Thứ Hai, 09/12/2024
KIEMSAT.VN - Quy định về đương nhiên xóa án tích trong Bộ luật Hình sự năm 2015 thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với người, pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội. Thực tiễn áp dụng các quy định này còn nhiều vướng mắc, bất cập về: Xác định trường hợp được xem là đương nhiên xóa án tích; thời điểm bắt đầu; cách tính thời hạn… cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.
Quy định về các trường hợp đương nhiên xóa án tích thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với người, pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội. Nhà nước đương nhiên công nhận và xem người, pháp nhân thương mại đã bị kết án thực hiện đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về trường hợp đương nhiên được xóa án tích là người, pháp nhân thương mại chưa bị kết án. Người, pháp nhân thương mại được đương nhiên xóa án tích không phải chịu hậu quả pháp lý từ bản án kết tội đã xóa án tích trước đây nếu họ thực hiện tội phạm mới. Cơ quan tiến hành tố tụng không được sử dụng bản án đã được xóa án tích để làm căn cứ xác định tội phạm, tái phạm hay tái phạm nguy hiểm. Mặt khác, trên phương diện xã hội, quy định về đương nhiên xóa án tích còn giúp người, pháp nhân thương mại đã bị kết án hòa nhập cộng đồng, xã hội.
1. Một số vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật
- Đối với cá nhân (người) phạm tội:
Một là, người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự, thì có được xác định thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích không?
Về vấn đề này, hiện nay đã có hướng dẫn nội bộ của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát. Tuy nhiên, hai văn bản hướng dẫn lại chưa thống nhất. Theo đó, Mục 7 Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính hướng dẫn: “Điều 70 của BLHS quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: Người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, BLHS không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: Tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.
Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của BLHS”.
Khác với quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao, Mục 7 Công văn số 4632/VKSTC-V7 ngày 30/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc trả lời thỉnh thị hướng dẫn: “… Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể trường hợp đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự có được coi là “đã chấp hành xong” các quyết định khác của bản án hình sự hay không hoặc có được coi là đủ điều kiện để đương nhiên xóa án tích theo Điều 70 BLHS hay không. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 70 BLHS, đương nhiên được xóa án tích không chỉ áp dụng đối với người bị kết án mà còn áp dụng trong trường hợp hết thời hiệu thi hành bản án. Do đó, trường hợp này đã hết thời hiệu để thi hành nên xử lý theo hướng có lợi cho bị án cần được coi là không có tiền án”.
Sự mâu thuẫn về việc hướng dẫn xác định án tích, xóa án tích trong trường hợp này đã dẫn đến thực tiễn các địa phương áp dụng pháp luật không thống nhất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc xác định trách nhiệm hình sự, tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Hai là, thời điểm bắt đầu tính thời hạn đương nhiên xóa án tích là từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án, hay từ khi chấp hành xong hết các quyết định ghi trong bản án?
Theo tác giả, thời điểm bắt đầu tính thời hạn đương nhiên xóa án tích là từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án; cần hiểu nội dung khoản 2 Điều 70 BLHS năm 2015 theo hướng: Việc chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo là “điều kiện cần” để một người được xóa án tích, vì khi đó, khoảng thời gian được tính để xoá án tích sẽ bắt đầu được tính và người bị kết án phải không thực hiện hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, người bị kết án phải đáp ứng “điều kiện đủ” là chấp hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Khi và chỉ khi người bị kết án chấp hành xong phần “điều kiện đủ” thì họ mới được xóa án tích, dù thời hạn được tính để xóa án tích đã kết thúc từ trước đó.
Ba là, cách tính thời hạn để xóa án tích đối với trường hợp người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật theo khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015 chưa thống nhất.
Khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015 quy định: “Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành”.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, sau khi chấp hành xong bản án mới, thời hạn xóa án tích bao gồm khoảng thời gian để xóa án tích cho bản án cũ cộng với thời gian để xóa án tích cho bản án mới. Bởi lẽ, xóa án tích là xóa hậu quả pháp lý của người bị kết án theo từng bản án, có nghĩa là ngoài việc phải chịu hình phạt đối với tội đã phạm, người bị kết án còn bị pháp luật ấn định một khoảng thời gian nhất định để chứng minh họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Quan điểm thứ hai cho rằng, sau khi chấp hành xong bản án mới, người bị kết án sẽ đồng thời được tính thời gian để xóa án tích cho tất cả các bản án mà họ đã chấp hành, trên cơ sở thời hạn của bản án nặng nhất.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, việc tính thời hạn xóa án tích trong trường hợp trên phải theo hướng có lợi cho người bị kết án. Thời hạn xóa án tích theo Điều 73 BLHS năm 2015 không được tổng hợp như cách tổng hợp hình phạt, do đó, cần cho người bị kết án đồng thời được tính thời gian để xóa án tích đối với tất cả các bản án mà họ đã chấp hành, trên cơ sở thời hạn của bản án nặng nhất.
- Đối với pháp nhân thương mại phạm tội:
Điều 89 BLHS năm 2015 không quy định hậu quả pháp lý đối với pháp nhân thương mại bị kết án chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới. Tuy nhiên, Điều 74 BLHS năm 2015 quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này; theo quy định khác của Phần thứ nhất của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này”. Do đó, nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi pháp nhân thương mại bị kết án chấp hành xong bản án, hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại đó phạm tội mới, án tích sẽ được tính lại theo khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại sẽ được tính lại kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính của bản án mới theo khoản 2 Điều 73 BLHS năm 2015, hay tính lại kể từ khi chấp hành xong bản án mới (là cách tính thời hạn xóa án tích dành riêng cho pháp nhân thương mại bị kết án)? Cách tính thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại và người bị kết án có sự khác nhau, thời điểm bắt đầu tính thời hạn xóa án tích cũng khác nhau, nên rất khó áp dụng Điều 74 BLHS năm 2015 mà không trái với quy định chung về xóa án tích.
Ngoài ra, Điều 89 BLHS năm 2015 chỉ quy định thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại là 02 năm, mà không phụ thuộc vào hình phạt chính được áp dụng. Hình phạt chính đối với pháp nhân thương mại gồm 03 loại theo Điều 33 BLHS năm 2015, trong đó hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoàn toàn hoạt động của pháp nhân thương mại. Theo đó, không tính thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Tuy nhiên, trường hợp pháp nhân thương mại hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn về một lĩnh vực, thì cách tính thời hạn xóa án tích sẽ gặp khó khăn.
2. Một số đề xuất, kiến nghị
Qua nghiên cứu, xác định một số vấn đề bất cập, vướng mắc, chưa thống nhất về cách hiểu trong quy định của BLHS năm 2015 về đương nhiên xóa án tích, tác giả đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật như sau:
Một là, liên ngành tư pháp trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất về các vấn đề sau:
- Trường hợp người bị kết án chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự, thì vẫn được coi là thuộc trường hợp đương nhiên được xóa án tích.
- Về xác định thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên xóa án tích:
Đối với người bị kết án: Thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án; còn hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, nhưng phải trước ngày người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mới.
Đối với pháp nhân thương mại chưa được xóa án tích, mà phạm tội mới và bị kết án: Thời điểm để bắt đầu tính thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ tính lại kể từ khi pháp nhân thương mại chấp hành xong bản án mới.
- Về tính thời hạn để xóa án tích: Sau khi chấp hành xong bản án mới, người bị kết án sẽ đồng thời được tính thời gian để xóa án tích cho tất cả các bản án mà họ đã chấp hành, trên cơ sở thời hạn của bản án nặng nhất đối với tội họ đã phạm.
Hai là, cần sửa đổi quy định về xóa án tích đối với pháp nhân thương mại tại Điều 89 BLHS năm 2015. Điều 89 BLHS năm 2015 quy định về tính thời hạn xóa án tích khi pháp nhân thương mại chấp hành xong hình phạt chính, nhưng không loại trừ trường hợp pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là không hợp lý.
Do đó, cần sửa đổi Điều luật này như sau: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn; hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án, hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân không thực hiện hành vi phạm tội mới”.
TS. Lê Văn Công - ThS. Nguyễn Thị Thu Hồng