thẩm yêu cầu Viện kiểm sát giải thích bằng văn bản và nêu rõ lý do". Tuy vậy, BLTTDS 2015 và LTTHC 2015 lại không quy định khi đã hết thời hạn kháng nghị nhưng vì lý do khách quan, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị hay không? Nếu quy định Viện kiểm sát có quyền kháng nghị khi đã hết thời hạn trong trường hợp vì lý do, trở ngại khách quan thì quy định như trên là hợp lý. Nếu quy định đã hết thời hạn Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị thì quy định như trên là không cần thiết, sẽ nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình giải quyết vụ án.

4. Về  thời hạn chuẩn bị xét xử tại Điều 203 BLTTDS 2015 và Điều 130 LTTHC 2015

Điểm b Khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015 và Khoản 1, 2 Điều 130 LTTHC 2015 quy định: Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 BLTTDS và điểm a Khoản 2 Điều 116 LTTHC là 04 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án, đối với các vụ có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án có quyền gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 02 tháng đối với trường hợp nêu trên. Quy định này là khó thực hiện. Bởi lẽ: Để giải quyết xong một vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động nhất là những vụ án có tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều đương sự, phải thu thập chứng cứ từ nhiều nguồn thì cần phải có thời gian, cá biệt có trường hợp đương sự cố tình vắng mặt, Tòa án phải nhiều lần thực hiện việc cấp, tống đạt, niêm yết…. Điều này dẫn đến tình trạng Toà lên lịch xử nhưng phải tạm ngừng, có vụ phải 5, 6 phiên xử mới tuyên, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây khó khăn, tốn kém cho đương sự.

5. Thời hạn kháng nghị phúc thẩm

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 280 BLTTDS 2015 và Khoản 2 Điều 213 LTTHC 2015 thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là bảy ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là mười ngày, kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định. Trong thời hạn 07 ngày trên, Viện kiểm sát phải vào sổ theo dõi, quản lý quyết định, sau đó chuyển giao cho cán bộ nghiên cứu, báo cáo Lãnh đạo đơn vị, sau đó, nếu có vi phạm thì phải soạn thảo dự thảo quyết định kháng nghị trình Lãnh đạo phê duyệt. Như vậy, với thời gian 07 ngày thì khó hoàn thành tốt tất cả công việc trên, chưa kể trong nhiều trường hợp phải yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để nghiên cứu thêm về các căn cứ kháng nghị. Do đó, trong thực tế áp dụng điều luật này cũng gặp nhiều khó khăn.

6. Về việc tham gia phiên Tòa của người bị kiện là UBND hoặc Chủ tịch UBND các cấp

Tại Khoản 3 Điều 60 LTTHC 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Quy định nêu trên đã khắc phục được tình trạng trước đây, người được ủy quyền thường là cán bộ thừa hành của người ủy quyền, cụ thể như chuyên viên Phòng Quản lý đô thị, chuyên viên Phòng Tài nguyên Môi trường, chuyên viên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng… những người đại diện này chỉ có quyền tham gia tố tụng theo ủy quyền nhưng không có thẩm quyền rút toàn bộ hoặc rút một phần quyết định hành chính bị khiếu kiện. Tuy nhiên, qua thực tế gần 02 năm thực hiện, đã phát sinh thực trạng người bị kiện hoặc cấp phó của người bị kiện không tham gia phiên tòa mà áp dụng Điều 61 cử người tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Vì vậy, trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong các tài liệu, chứng cứ do các bên xuất trình, việc tranh luận tại phiên tòa như thẩm vấn, hỏi, đối đáp, để làm rõ sự thật khách quan không thể thực hiện đối với người khởi kiện, nên chất lượng của phần tranh tụng rất hạn chế, không đạt được ý nghĩa làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ án, dẫn đến việc chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng tranh tụng.

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc mà chúng tôi gặp phải trong quá trình thực thi BLTTDS 2015 và LTTHC 2015. Rất mong nhận được sự trao đổi và đóng góp từ các đồng nghiệp.

Phan Ngọc Khanh - Phó trưởng Phòng 10

Tin mới