Thứ Bảy, 14/09/2024
Xaydungdang.org.vn - Ở Việt Nam, việc thực thi dân chủ thuộc về bản chất và là một trong những nội dung cốt lõi để lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, để người dân được thể hiện quyền con người, quyền làm chủ trên các phương diện. Tính ưu việt của chế độ dân chủ ở Việt Nam đã góp phần quan trọng trong xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Loạt bài về “Thực thi dân chủ bảo đảm bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân” sẽ góp phần khẳng định giá trị, hiệu quả việc thực thi dân chủ ở Việt Nam.
Bài 1: NHỮNG THÀNH TỰU TRONG THỰC HIỆN DÂN CHỦ NGHỊ TRƯỜNG
Dân chủ nghị trường là thành quả sáng tạo của Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước, nhằm hiện thực hóa chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Đó là một đóng góp quan trọng nhằm xác lập cơ sở cả về lý luận và thực tiễn cho nền dân chủ XHCN ở nước ta. Những đặc trưng nổi bật trong dân chủ nghị trường thể hiện ở việc Quốc hội (QH) tổ chức xây dựng luật, giám sát thực hiện chương trình, đề án… cùng những nội dung khác theo quy định của Hiến pháp thông qua tranh luận. Những thành tựu này đã được các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Những kết quả này được thể hiện chi tiết thế nào?
Một trong những thành tựu rất quan trọng mà Đảng Cộng sản Việt Nam đạt được trong lãnh đạo ở thời kỳ đổi mới là thực hiện quan điểm mục tiêu dân chủ.
Trong lịch sử, Đảng ta luôn xác định, dân chủ là một mục tiêu, là động lực vô cùng quan trọng giống như chiếc chìa khóa vạn năng để xây dựng thể chế, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng con người mới.
Từ lâu Đảng ta đã đưa “dân chủ” vào trong quan điểm phát triển đất nước. Trước Đại hội XI, trong nghị quyết, Đảng thống nhất chủ trương mục tiêu là xây dựng Nhà nước “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Căn cứ để đưa ra sự thay đổi này là Đảng nhận thức dân chủ là cốt lõi, đặt “dân chủ” lên trên và không còn là tính từ cho “xã hội” nữa. Dân chủ là một trong những mục tiêu như các mục tiêu dân giàu, nước mạnh và mang ý nghĩa toàn diện. Đến Đại hội XIV, quan điểm, mục tiêu này vẫn đang được thực thi, trong đó dân chủ ngày càng được đề cao; thực thi ngày càng có chiều sâu và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hôi, góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống chính trị trong các tầng lớp nhân dân, nhưng quan trọng hơn đó là thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động của QH và Chính phủ, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò lãnh đạo của Đảng.
Để thể chế hóa mục tiêu, quan điểm xây dựng dân chủ của Đảng thành hiện thực, từ nhiều nhiệm kỳ trước, việc thực hành dân chủ trong họp QH, trong nghị trường, nhất là từ nhiệm kỳ XI, XII đã có sự phát triển rất mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực. GS, TS. Đào Trọng Thi, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VIII, IX, X, XI, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa XII từng trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân vào năm 2011 đã nhấn mạnh: “Năm 1946, trong khóa QH đầu tiên, chúng ta lựa chọn con đường xây dựng Nhà nước dân chủ. Nhưng, phải nói thật, trong hoạt động của QH thời kỳ này, việc đấu tranh để bảo vệ nền tảng dân chủ của một thể chế Nhà nước cũng giống như cách của QH nhiều nước trên thế giới – là sự đấu tranh giữa các lực lượng đối lập trong QH… QH khi đó chưa có cơ chế để thực hiện đấu tranh, tranh luận (đây là động lực phát triển của xã hội). Nếu không có cơ chế này thì sẽ không tạo được dân chủ thực sự”. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn này, GS, TS. Đào Trọng Thi khẳng định: “Đây là bước tiến lớn. Đến cuối nhiệm kỳ QH khóa XII này, dân chủ được thể chế hóa trên nghị trường rất thành công”(*).
Sự đổi mới về thực hiện dân chủ của QH được thể hiện đầy đủ nhất, sinh động nhất và có sức lan tỏa tới nhân dân nhiều nhất có lẽ là những lần tranh luận tại các kỳ họp, đặc biệt là trên diễn đàn QH trong mấy khóa gần đây. QH đã từng bước tạo dựng được không khí ngày càng dân chủ trong hoạt động. Các cuộc thảo luận, trao đổi tại QH ngày càng mang tính chất đối thoại, tranh luận nhiều hơn, góp phần xác lập và từng bước phát triển dân chủ nghị trường. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản để có thành công này được xuất phát từ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UB TVQH) khóa XIV đã có những đổi mới về cơ chế để rồi tiếp tục hoàn thiện.
Trước Kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV, dư luận trong nước được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin, sau một phiên họp thường kỳ, TVQH sẽ báo cáo QH cho áp dụng thí điểm một số cải tiến về cách thức tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp 22 UB TVQH; đó là “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ và người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi. Ông Nguyễn Hạnh Phúc đã lý giải như sau: Sau phiên chất vấn kéo dài 1 ngày tại phiên họp 22 TVQH, rất nhiều người dân gửi thư về đánh giá cao việc thí điểm cải tiến. Cách chất vấn là đại biểu QH nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/1 lần. Sau 3 người hỏi thì người bị chất vấn trả lời câu hỏi của đại biểu không quá 3 phút/1 lần.
Thực tế, sau lần chất vấn thử nghiệm này, QH đã thu được thành công ngoài mong đợi. Trải qua 3 ngày chất vấn từ mồng 4 đến ngày 6-6-2018, qua các phiên chất vấn, các đại biểu bàn thảo dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm bàn thảo các nhóm vấn đề kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, bức xúc được đông đảo các vị đại biểu QH và cử tri cũng như dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Các đại biểu QH đã thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn. Sau kỳ họp, đánh giá về phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn, đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu QH và cử tri đồng tình, đánh giá cao. Tại các phiên chất vấn đã có hơn 250 lượt đại biểu QH chất vấn và tranh luận.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của QH minh chứng cho tinh thần làm việc dân chủ, khẩn trương, trách nhiệm và hiệu quả của QH là đã kịp thời ban hành các nghị quyết về phòng, chống dịch COVID-19 để Chính phủ điều hành phòng, chống dịch, cũng đồng thời điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó, trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội đảm bảo tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội.
Vào giữa năm 2021, trước Kỳ họp thứ nhất QH khóa XV, dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở tỉnh Hải Dương và các tỉnh phía Bắc. Lúc ấy, nhiều lãnh đạo của Chính phủ đã ra tuyến đầu để thị sát và chỉ đạo. Yêu cầu cấp thiết lúc này là phải có một chủ trương tổng thể để huy động nguồn lực phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, đến sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất cũng chưa thấy Chính phủ đề xuất chính sách, thậm chí còn chưa biết rõ Chính phủ “đã chuẩn bị được đến đâu”. Khi QH khóa XV chấp nhận cho bổ sung nội dung này vào Chương trình Kỳ họp thì với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo QH, nỗ lực làm việc “cả ngày, cả đêm” hết sức dân chủ, khách quan và minh bạch của các cơ quan của QH, sự vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ, các bộ, ngành, một nghị quyết về phòng, chống dịch COVID-19 đã được ra đời ban hành ngày 28-7-2021 có tên Nghị quyết số 30/2021/QH15. Với những quyết sách mạnh mẽ, Nghị quyết số 30/2021/QH15 tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 11-12-2022, trong Tổng kết việc thực hiện Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, chưa đến 10 ngày sau khi QH đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Nghị quyết 30 là sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng của QH và Chính phủ, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt, chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân lên trên hết, trước hết.
Sau này Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã chia sẻ với truyền thông về thành công của Nghị quyết số 30/2021/QH15 như sau: Nhiều đoàn của chúng ta đi tham dự các hội nghị nghị viện đa phương khu vực và quốc tế, các đoàn của QH đi nước ngoài và đoàn nghị viện các nước sang thăm nước ta cũng trao đổi kinh nghiệm này, họ rất tâm đắc nhưng cũng nói rằng, không có nước nào trên thế giới làm như Việt Nam, không có nước nào trên thế giới có Nghị quyết như thế này. Phải chăng đây là một trong những sáng kiến độc đáo của Việt Nam, thể hiện sự ưu việt của chế độ chúng ta cũng như sự lãnh đạo của Đảng!
Sự đổi mới trong dân chủ nghị trường ở QH liên tục được diễn ra mạnh mẽ và ngày càng thu được kết quả tốt. Gần đây nhất là hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV, diễn ra trong 2,5 ngày, từ 6-11 đến 8-11-2023. Điểm khác biệt tại kỳ họp lần này là QH sẽ tập trung chất vấn việc thực hiện các cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ QH khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XV đến nay. Kết quả đã 457 lượt đại biểu QH đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu QH thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận về thực hiện 10 nghị quyết của QH khóa XIV và khóa XV với phạm vi nội dung rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được nhân dân và cử tri hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19.
Có thể nói rằng, sự tiến bộ trong thực thi dân chủ nghị trường, đặc biệt là hiệu quả từ hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn đã phát huy được tâm huyết và trí tuệ tập thể của các đại biểu QH tham gia thảo luận nhằm nâng cao chất lượng các dự án luật, nghị quyết cũng như hoạt động giám sát, chất vấn. Từ đó tạo động lực thúc đẩy các cơ quan của QH nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm tra và chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng như chuẩn bị các báo cáo kết quả giám sát; các đại biểu QH tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong hoạt động tại QH.
Như vậy, dân chủ nghị trường góp phần nâng cao năng lực, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng như của các đại biểu QH, làm cho cả QH, Chính phủ và các cơ quan tư pháp đều mạnh lên. Ðây là một thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới. Thành tựu này bắt nguồn từ sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước: Ðảng quyết định chủ trương, đường lối và định hướng lớn; các cơ quan nhà nước thể chế hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết định của Ðảng theo chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, tăng cường tính độc lập tương đối của các cơ quan Nhà nước nhằm phát huy sự chủ động của từng cơ quan và hiệu quả của các cơ chế phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Nhà nước như một thể thống nhất. Bởi vậy, sự lãnh đạo của Ðảng được bảo đảm và nâng cao.
-----------------------
(*) “Phát huy dân chủ trong nghị trường nhưng vẫn đảm bảo được sự thống nhất của hệ thống chính trị”
https://daibieunhandan.vn/luat-trong-cuoc-song-quoc-hoi-va-cu-tri/Phat-huy-dan-chu-trong-nghi-truong-nhung-van-dam-bao-duoc-su-thong-nhat-cua-he-thong-chinh-tri-i242110/
(Còn nữa...)