Thứ Sáu, 13/12/2024
Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự liên quan đến vay tài sản là tiền đồng Viêt Nam, có rất nhiều thắc mắc xoay quanh việc áp dụng quy định của pháp luật để tính lãi, cách tính lãi suất trong hạn và quá hạn, luật áp dụng đối với giao dịch giữa cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tổ chức tín dụng,…
Hiện nay, ngoài Bộ luật dân sự, Luật Ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng còn có văn bản dưới luật như Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tài liệu tham khảo là “Tập huấn nghiệp vụ một số vấn đề về đường lối xét xử và thủ tục tố tụng ngày 20/10/2009 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
- Giao dịch vay tiền giữa cá nhân với nhau: áp dụng theo Bộ luật dân sự năm nào (1995, 2005, 2011,2015) là căn cứ vào thời điểm các bên giao dịch với nhau để tính lãi suất trong hạn (thời hạn các bên thỏa thuận để bên vay trả tiền), lãi suất quá hạn (ngoài thời hạn thỏa thuận trả tiền) sẽ áp dụng chung theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm xét xử. Các bên cũng có thể thỏa thuận lãi suất trong hạn nhưng không quá tỷ lệ cho phép theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Giao dịch vay tiền giữa cá nhân với tổ chức tín dụng: nhiều người cho rằng giao dịch này vẫn phải áp dụng quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết về lãi suất.
Về bản chất thì đây là sự cạnh tranh thông qua lãi suất, là giá mua bán hàng hóa (tiền) của một đơn vị kinh doanh.
Căn cứ Điều 1 Thông tư số 12/2010/TT-NHNN ngày 14/4/2010 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận quy định: “Tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận đối với khách hàng…” và Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, lãi suất trong giao dịch này không bị điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự mà theo quy định của Ngân hàng và hoạt động tín dụng đều có sự thanh tra, giám sát của Ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ định kỳ hàng tháng quy định mức lãi suất cơ bản, tỷ lệ tính lãi suất chậm trả, cũng như bám sát quy định Bộ luật dân sự để ấn định lãi suất kinh doanh không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ nhằm hạn chế việc các tổ chức tín dụng và các quan hệ vay mượn khác rơi vào hoạt động cho vay nặng lãi.
* Đối với giao dịch vay tài sản là ngoại tệ thì bắt buộc phải xác định là giao dịch dân sự vô hiệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến giao dịch này vô hiệu từ thời điềm xác lập, khi giải quyết phải quy đổi thành tiền đồng Việt Nam tại thời điểm xét xử hoặc khi nguyên đơn khởi kiện đã tự quy đổi thành tiền đồng Việt Nam. Do vậy, nếu có thỏa thuận về lãi suất thì không xem xét hoặc nếu đã trả lãi thì khoản tiền lãi đã trả phải được cấn trừ vào tiền vốn gốc.
Hoàng Anh Nga – phòng 9