Thứ Bảy, 25/01/2025
Sau khi Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra đời và có hiệu lực thi hành, ngày 14/11/2014 Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 566/QĐ-VKSTC và Quyết định số 39/QĐ-VKSTC ngày 08/4/2015 để phân công bổ sung nhiệm vụ kiểm sát xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân cho các đơn vị trong ngành Kiểm sát.
Do đó, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; các vụ, việc kinh doanh thương mại, lao động và phá sản doanh nghiệp, Viện kiểm sát nhân dân (Phòng 10) còn thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.
Nhìn chung, việc thực hiện Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 trong thời gian qua được đảm bảo, việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đúng đối tượng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự của chính quyền cơ sở và nhận được sự đồng tình của cộng đồng, quần chúng nhân dân cũng như người bị xử lý hành chính và thân nhân, gia đình họ. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm sát việc thi hành Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 tại Tòa án nhân dân, còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc sau:
1. Về nghiên cứu hồ sơ và thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát:
* Về nghiên cứu hồ sơ: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó. Quy định này đã gây khó khăn và ảnh hưởng đến sự chủ động thực hiện công tác kiểm sát của Kiểm sát viên.
* Về thời hạn nghiên cứu hồ sơ: Tại Khoản 3 Điều 16 Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 quy định chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, Tòa án phải gửi quyết định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp. Như vậy, Kiểm sát viên có chỉ có 03 ngày để nghiên cứu hồ sơ tham gia phiên họp, phải làm rất nhiều công việc như: Photo hồ sơ, làm quyết định phân công Kiểm sát viên, nghiên cứu làm báo cáo đề xuất, làm bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp… nên rất khó để thực hiện các chức năng của Viện kiểm sát như quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định có vi phạm của Tòa án.
2. Về quyền yêu cầu của Viện kiểm sát:
Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 chưa quy định cụ thể các trường hợp Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu đối với Tòa án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà chỉ có quy định chung là Viện kiểm sát có quyền yêu cầu và hiện nay chưa có Thông tư hay văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, chỉ quy định Thẩm phán mới có quyền yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đề nghị xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị đề nghị mà không quy định Kiểm sát viên có quyền yêu cầu đối với Tòa án hoặc đối với cơ quan đề nghị bổ sung tài liệu chứng minh hành vi vi phạm của người bị đề nghị, tài liệu về nhân thân, tình trạng sức khỏe của người bị đề nghị chưa rõ hoặc có mâu thuẫn mà không thể bổ sung, làm rõ tại phiên họp.
3. Về thẩm quyền kháng nghị:
Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 chỉ quy định thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp (cấp quận, huyện), không quy định thẩm quyền xem xét kháng nghị của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp (cấp tỉnh), trên thực tế có nhiều trường hợp Tòa án cấp quận, huyện ra quyết định giải quyết chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp không thể kháng nghị để xem xét lại quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Mặt khác, thời hạn xem xét thực hiện quyền kháng nghị cũng chỉ có 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định là quá ngắn so với công việc phải làm sau phiên họp để thực hiện quyền kháng nghị.
Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 cũng không quy định quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định giải quyết khiếu nại của Tòa án cấp phúc thẩm nên có nhiều trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết khiếu nại chưa phù hợp với quy định của pháp luật nhưng Viện kiểm sát cấp tỉnh không thể báo cáo đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm lên cấp trên trực tiếp để xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại.
Mong nhận được sự trao đổi của các bạn đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phan Ngọc Khanh - KSV Phòng 10