Thứ Bảy, 14/12/2024

Phải tuyên rõ di sản để lại trong bản án và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán

05/09/2023 - 17:11 | Nghiên cứu, trao đổi

Tapchitoaan.vn - NGUYỄN NGỌC THÁM* - DƯƠNG THỊ CHIẾN** - Qua nghiên cứu bài “Thực tiễn xét xử các vụ án về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại – Đề xuất và kiến nghị”[1] của nhóm tác giả Trương Huỳnh Hải, Trương Minh Chiến, người viết thống nhất với quan điểm thứ hai.

Việc định giá xác định giá trị phần di sản là không cần thiết, nếu xác định giá trị di sản 10.000 m2 tại thời điểm xét xử để xác định nghĩa vụ thực hiện thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự. Ngoài ra, người viết có một vài ý kiến bổ sung như sau:

Quan hệ tranh chấp trong vụ án này là tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng V với những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của A là B, C, D, E và thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại. Căn cứ Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) quy định những người hưởng thừa kế B, C, D, E có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản của A trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

A chỉ có 01 tài sản duy nhất là quyền sử dụng đất 10.000m2. Vì vậy, B, C, D, E có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ của A trong phạm vi di sản của A để lại (trong phạm vi giá trị quyền sử dụng đất 10.000m2).

Như chúng ta đã biết, giá trị quyền sử dụng đất không cố định tại mỗi thời điểm mà hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến, tính thanh khoản của trị trường bất động sản. Việc định giá giá trị quyền sử dụng đất của A tại thời điểm xét xử sơ thẩm để xác định phạm vi nghĩa vụ liên đới của các đồng thừa kế có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người được thi hành án (ngân hàng V) khi tại thời điểm xét xử giá trị định giá thấp hơn so với thời điểm thi hành án (phần chênh lệch còn lại sẽ được chia cho các đồng thừa kế) hoặc khi định giá trị cao tại thời điểm xét xử so với giai đoạn thi hành án thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của B, C, D, E khi phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo bản án.

Tuy không cần phải định giá quyền sử dụng đất nhưng vụ việc này A chết chỉ để lại 01 tài sản duy nhất và phần tuyên án phải tuyên rõ tài sản này nên biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ cần thể hiện chi tiết về vị trí toạ lạc, tứ cận, diện tích, hiện trạng… theo quy định tại khoản 2 Điều 101 BLTTDS 2015.

Ngoài ra, Điều 658 BLDS 2015 quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:

 “Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu.

3. Chi phí cho việc bảo quản di sản.

4. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.

5. Tiền công lao động.

6. Tiền bồi thường thiệt hại.

7. Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.

9. Tiền phạt.

10. Các chi phí khác”.

Như vậy, khoản nợ với ngân hàng V được xếp sau khi thực hiện các nghĩa vụ khác của người chết (khoản 8 Điều 658 BLDS 2015).

Vì vậy, người viết cho rằng đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng và thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại trong vụ việc này (đã có căn cứ xác định người chết chỉ có một tài sản duy nhất để lại là quyền sử dụng đất diện tích 10.000m2)  thì phần tuyên án cần tuyên rõ nội dung (quyền sử dụng dụng đất số… tờ bản đồ….diện tích, toạ lạc tại…..vị trí tứ cận qua biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ…) để tránh vướng mắc trong giai đoạn thi hành án sau này. Toà án cũng cần làm rõ B, C, D, E có trách nhiệm liên đới thực hiện nghĩa vụ trả khoản tiền vay của ngân hàng V trong phạm vi giá trị di sản do A để lại sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo quy định của Điều 658 BLDS 2015 (nếu có). Trong vụ việc này, A chỉ có duy nhất một tài sản là quyền sử dụng đất, không để lại khoản tiền khác nên có khả năng phát sinh trường hợp các đồng thừa kế phải thanh toán chi phí hợp lý cho việc mai táng.

Trên đây là quan điểm của người viết về vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng và thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại. Rất mong sẽ nhận được ý kiến góp ý từ các chuyên gia, quý độc giả của Tạp chí Toà án.

* Thẩm phán Toà án nhân dân huyện Cần Đước, tỉnh Long An

** Ths, Văn phòng Luật sư Lê Lam, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Bích Hường

Tin mới