Thứ Tư, 30/04/2025
Sau khi các đạo luật mới như: Bộ luật dân sự 2015; Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015… ra đời đã kế thừa, khắc phục những tồn tại của luật cũ. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm sát việc thi hành các đạo luật trên thực tế, chúng tôi còn gặp phải khó khăn, vướng mắc như sau:
1. Về việc tính lãi suất chậm thanh toán trong giai đoạn thi hành án đối với vụ án kinh doanh thương mại:
Theo quy định của pháp luật, để đảm bảo quyền lợi cho bên được thi hành án và hạn chế việc không tự nguyện, cố tình kéo dài thi hành án, pháp luật quy định Tòa án phải tuyên rõ trong bản án hoặc quyết định: Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (hoặc ngày có đơn yêu cầu thi hành án) hàng tháng bên phải thi hành án chịu khoản lãi suất theo mức lãi do Ngân hàng quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án. Trước khi Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2016), tại phần tuyên về lãi suất chậm thanh toán trong giao đoạn thi hành án, trừ phi các bên có thỏa thuận khác còn lại Tòa án nhân dân các cấp đều áp dụng quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005. Tại Án lệ số 09/2016/AL ngày 17/10/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng xác định đối với án kinh doanh thương mại khi tính tiền lãi do chậm thanh toán khi vi phạm nghĩa vụ sẽ áp dụng quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005.
Theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại về quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán được xác định như sau: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Trên thực tế, kể từ khi Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành lại phát sinh trường hợp trong các vụ án kinh doanh thương mại, Tòa án lại áp dụng quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 để tuyên về lãi suất chậm thanh toán trong giai đoạn thi hành án. Có những nơi thụ lý, giải quyết 02 vụ kiện khác nhau nhưng cùng một loại tranh chấp là tranh chấp hợp đồng mua bán, tranh chấp hợp đồng thi công hay tranh chấp hợp đồng dịch vụ… nhưng Tòa án lại tuyên khác nhau: Có vụ Tòa án xác định lãi suất chậm thanh toán theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 và có vụ Tòa án lại áp dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
Thiết nghĩ, đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại, đối với lãi suất chậm thanh toán trong giai đoạn thi hành án nên áp dụng quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 như trước đây cho phù hợp. Viện KSND tối cao cần có sự phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao để ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đối với trường hợp này để có sự áp dụng thống nhất giữa 02 ngành hoặc có hướng dẫn cụ thể riêng trong toàn Ngành kiểm sát đối với trường hợp này Tòa án có vi phạm hay không để các VKS địa phương có cơ sở để kháng nghị theo thẩm quyền.
2. Về việc có nên tính các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà người sử dụng lao động phải nộp cho người lao động thành một số tiền cụ thể để trên cơ sở đó tính án phí mà người sử dụng lao động phải nộp trong vụ án lao động hay không?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động năm 2012, trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì có nghĩa vụ “… phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc…”.
Để có cơ sở quyết định về trách nhiệm bồi thường các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Tòa án phải căn cứ vào các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để buộc người sử dụng lao động nộp các khoản tiền này cho người lao động (Mức đóng mới nhất áp dụng theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 888/QĐ-BHXH ngày 16/7/2018).
Trong thực tế, hầu hết các vụ kiện có nội dung quyết định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bản án thường tuyên trách nhiệm giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động đối với người lao động như sau: “Buộc người sử dụng lao động (Công ty…) phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian không được làm việc theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT” .
Tuy nhiên, có những trường hợp Tòa án tính số tiền này thành một khoản tiền cụ thể trên cơ sở mức lương cơ bản và phụ cấp của người lao động từ đó tính luôn án phí mà người sử dụng lao động phải nộp vào Ngân sách Nhà nước. Nhưng có những vụ Tòa án chỉ tuyên người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc mà không tính thành số tiền cụ thể để từ đó thu án phí của người sử dụng lao động. Vì vậy, thiết nghĩ Viện KSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao cần phải có sự phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn chung cho 02 ngành để có sự áp dụng thống nhất, tránh gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước.
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc mà chúng tôi gặp phải trong quá trình áp dụng các đạo luật mới ban hành năm 2015. Rất mong nhận được sự trao đổi và đóng góp từ các đồng nghiệp về vấn đề này.
Trương Thị Hồng Hoa - Phòng 10