Thứ Bảy, 14/09/2024
Tapchitoaan.vn - ĐẶNG ĐÌNH THÁI* - Bài viết tập trong phân tích, nghiên cứu làm rõ về thực trạng hoạt động tranh tụng và giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng.
Thực trạng hoạt động tranh tụng của chủ thể buộc tội
Về cơ bản, Kiểm sát viên (KSV) khi tham gia phiên tòa đều vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ, nắm bắt được tư duy đổi mới về hoạt động tranh tụng. Để phục vụ cho việc thực hành quyền công tố tại phiên tòa, KSV đều có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, thể hiện ở việc nắm bắt tốt nội dung cáo trạng, nắm được diễn biễn, các tình tiết có liên quan đến vụ án.
Từ khi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành, chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa đã có những thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tích cực. Đã không còn hiện tượng khi luận tội KSV chỉ phát biểu giữ nguyên quan điểm truy tố, KSV đã chủ động, tích cực hơn trong việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa để cùng với HĐXX tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo đảm Tòa án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Lời luận tội, đối đáp của KSV tại phiên tòa ngày càng có chất lượng. Khi được phân công thực hành quyền công tố, KSV đã nắm chắc chứng cứ của vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi, phát biểu luận tội, quan điểm đối đáp tại phiên tòa chặt chẽ, sắc bén, công khai dân chủ hơn. Nhìn chung những nội dung phát biểu của KSV tại phiên tòa được Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận và những người tham gia phiên tòa đồng tình.
Số vụ án phải xét xử phúc thẩm có xu hướng giảm. Theo Báo cáo tổng kết công tác ngành kiểm sát, số lượng vụ án phải xét xử phúc thẩm có xu hướng giảm.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa vẫn còn những hạn chế nhất định, cụ thể:
- Vẫn còn tình trạng tại phiên tòa bị cáo được Tòa án tuyên không có tội
- Vẫn còn tình trạng có Kiểm sát viên thiếu chủ động khi xét hỏi, xét hỏi không đầy đủ. Một số KSV cho rằng việc xét hỏi tại phiên tòa là trách nhiệm của HĐXX,còn KSV chỉ có nhiệm vụ bảo vệ cáo trạng và kiểm sát việc tuân theo pháp luật và chỉ thể hiện vai trò của mình ở giai đoạn tranh luận. Việc xét hỏi để xác định tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội chủ yếu vẫn do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa tiến hành.
- Nhiều Kiểm sát viên có tâm lý né tránh việc tranh luận với Luật sư bào chữa. Thực tế còn một số KSV còn có tâm lý ngại tranh luận với Luật sư, không đối đáp đến cùng những tình tiết có liên quan đến vụ án mà Luật sư bào chữa đưa ra.
Thực trạng hoạt động tranh tụng của chủ thể gỡ tội
Chủ thể thực hiện chức năng bào chữa (gỡ tội) cho bị cáo tại phiên tòa có thể là Luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện của bị cáo, trợ giúp viên pháp lý. Trên thực tế, việc thống kê, báo cáo về sự tham gia của bào chữa viên nhân dân, người đại diện của bị cáo, trợ giúp viên pháp lý không được thực hiện đầy đủ, do đó, tác giả chỉ tập trung làm rõ về hoạt động tranh tụng của Luật sư tại phiên tòa. Cũng trên cơ sở nội dung 100 biên bản phiên tòa cho thấy trong tất cả phiên tòa có sự có mặt của Luật sư bào chữa thì Luật sư đều chủ động, tích cực tham gia bào chữa cho bị cáo, chủ động tranh luận, đối đáp với KSV.
Tại một số phiên tòa, Luật sư đề xuất Hội đồng xét xử trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung, làm rõ thêm các tình tiết có liên quan đến vụ án. Hầu hết các quan điểm bào chữa đều đề nghị Hội đồng xét xử xem thêm các tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị cáo, đề nghị cho bị cáo được hưởng khoan hồng. Điều này đã thể hiện được trình độ chuyên môn cũng như đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư khi tham gia bào chữa tại phiên tòa sơ thẩm.
Thực trạng tranh tụng của một số chủ thể khác
Những chủ thể tranh tụng khác gồm bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích cho các chủ thể này. Trong số biên bản phiên tòa có rất ít trường hợp bị hại, hay đương sự tham gia tranh tụng. Trên thực tế, những chủ thể này ít tham gia phiên tòa, phần lớn bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt tại phiên tòa. Phạm vi tranh tụng của bị hại liên quan đến cả vấn đề hình sự, vấn đề dân sự trong vụ án, đối với đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì phạm vi tranh tụng hẹp hơn, chỉ liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ trong vụ án.
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về nguyên tắc xác định sự thật của vụ án Điều 15 BLTTHS năm 2015 về nguyên tắc xác định sự thật vụ án quy định “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Tuy nhiên quy định như vậy còn khá chung chung dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan bị chồng chéo, chức năng tố tụng không hoàn toàn độc lập, ảnh hưởng đến chất lượng tiến hành tố tụng nói chung và hoạt động tranh tụng nói riêng. Cơ quan điều tra (CQĐT) và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đều có chức năng, nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Viện kiểm sát (VKS) với chức năng thực hành quyền công tố, truy tố người phạm tội nên cũng là một chủ thể có trách nhiệm chứng minh tội phạm và bảo vệ các quan điểm buộc tội của mình trước Tòa án. Nói cách khác, “CQĐT và VKS cùng có trách nhiệm phát hiện tội phạm, đưa kẻ phạm tội ra trước Tòa để xét xử, hoạt động điều tra là để phục vụ cho hoạt động công tố, nhưng CQĐT vẫn có vai trò chủ động của mình, KSV không làm thay nhiệm vụ của điều tra viên mà đóng vai trò dẫn đường trong việc thu thập chứng cứ, chứng minh sự thật vụ án trong giai đoạn điều tra”.
Thứ hai, hoàn thiện Điều 20 BLTTHS năm 2015 quy định về chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự VKS có hai chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự. Có quan điểm cho rằng, tại phiên tòa, “VKS vừa là chủ thể buộc tội, một bên của tố tụng, lại vừa đứng ra kiểm sát việc xét xử, thật chẳng khác nào vừa đá bóng vừa thổi còi”. Quan điểm này đã thể hiện được cái nhìn chân thực về chức năng của VKS trên thực tế. Khi tiến hành tranh tụng tại phiên tòa, VKS (mà đại diện là KSV) tham gia với vai trò là chủ thể buộc tội, tiến hành thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, khẳng định quan điểm buộc tội là có căn cứ. Nhưng với chức năng của một cơ quan tiến hành tố tụng, VKS lại kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, có nghĩa là sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động của của các cơ quan, chủ thể khác trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bao gồm kiểm sát việc xét xử.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về việc luận tội của Kiểm sát viên. Theo quy định tại Điều 319 BLTTHS năm 2015, sau khi kết thúc việc xét hỏi, KSV có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn. Tuy nhiên việc KSV rút quyết định truy tố, kết luận về tội nhẹ hơn cũng chính là nội dung của phần luận tội, do đó Điều 319 là không cần thiết vì nội dung luận tội đã được thể hiện tại khoản 3 của Điều 321. Do đó, tác giả đề xuất bỏ quy định tại Điều 319, đồng thời sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng làm rõ hơn về nội dung luận tội. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 321, nội dung lời luận tội chỉ có đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn, thiếu trường hợp KSV đề nghị kết luận về khoản khác với khoản đã truy tố trong cũng điều luật. Do đó, cần bổ sung vào quy định về luận tội của KSV nhằm làm rõ hơn nữa các trường hợp KSV có thể đề xuất.
Theo lsvn.vn
*Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4