Thứ Sáu, 13/12/2024
Trong tố tụng dân sự, ở mỗi thủ tục giải quyết vụ án (sơ thẩm, phúc thẩm…), bên cạnh bản án, Tòa án còn có quyền ban hành các quyết định khác nhau nhằm giải quyết vụ án. Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án là một trong những quyết định hết sức quan trọng, đó là việc Tòa án chấm dứt hoạt động tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm, kết quả giải quyết vụ án ở giai đoạn sơ thẩm sẽ được công nhận và có hiệu lực thi hành.
Chính vì vậy, việc kiểm sát quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án là nhiệm vụ rất cần thiết, bởi lẽ nếu quyết định này ban hành thiếu chính xác sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về đình chỉ xét xử phúc thẩm tại Điều 289. Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu điều luật này và các điều luật có liên quan trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tác giả nhận thấy còn có sự bất cập, gây khó khăn, lúng túng cho Viện kiểm sát trong việc áp dụng. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:
“1. Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc một phần vụ án trong các trường hợp sau đây:
a) Các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này;
b) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị;
c) Người kháng cáo rút một phần kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, để đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, tại khoản 4 Điều 289 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án có hiệu lực thi hành ngay và phải được gửi ngay cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp”.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 315 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về gửi bản án, quyết định phúc thẩm quy định: “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ…”.
Như vậy, cùng là quy định về thời hạn gửi quyết định phúc thẩm nhưng giữa khoản 4 Điều 289 (quy định cụ thể về quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án) và khoản 1 Điều 315 (quy định chung về quyết định phúc thẩm) của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lại quy định khác nhau dẫn đến gây khó khăn cho việc áp dụng cũng như làm căn cứ để Viện kiểm sát kiểm sát về thời hạn gửi quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án của Tòa án. Quy định không thống nhất này thiết nghĩ cần phải được sửa đổi, bổ sung khi Quốc hội tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 trong thời gian tới.
Trên đây là trao đổi của tác giả từ thực tiễn công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với các quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án của Tòa án nhân dân. Rất mong nhận được ý kiến phản biện, trao đổi của các bạn đồng nghiệp.
Trương Thị Hồng Hoa - Phòng 10