Thứ Tư, 15/01/2025
KIEMSAT.VN - Từ thực tiễn công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra việc giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, tác giả rút ra các kỹ năng, kinh nghiệm nhằm kiểm sát chặt chẽ quá trình giải quyết tin báo, kiểm sát điều tra các vụ án này, từ đó đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của nạn nhân.
1. Bất cập trong quy định của pháp luật về điều tra, xử lý tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi
Thứ nhất, quy định về xác định tuổi còn chưa thống nhất:
Trong một số vụ án, người bị buộc tội, người bị hại không có giấy khai sinh gốc hoặc có giấy khai sinh nhưng ngày, tháng, năm sinh không chính xác.
Khoản 3 Điều 417 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) quy định: “Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi”.
Khoản 3 Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 của liên ngành trung ương về phối hợp thực hiện một số quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (TTLT số 06/2018) quy định: “Trường hợp kết quả giám định tuổi chỉ xác định được khoảng độ tuổi của người bị buộc tội, người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi đã xác định được để xác định tuổi của họ.
Ví dụ: Kết luận giám định A có độ tuổi trong khoảng từ 13 tuổi 6 tháng đến 14 tuổi 2 tháng thì xác định tuổi của A là 13 tuổi 6 tháng”. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lấy tuổi thấp nhất trong khoảng độ tuổi giám định để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại. Tuy nhiên, việc xác định tuổi của người bị hại theo hướng lấy tuổi thấp nhất, mà không lấy tuổi cao nhất là không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự. Quy định tại Điều 417 BLTTHS năm 2015 và khoản 3 Điều 6 TTLT số 06/2018 được áp dụng chung đối với người bị buộc tội và người bị hại. Tức là nếu lấy tuổi thấp nhất của người bị buộc tội làm căn cứ định tội thì phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội, nhưng nếu lấy tuổi thấp nhất của người bị hại để định tội đối với người bị buộc tội thì trái với nguyên tắc này. Như vậy, các quy định trên là mâu thuẫn, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng trong thực tiễn.
Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) không quy định về xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi (Điều 145) tại Điều 389.
Điều 389 BLHS năm 2015 chỉ quy định Tội che giấu tội phạm, Tội không tố giác tội phạm đối với hành vi xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi trong một số trường hợp: “b) … Điều 142, Điều 144, khoản 2 và khoản 3 Điều 146…”; nhưng lại không quy định Tội che giấu tội phạm, Tội không tố giác tội phạm đối với hành vi xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi theo khoản 2, khoản 3 Điều 145 BLHS năm 2015.
Mặt khác, theo BLHS năm 2015, khoản 2 và khoản 3 Điều 145 quy định về tội phạm thuộc trường hợp rất nghiêm trọng (cũng được quy định tại khoản 1 Điều 142; khoản 1, 2 Điều 144), nhưng lại không nằm trong Điều 389, nên không có căn cứ xử lý những người thực hiện hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm.
2. Khó khăn trong công tác phát hiện, điều tra tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi
Thứ nhất, các vụ án thường xảy ra tại nơi vắng vẻ, không có người qua lại, chỉ có đối tượng và nạn nhân tại hiện trường, không có người làm chứng trực tiếp, trong khi các đối tượng bị tố giác thường ngoan cố, khai báo quanh co, chối tội hoặc chỉ nhận một phần hành vi phạm tội.
Thứ hai, khi sự việc xâm hại tình dục xảy ra, người bị hại hoặc gia đình người bị hại thường sợ ảnh hưởng đến danh dự, tương lai của nạn nhân mà che giấu, bỏ qua hoặc thỏa thuận với đối tượng; không giữ lại vật chứng cần thiết, không trình báo với cơ quan có thẩm quyền, đến khi không đạt được thỏa thuận như mong muốn mới trình báo cơ quan chức năng. Do đó, việc thu thập chứng cứ vật chất vô cùng khó khăn, nhất là đối với mẫu tinh dịch, mẫu ADN để lại trên người và quần áo của người bị hại, đối tượng… phục vụ công tác giám định. Việc lấy lời khai người bị hại rất khó khăn do người bị hại còn nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ, nên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến vụ việc, không cung cấp được thông tin chính xác, phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Đặc biệt, hành vi dâm ô hoặc hành vi quan hệ tình dục khác không để lại chứng cứ vật chất, nên việc thu giữ vật chứng, đấu tranh, xử lý tội phạm càng khó khăn.
Thứ ba, trong một số trường hợp, người bị hại có tình cảm với người thực hiện hành vi phạm tội, nên không hợp tác hoặc hợp tác không chặt chẽ với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác giám định, điều tra, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án.
Thứ tư, theo quy định của BLTTHS năm 2015, việc lấy lời khai người dưới 16 tuổi phải có người đại diện và việc lấy lời khai người khuyết tật phải có người giám hộ; tuy nhiên, quá trình điều tra, sự có mặt của người đại diện, người giám hộ ảnh hưởng rất lớn đến việc khai báo của người bị hại và đối tượng.
Thứ năm, Điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi chưa được đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 16 tuổi; kinh nghiệm và kỹ năng điều tra còn hạn chế, dùng những từ ngữ mang tính chất chuyên môn khi tiến hành lấy lời khai khiến người dưới 16 tuổi không biết hoặc không dám trả lời, trả lời không chính xác. Có trường hợp sau khi tiếp nhận tin báo, Điều tra viên chậm thu giữ tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án như quần áo, giày dép, camera…; công tác khám nghiệm hiện trường không kịp thời, đầy đủ, toàn diện… Ví dụ: Trong vụ án dâm ô người dưới 16 tuổi, Điều tra viên nhìn nhận vấn đề chưa khách quan, cho rằng lời khai của cháu bé 8 tuổi không có căn cứ, nên lấy lời khai của nạn nhân sơ sài; cho rằng đối tượng không thể thực hiện hành vi phạm tội tại địa điểm nhiều người qua lại; không thu thập quần áo người bị hại, đối tượng, không xác minh mở rộng, không thu giữ camera giám sát; chỉ yêu cầu đối tượng diễn tả hành vi phạm tội, mà không có các biện pháp đấu tranh tư tưởng, tâm lý…
3. Giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ các quy định của BLHS năm 2015, BLTTHS năm 2015, TTLT số 06/2018; Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022 quy định về phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (TTLT số 01/2022); Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; cùng các văn bản khác có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời, cần sửa đổi BLTTHS năm 2015 theo hướng: Bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 145 vào điểm b khoản 1 Điều 389 để có chế tài xử lý đối với những trường hợp này.
Thứ hai, trong công tác chỉ đạo, điều hành: Lãnh đạo được phân công phụ trách chủ động nắm bắt thông tin, kịp thời trao đổi với lãnh đạo Cơ quan điều tra; sát sao hướng dẫn, chỉ đạo Kiểm sát viên thực hiện các hoạt động kiểm sát điều tra, thu thập chứng cứ ban đầu; thống nhất đánh giá về căn cứ để quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; nếu có căn cứ để bắt, tạm giữ thì khẩn trương thực hiện, tránh việc đối tượng phạm tội thay đổi lời khai, tiêu hủy dấu vết, vật chứng.
Thứ ba, ngay sau khi tiếp nhận, Kiểm sát viên nghiên cứu nội dung tố giác, tin báo về tội phạm, chủ động phối hợp với Điều tra viên, kịp thời đề ra yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ, trực tiếp tham gia xác minh và đề ra yêu cầu bổ sung khi phát sinh tình tiết mới. Kiểm sát viên phải đánh giá được việc thu thập chứng cứ dựa trên các nguồn là vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử, kết luận giám định, biên bản hoạt động điều tra, các tài liệu, đồ vật khác; việc thu thập, đánh giá chứng cứ phải đảm bảo nguyên tắc là tính hợp pháp, tính xác thực và tính liên quan; yêu cầu kiểm tra, xác minh phải lựa chọn những điểm cơ bản, then chốt, có tính đột phá, định hướng đúng cho hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm để làm rõ dấu hiệu tội phạm; bám sát tội danh cần khởi tố để yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ những yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể theo BLHS năm 2015 và áp dụng nghiêm nguyên tắc suy đoán vô tội theo Điều 13 BLTTHS năm 2015.
Thứ tư, Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên khẩn trương tiến hành khám nghiệm hiện trường, phối hợp với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa phụ sản, cán bộ đã được đào tạo chuyên môn về quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ em để xử lý thông tin ban đầu, kịp thời thu giữ dấu vết vật chất, đặc biệt là lông, tóc, sợi, dịch, máu, quần áo, công cụ; xem xét, thu thập dấu vết, vật chứng có liên quan trên thân thể nạn nhân và đối tượng để tiến hành giám định; thu giữ các tài liệu khác có liên quan để đấu tranh, chứng minh tội phạm; xem xét, đánh giá lời khai của đối tượng và người bị hại (dữ liệu tin nhắn điện thoại di động, Facebook, Zalo…).
Thứ năm, hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường, xem xét dấu vết trên thân thể: Yêu cầu Cơ quan điều tra đề nghị Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh phân công cán bộ có chuyên môn tham gia khám nghiệm trong trường hợp cần thiết; chủ động trao đổi với Điều tra viên về các dấu vết, vật chứng, tài liệu được phát hiện, ghi nhận, thu giữ, bảo quản tại hiện trường; ghi chép đầy đủ trong biên bản ghi nhận dấu vết trên thân thể, đánh dấu vị trí thương tích, chụp ảnh dấu vết thương tích; nếu nhận thấy người bị xâm hại có biểu hiện bất thường, hoảng loạn về tâm lý thì đề nghị cha, mẹ, người thân trong gia đình, chuyên gia tâm lý tham gia hỗ trợ.
Thứ sáu, trong hoạt động kiểm sát lấy lời khai người bị hại: Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên có phương pháp, cách thức tiếp cận ghi lời khai, thu thập chứng cứ phù hợp: Chọn địa điểm lấy lời khai tại chỗ ở, địa phương khác hoặc địa điểm do người bị hại, người liên quan, người làm chứng lựa chọn… đảm bảo nguyên tắc bí mật cá nhân, bí mật thân thể, không gian lấy lời khai yên tĩnh, thoáng khí nhằm tạo cảm giác thân thiện; tiến hành lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, những người liên quan đến vụ án trước khi lấy lời khai của đối tượng.
Trước khi tiến hành lấy lời khai người bị hại, cần làm rõ các đặc điểm: Độ tuổi, tính cách, mối quan hệ xã hội (trong đó có mối quan hệ giữa người bị hại và đối tượng), quá trình học tập, hoàn cảnh, những thay đổi của bản thân người bị hại… để hiểu rõ người bị hại và chuẩn bị các phương thức hỏi phù hợp. Trường hợp người bị hại, người nhà của họ từ chối khai báo thì cần nhờ những người có chức sắc, uy tín… động viên, tác động để họ hợp tác, khai báo đúng sự thật. Nếu người bị hại có tình cảm với đối tượng, đồng ý giao cấu nhưng lại khai báo mình bị hiếp dâm vì sợ cha mẹ…, thì cần giải thích, tác động gia đình để họ hiểu về việc khai báo trung thực.
Việc lấy lời khai của người bị hại phải thực hiện theo quy định tại các điều 188, 414, 420, 421 BLTTHS năm 2015; Điều 14 TTLT số 06/2018 và Điều 14 TTLT số 01/2022; ưu tiên cán bộ nữ lấy lời khai và hạn chế người tham gia; đối với người bị hại còn quá nhỏ, cần mời chuyên gia tâm lý hỗ trợ.
Thứ bảy, trong hoạt động kiểm sát việc hỏi cung bị can: Kiểm sát viên phải tham gia trực tiếp các hoạt động điều tra, lấy lời khai người bị tố giác, hỏi cung bị can; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra đảm bảo tuân thủ đúng quy định của BLTTHS năm 2015 và TTLT số 06/2018; ghi âm, ghi hình có âm thanh, đảm bảo không để xảy ra tình trạng mớm cung, bức cung, nhục hình, thông cung dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án và đối tượng thay đổi lời khai; lập kế hoạch lấy lời khai đối tượng cụ thể, chi tiết, sử dụng các công cụ hỗ trợ (manơcanh, hình nộm…) để đối tượng thực hiện, diễn tả đầy đủ, chính xác hành vi phạm tội; đối với trường hợp đối tượng có nhược điểm về thể chất, người khuyết tật (câm, điếc bẩm sinh…), cần mời người phiên dịch (kể cả trường hợp đối tượng chưa học qua trường lớp giao tiếp bằng ngôn ngữ đặc biệt); tạo khoảng cách vừa đủ giữa người đại diện, người giám hộ và đối tượng, không để họ tiếp xúc trực diện với nhau, tránh trường hợp họ thể hiện những cử chỉ (mấp máy môi, nháy mắt, biểu hiện sắc mặt…) khiến đối tượng không dám khai báo, khai báo không đúng sự thật; trường hợp nhận thấy đối tượng khai báo gian dối, không phù hợp với lời khai của người bị hại và những chứng cứ đã thu thập được, thì Kiểm sát viên cần yêu cầu Điều tra viên mời những người uy tín, có chức sắc… tác động để đối tượng khai báo trung thực; yêu cầu Điều tra viên có những biện pháp tác động vào tâm lý nhằm khiến đối tượng cảm thấy ăn năn, hối hận về hành vi phạm tội.
Đậu Công Hữu - Đặng Trường Sơn