Thứ Năm, 21/11/2024

Một số vướng mắc trong giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân

14/11/2024 - 21:05 | Nghiên cứu, trao đổi

KIEMSAT.VN - Trong công tác giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, còn một số khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

Trong công tác giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan trực tiếp giải quyết yêu cầu bồi thường; có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, chỉ đạo việc bồi thường của toàn ngành Kiểm sát và phối hợp với các cơ quan liên quan trong quản lý công tác bồi thường nhà nước. Quá trình thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn một số khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác này.

1. Về công tác bồi thường nhà nước của ngành Kiểm sát nhân dân

Theo thống kê của các đơn vị trong ngành, từ ngày 01/12/2022 đến ngày 30/11/2023, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết 18 trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại (trong đó, đã giải quyết xong 13 trường hợp, hiện còn 05 trường hợp đang giải quyết).

- Về xác định trách nhiệm hoàn trả và thực hiện trách nhiệm hoàn trả: Các trường hợp để xảy ra thiệt hại phải bồi thường đều được VKSND các cấp xem xét, rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với cá nhân, tập thể liên quan. Qua xem xét, đánh giá trách nhiệm đối với các trường hợp để xảy ra thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, nhận thấy các cán bộ, Kiểm sát viên để xảy ra thiệt hại chủ yếu là do lỗi vô ý. Trong kỳ, đã xem xét trách nhiệm hoàn trả đối với 25 vụ việc. Trong đó, 10 vụ việc đã xác định không phải hoàn trả theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017; 02 việc phải hoàn trả; 13 việc đang xem xét trách nhiệm hoàn trả.

- Về công tác phối hợp giữa VKSND và các cơ quan có liên quan trong công tác bồi thường: Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan để kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bồi thường trong ngành Kiểm sát; thường xuyên chỉ đạo VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường ở địa phương trong thực hiện công tác bồi thường nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, nhiều vụ việc yêu cầu bồi thường đã được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật nhờ có sự chủ động phối hợp của liên ngành Trung ương và địa phương, nhất là những vụ việc chưa thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tố tụng, những vụ việc bị thất lạc hồ sơ, hoặc vụ việc xảy ra trước khi có Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988.

- Về việc chỉ đạo phòng ngừa sai phạm để góp phần hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trong ngành: Viện kiểm sát các cấp thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội và của ngành về đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong thời gian qua, toàn ngành đã thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật vai trò của Kiểm sát viên trong giải quyết án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, tham gia lấy lời khai hoặc trực tiếp lấy lời khai trước khi phê chuẩn; chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, nâng cao chất lượng bản yêu cầu điều tra và kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; tổ chức thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, có hiệu quả công tác kiểm tra, giải đáp, hướng dẫn pháp luật và trả lời thỉnh thị; không để xảy ra tình trạng tùy tiện gia hạn thời hạn điều tra vụ án và gia hạn thời hạn tạm giam làm kéo dài, vi phạm về thời hạn giải quyết vụ án dẫn đến phải đình chỉ vụ án, nhằm góp phần hạn chế phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong ngành Kiểm sát nhân dân.

2. Một số khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác bồi thường nhà nước của ngành Kiểm sát nhân dân vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc áp dụng các căn cứ pháp luật để xác định thiệt hại phải bồi thường chưa có sự thống nhất, hoặc áp dụng không đúng dẫn đến việc giải quyết khó khăn và kéo dài. Trong quá trình giải quyết, người bị thiệt hại không chấp nhận báo cáo, kết quả xác minh của Viện kiểm sát và nhiều lần xin gia hạn thời hạn tự cung cấp tài liệu chứng minh thiệt hại; có vụ việc đã thương lượng nhiều lần không thành, khi khởi kiện ra Tòa án thì người bị thiệt hại không hợp tác hoặc không cung cấp đủ tài liệu, chứng cứ để Tòa án thụ lý theo quy định. Ngoài ra, công tác tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý yêu cầu bồi thường thiệt hại gặp nhiều khó khăn do một số vụ việc, người yêu cầu bồi thường không hợp tác.

Những vướng mắc, bất cập trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

- Về nguyên nhân chủ quan, công tác giải quyết bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự có nhiều yếu tố phức tạp, đòi hỏi công chức được phân công phải có chuyên môn, nghiệp vụ về bồi thường nhà nước, có kinh nghiệm trong giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường, nắm vững hệ thống văn bản pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước. Vẫn còn tình trạng các địa phương có phát sinh vụ việc chưa chủ động giải quyết dứt điểm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước, đặc biệt là trong việc nắm bắt thông tin về công tác bồi thường nhà nước có lúc, có nơi chưa chủ động, thường xuyên; vẫn còn vụ việc bị kéo dài thời gian giải quyết do khó khăn trong việc thống nhất ý kiến về hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Việc nhận thức của cơ quan giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường về các quy định của pháp luật, trình tự thủ tục chưa thống nhất dẫn đến nhiều trường hợp khiếu nại kéo dài ở nhiều cấp.

- Về nguyên nhân khách quan, một số vụ việc đã xảy ra rất lâu, hồ sơ vụ án không tìm thấy hoặc không còn lưu trữ, các tài liệu liên quan đến việc xác minh thiệt hại không đầy đủ, thống nhất; cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được việc giao nhận văn bản, quyết định xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường. Mặt khác, diễn biến của tình hình dịch bệnh trong những năm qua gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giải quyết, thu thập, xác minh của cơ quan giải quyết, đặc biệt là việc cung cấp tài liệu, căn cứ chứng minh của người bị thiệt hại, dẫn tới một số vụ việc bị kéo dài.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ bất cập trong các quy định của pháp luật:

- Khoản 1 Điều 6 Luật TNBTCNN năm 2017 chỉ xác định về thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm, trừ trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự, qua đó, xác định việc phục hồi danh dự theo Luật TNBTNN năm 2017 không giới hạn về thời hiệu. Tuy nhiên, khi tổ chức để thực hiện việc phục hồi danh dự đối với những vụ việc xác định đã hết thời hiệu, nhiều trường hợp người bị thiệt hại không chấp nhận việc chỉ được phục hồi danh dự mà không được bồi thường các khoản thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.

- Về việc xác minh thiệt hại, theo Điều 45 Luật TNBTCNN năm 2017, thời gian xác minh là 45 ngày, trong khi nội dung cần xác minh theo quy định bao gồm rất nhiều việc. Đối với vụ việc phức tạp, có nhiều người bị thiệt hại, địa bàn xác minh tại nhiều tỉnh, thành, thậm chí cả ở nước ngoài, thiệt hại xảy ra đã lâu nên việc quy định thời hạn xác minh như trên sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện. Ngoài ra, trong một số trường hợp, người yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ có tính hợp lý nhưng không hợp pháp, cơ quan giải quyết bồi thường phải xác minh mới có cơ sở bồi thường, thời hạn 45 ngày là không đủ để thực hiện việc xác minh.

- Về khoảng thời gian thương lượng, theo khoản 1 Điều 46 Luật TNBTCNN năm 2017, thời gian thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày. Tuy nhiên, đối với những vụ việc có nhiều loại thiệt hại xảy ra ở những thời điểm khác nhau, mức yêu cầu bồi thường trong văn bản yêu cầu bồi thường với số tiền rất lớn; hoặc gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương thì việc gia hạn thời gian thương lượng khi được sự thống nhất của hai bên là cần thiết, mang lại hiệu quả, góp phần giải quyết vụ việc một cách dứt điểm, tránh trường hợp người bị thiệt hại khiếu kiện kéo dài và khiếu kiện vượt cấp.

- Điều 65 Luật TNBTCNN năm 2017 lần đầu tiên quy định việc người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền nhất định mà Nhà nước đã phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Thực tiễn giải quyết một số vụ việc cho thấy, áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật TNBTCNN (Nghị định số 68/2018), cách tính mức hoàn trả cụ thể đối với từng người trong trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại còn vướng mắc. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 65 Luật TNBTCNN năm 2017, trường hợp có nhiều người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức cao nhất mỗi người phải hoàn trả là không quá 05 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả. Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 26 Nghị định số 68/2018, mức hoàn trả của người thi hành công vụ trong trường hợp có nhiều người vô ý gây thiệt hại có thể cao hơn nhiều, thậm chí tổng số tiền những người thi hành công vụ phải hoàn trả cho Nhà nước bằng chính số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Đồng thời, việc xác định lỗi trong quá trình xem xét trách nhiệm hoàn trả còn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng dẫn đến kéo dài việc giải quyết.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan từ việc thực thi các quy định của pháp luật:

- Một số trường hợp văn bản giải quyết bồi thường quyết định nội dung thiệt hại không được Luật TNBTCNN quy định. Theo khoản 1 Điều 76 Luật TNBTCNN năm 2017: “Cơ quan giải quyết bồi thường không thu các khoản án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với nội dung yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, một số Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Điều 52 Luật TNBTCNN năm 2017, tuyên phần lãi suất chậm trả đối với số tiền nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại và phần án phí dân sự nên không được cơ quan tài chính cấp kinh phí để chi trả đối với các khoản này.

- Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự đã được quy định chi tiết trong Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Việc áp dụng điều luật để giải quyết trên tinh thần cầu thị và có lợi nhất cho người bị thiệt hại đã được các cơ quan giải quyết bồi thường áp dụng triệt để. Cụ thể, trong một số vụ việc, vì không xác định được việc giao nhận các quyết định tố tụng giữa cơ quan nhà nước với người bị thiệt hại (quyết định đình chỉ vụ án, bị can…), nên việc gửi đơn yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại nhiều năm sau khi có quyết định đình chỉ bị can vẫn được cơ quan giải quyết bồi thường chấp nhận, thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, việc xác định các thiệt hại để áp dụng mức tiền bồi thường trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường cần thực hiện đúng theo quy định của Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Có vụ việc, Tòa án xác định cơ quan giải quyết bồi thường phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại từ ngày bị khởi tố, bắt giam đến ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định làm căn cứ để bồi thường mà không phải là ngày ban hành quyết định làm căn cứ bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017; có vụ việc Tòa án xác định thiệt hại theo quy định của người còn sống trong khi người bị thiệt hại đã mất…

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước

Một là, việc thực hiện công tác giải quyết bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát phải đồng bộ, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng; xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức đối với việc thực hiện thẩm quyền, nhiệm vụ; tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, nắm vững quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao; quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND (ban hành kèm theo Quyết định 304/QĐ-VKSTC ngày 29/6/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao) nhằm giải quyết các vụ việc về bồi thường thiệt hại nhanh chóng, đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao.

Hai là, VKSND các cấp tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên được giao thực hiện công tác này; thường xuyên rà soát, xác định các trường hợp bồi thường, nếu có tranh chấp về trách nhiệm giải quyết bồi thường thì báo cáo ngay với Viện kiểm sát cấp trên để có hướng dẫn giải quyết kịp thời.

Ba là, Viện trưởng Viện kiểm sát các địa phương cần quan tâm hơn đến công tác thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ trong công tác giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước; trực tiếp nghe báo cáo, duyệt nội dung và quyết định việc giải quyết bồi thường; xác định đây là thước đo để đánh giá năng lực, trình độ nghiệp vụ của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức.

Bốn là, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm pháp luật, không đùn đẩy, né tránh; phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý kịp thời, đặc biệt là các vụ oan sai do lỗi chủ quan.

Năm là, Phòng 7 VKSND cấp tỉnh phát huy vai trò là đầu mối quản lý theo dõi, tổng hợp, tham mưu, giúp Viện trưởng quản lý, chỉ đạo công tác giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của cấp mình.

Sáu là, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp chú trọng chỉ đạo sâu sát việc giải quyết các yêu cầu bồi thường, kịp thời hướng dẫn, trả lời thỉnh thị của Viện kiểm sát cấp dưới; tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật TNBTCNN năm 2017 để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Luật.

Bảy là, tăng cường quan hệ phối hợp trong và ngoài ngành, chú trọng phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các ban, ngành liên quan trong việc nắm bắt thông tin về các vụ việc liên quan đến trách nhiệm xem xét, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự. Chủ động trao đổi với các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương và báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết đối với các trường hợp có tranh chấp về việc xác định cơ quan giải quyết. Kịp thời ban hành thông báo rút kinh nghiệm đối với những vụ việc còn hạn chế, thiếu sót.

Tám là, VKSND tối cao tiếp tục chủ động phối hợp, trao đổi với Viện kiểm sát địa phương để nắm bắt quá trình giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại đang được giải quyết tại Tòa án. Trong trường hợp quyết định giải quyết của Tòa án có hiệu lực pháp luật, phải hoàn thiện sớm các thủ tục để cấp kinh phí theo quy định. Yêu cầu các địa phương phải báo cáo ngay VKSND tối cao các trường hợp giải quyết tại Tòa án có phát sinh kháng cáo, kháng nghị, hoặc vướng mắc trong quá trình thi hành bản án, quyết định của Tòa án để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

TS. Lại Viết Quang

Tin mới