Thứ Sáu, 13/12/2024
Trong nhiều vụ án, có loại kiện cũng thường gặp là “Tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”. Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng: ...Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan…; Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu...
Do tính chất pháp lý và giá trị của văn bản được công chứng nên khi người dân (qua thực tế giải quyết chỉ xảy ra đối với cá nhân) phát hiện quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm thông qua văn bản đã được công chứng sẽ khởi kiện để yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng đó vô hiệu và người bị kiện là phòng công chứng (của nhà nước) hoặc văn phòng công chứng (của tư nhân). Các dạng văn bản công chứng thường bị kiện đó là khai nhận di sản thừa kế, giao dịch đặt cọc, mua bán, chuyển nhượng nhà đất, ủy quyền để thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản.
Nhiều trường người khởi kiện cho rằng lỗi thuộc về công chứng viên. Vậy trách nhiệm của công chứng viên như thế nào khi thực hiện việc công chứng?
Điều 17 luật công chứng 2014 quy định về quyền và nghĩa của công chứng viên có ghi: …đề nghị cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng…Được từ chối công chứng hợp đồng giao dịch…vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội…
Trong một số giao dịch yêu cầu công chứng có thể dẫn đến tranh chấp thì ở Mục 2 Luật công chứng có quy định cụ thể trình tự, thủ tục ở một số trường hợp về thế chấp, ủy quyền, di chúc, thỏa thuận. Như vậy, việc công chứng chỉ thực hiện trên cơ sở có yêu cầu và những tài liệu liên quan đến việc công chứng do người yêu cầu cung cấp. Còn việc kê khai, nội dung thỏa thuận, tài liệu cung cấp đúng hay sai thì công chứng viên không có nghĩa vụ phải biết hoặc phải điều tra, tìm hiểu, xác minh,… Nên tại Điều 47 quy định về trách nhiệm của người yêu cầu công chứng: …là cá nhân phải có năng lực hành vi dân sự, phải xuất trình giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó…
Ví dụ như công chứng di chúc tại khoản 2 Điều 56: nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc bị lừa dối, đe dọa,…. Trường hợp này do nhận thức chủ quan của công chứng viên và cách xử lý như yêu cầu giấy khám sức khỏe chứ không có quy định bắt buộc phải có giấy chứng nhận sức khỏe khi đến công chứng di chúc hay các giao dịch công chứng khác. Việc “nghi ngờ” bị đe dọa lừa dối thì cũng do cảm nhận, kinh nghiệm của công chứng viên. Về tài liệu để công chứng có sự giả mạo, giấy tờ giả (chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận đối với bất động sản, động sản,…) thì công chứng viên cũng không thể có chuyên môn nghiệp vụ để phát hiện.
Do đó, công chứng viên không có lỗi khi thực hiện thủ tục đúng quy định.