Thứ Sáu, 27/12/2024

Kỹ năng kiểm sát thu, chi, quản lý tiền thi hành án

12/12/2024 - 11:24 | Nghiên cứu, trao đổi

KIEMSAT.VN - Công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung, kiểm sát việc thu, chi, quản lý tiền thi hành án nói riêng thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy chế, quy trình... thì Kiểm sát viên phải nắm vững các kỹ năng cơ bản khi kiểm sát loại việc này.

Thời gian qua, qua kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp đã phát hiện được một số vi phạm phổ biến, như: Vi phạm Điều 47 Luật thi hành án dân sự (THADS) về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án; vi phạm khoản 2 Điều 58 Luật THADS về việc bảo quản tài sản thi hành án là kim khí quý, đá quý; vi phạm khoản 2 Điều 126 Luật THADS về trả lại tiền, tài sản cho đương sự; vi phạm khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP về việc thu tiền bán đấu giá tài sản thi hành án..., VKSND các cấp đã kịp thời ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm sát THADS nói chung, kiểm sát việc thu, chi, quản lý tiền thi hành án của VKSND các cấp thời gian qua còn một số hạn chế nhất định, chưa kịp thời phát hiện hoặc không phát hiện được vi phạm để kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu khắc phục và phòng ngừa vi phạm.

 Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc thu, chi, quản lý tiền thi hành án, ngoài việc thực hiện đúng các quy định tại Quy chế công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính, ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 810) và Quy định về quy trình, kỹ năng trực tiếp kiểm sát tại cơ quan THADS và quy trình, kỹ năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC ngày 22/3/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy định số 94), Kiểm sát viên cần thực hiện tốt một số kỹ năng cơ bản khi kiểm sát loại việc này như sau:

- Kiểm sát việc mở các loại sổ kế toán nghiệp vụ THADS:

Kiểm sát viên cần lưu ý xem cơ quan THADS có mở đầy đủ các loại sổ theo quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 78/2020/TT-BTC ngày 14/8/2020 của Bộ Tài chính không? Cụ thể, theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 78/2020/TT-BTC, các loại sổ kế toán nghiệp vụ THADS bao gồm sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết. Trong đó, sổ kế toán tổng hợp, bao gồm 03 loại (sổ nhật ký chung, sổ cái, bảng cân đối số phát sinh); sổ chi tiết bao gồm 06 loại (sổ quỹ tiền mặt, sổ tiền gửi ngân hàng, kho bạc, sổ theo dõi tiền mặt, tiền gửi bằng ngoại tệ (hoặc vàng, bạc, đá quý, chứng chỉ có giá), sổ kho theo dõi tài sản, vật chứng, sổ chi tiết tờ rời theo dõi tài sản, vật chứng theo quyết định thi hành án hoặc theo yêu cầu thu, sổ chi tiết tài khoản). Đồng thời, yêu cầu cung cấp: Biên bản kiểm kê quỹ, bảng cân đối tài khoản, báo cáo kết quả hoạt động thi hành án, thuyết minh báo cáo kết quả hoạt động thi hành án (theo niên độ kế toán: tháng, quý, năm); sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi (phải là bản chính có đóng dấu đỏ của cơ quan THADS) để phục vụ công tác kiểm tra đối chiếu.

- Kiểm sát đối chiếu sổ quỹ tiền mặt:

Thứ nhất, xem xét các phiếu thu, biên lai thu tiền, biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, biên lai thu tiền nộp ngân sách nhà nước. Bảng kê các khoản tiền mặt nhập quỹ, giấy đề nghị rút tiền mặt từ tài khoản tạm giữ chuyển trả tiền thi hành án, theo đó Kiểm sát viên cần căn cứ vào ngày thu tiền, số tiền thu trên biên lai, phiếu thu tiền để so sánh với ngày và số tiền thu trên sổ quỹ tiền mặt làm căn cứ xác định số tiền thu có được nộp đầy đủ, kịp thời vào quỹ cơ quan THADS hay không?

Thứ hai, đối chiếu phiếu chi, giấy nộp tiền vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc Nhà nước, giấy nộp tiền vào ngân sách Nhà nước bằng tiền mặt, sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng tiền gửi, giấy đề nghị chi tiền, giấy đề nghị tạm ứng, theo đó, Kiểm sát viên cần căn cứ vào ngày chi tiền, số tiền chi, người nhận tiền trên phiếu chi, giấy nộp tiền... để so sánh với ngày và số tiền chi trên sổ quỹ tiền mặt có được chi đúng thời hạn, đúng đối tượng, đúng số tiền hay không?

Thứ ba, đối chiếu với biên bản kiểm kê quỹ theo định kỳ hàng tháng, đột xuất, Sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ, Tài khoản 1111 (tiền Việt Nam) trên bảng cân đối tài khoản để so sánh xem có sự chênh lệch hay không?

Kiểm sát viên cần kiểm tra xem kế toán nghiệp vụ thi hành án có thực hiện khóa sổ quỹ tiền mặt cuối mỗi ngày không, sau khi khóa sổ có thực hiện việc đối chiếu giữa sổ tiền mặt của kế toán với sổ quỹ của thủ quỹ và tiền mặt có trong két đảm bảo chính xác, khớp đúng không?

Định kỳ hàng tháng, quý, năm, kế toán nghiệp vụ thi hành án có đối chiếu chi tiết sổ thu, chi, nhập - xuất tiền và tài sản giữa sổ kế toán với từng hồ sơ thi hành án của Chấp hành viên không? Trường hợp có phát sinh thì có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Thông tư số 78/2020 không?

Thứ tư, kiểm tra đối chiếu số tồn quỹ tiền mặt: Tại thời điểm kiểm sát thì số tồn quỹ tiền mặt phải bằng số dư đầu kỳ của tháng đó + số thu được trong kỳ - số chi trong kỳ. Trường hợp có sự chênh lệch thì kịp thời yêu cầu giải trình và xử lý theo quy định.

- Kiểm sát đối chiếu bảng cân đối tài khoản:

Kiểm sát viên phải cộng cụ thể từng số liệu của các tài khoản trên Bảng cân đối tài khoản (tránh trường hợp sửa số liệu). Trong cùng một tài khoản, tài khoản cấp 1 = các tài khoản cấp 2 cộng lại; tài khoản cấp 2 = các tài khoản cấp 3 cộng lại; tài khoản cấp 3 = các tài khoản cấp 4 cộng lại.

- Kiểm sát đối chiếu sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi:

Thứ nhất, cần xem người đứng tên trên sổ tiết kiệm có phải do cơ quan THADS theo quy định tại khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 33/2020 không? Nội dung sổ tiết kiệm gửi tiền của vụ việc nào? Xác định thời gian gửi để xem xét có vi phạm trong việc quản lý tiền thi hành án (từ lúc phát sinh thu đến khi gửi tiết kiệm) và làm căn cứ để xử lý đối với những trường hợp hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người được thi hành án không đến nhận mà không có lý do chính đáng, thì Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định sung quỹ nhà nước và chuyển, nộp số tiền, tài sản đó vào ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS và điểm a khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015, sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 33/2020.

Thứ hai, cần đối chiếu bảng cân đối Tài khoản 1114 (chứng chỉ có giá):

Số dư đầu kỳ Nợ Tài khoản 1114 = Tổng số tiền gửi tại các sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi kỳ trước chuyển sang.

Số phát sinh kỳ này Nợ Tài khoản 1114 = Tổng số tiền gửi tại các sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi phát sinh trong kỳ.

Số phát sinh kỳ này có Tài khoản 1114 = Tổng tiền đã rút của các sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi phát sinh trong kỳ để thanh toán tiền thi hành án hoặc chuyển nộp vào ngân sách Nhà nước.

Số dư cuối kỳ Nợ Tài khoản 1114 = Tổng số tiền gửi tại các sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi hiện có tại cơ quan THADS = Số dư bản đối chiếu với ngân hàng nơi gửi tiết kiệm (trừ đi số tiền lãi phát sinh).

- Kiểm sát đối với tiền gửi ngân hàng, kho bạc - Tài khoản 112:

Tài khoản này sử dụng ở các cơ quan THADS để phản ánh các khoản tiền, ngoại tệ và vàng, bạc, đá quý của cơ quan THADS gửi tại ngân hàng, kho bạc (không bao gồm số vàng, bạc, đá quý tạm giữ niêm phong chờ xử lý gửi ngân hàng, kho bạc). Kế toán phải tổ chức việc theo dõi riêng từng loại tiền gửi tại ngân hàng, kho bạc; định kỳ phải kiểm tra, đối chiếu nhằm đảm bảo số liệu gửi vào, lấy ra và tồn cuối kỳ khớp đúng với số liệu của ngân hàng, kho bạc quản lý. Trường hợp qua kiểm sát thấy có sự chênh lệch thì yêu cầu đơn vị giải trình.

Khi tiến hành kiểm sát cần lưu ý đến các khoản tiền được rút ra hoặc chuyển khoản có giá trị lớn, hoặc được chuyển nhiều lần cho cùng một đối tượng, thì cần đối chiếu giữa sổ tiền gửi hoặc hợp đồng tiền gửi, chứng từ gốc với việc thanh toán tiền thể hiện tại hồ sơ thi hành án.

- Kiểm sát việc quản lý tài sản, vật chứng - Tài khoản 114:

Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình nhập, xuất và tồn kho các tài sản, vật chứng thu được trong hoạt động thi hành án, tài sản tạm giữ chờ xử lý lưu trữ tại kho hoặc thuê gửi bên ngoài đã được xác định giá trị hoặc mang đi bán đấu giá (không bao gồm vật chứng là gói niêm phong và tài sản, vật chứng không xác định được giá trị).

Khi tiến hành kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, xem xét định kỳ hàng tháng, quý, năm, kế toán có phối hợp với thủ kho vật chứng tiến hành lập biên bản đối chiếu, kiểm kê, đánh giá tình hình, kết quả bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 01/2017/TT-BTP ngày 23/01/2017 của Bộ Tư pháp không? Biên bản kiểm kê có thể hiện việc kiểm kê, theo dõi riêng đối với vật chứng đã có quyết định thi hành án và vật chứng chưa có quyết định thi hành án hay không? Cần tiến hành kiểm sát thực tế tại kho vật chứng của cơ quan THADS để có căn cứ đánh giá việc quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ; Kiểm sát viên chú ý xem xét chi tiết, kiểm đếm cụ thể đối với các vật chứng, tài sản có giá trị lớn để kịp thời phát hiện sự thiếu hụt về số lượng, thay đổi về chủng loại vật chứng, tài sản tạm giữ...

Thứ hai, kiểm sát đối với Tài khoản 1141 - Tài sản, vật chứng tại kho: Xem cơ quan THADS có tiến hành phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan chức năng để xác định tình trạng, lập danh sách vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng 01 năm chưa xử lý không (trừ trường hợp vật chứng, tài sản tạm giữ đang phải bảo quản theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền).

Thứ ba, kiểm sát đối với Tài khoản 1142 - Tài sản, vật chứng thuê gửi: Xác định cơ quan THADS có hợp đồng thuê bảo quản tài sản theo quy định không? Có giấy đề nghị chi tiền thi hành án của Chấp hành viên không? Đề nghị chi đã được Thủ trưởng cơ quan THADS phê duyệt chưa?

- Kiểm sát khoản phải thu của đương sự - Tài khoản 131:

 Tài khoản này phản ánh các khoản phải thu của đương sự trong quá trình thi hành án như: Các khoản chi cưỡng chế thi hành án, chi tạm ứng cho hoạt động thừa phát lại, phí thi hành án,... Khi tiến hành kiểm sát nội dung này, Kiểm sát viên cần lưu ý kiểm tra số dư trên Tài khoản 131 để xác định số phải thu của đương sự về chi phí cưỡng chế thi hành án, chi phí cho hoạt động thừa phát lại, phí thi hành án. Trường hợp số dư nợ của Tài khoản 131 = Số dư có của Tài khoản 131 thì số phải thu của đương sự về chi phí cưỡng chế thi hành án, chi phí thừa phát lại, phí thi hành án đã thu được hết; số dư nợ của Tài khoản 131 lớn hơn số dư có của Tài khoản 131 thì số phải thu của đương sự về chi phí cưỡng chế thi hành án, chi phí thừa phát lại, phí thi hành án chưa thu hết; số dư nợ của Tài khoản 131 nhỏ hơn số dư có của Tài khoản 131 thì thu thừa số phải thu của đương sự về chi phí cưỡng chế thi hành án, chi phí thừa phát lại, phí thi hành án.

- Kiểm sát các khoản phải trả đương sự - Tài khoản 331:

Tài khoản này phản ánh các khoản phải trả lại cho đương sự theo quyết định thi hành án, hoàn trả lại những khoản đã tạm thu, tiền bán tài sản của đương sự sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thi hành án còn lại. Việc hạch toán phải trả được thực hiện theo quyết định thi hành án và trình tự xử lý ưu tiên theo quy định của pháp luật về THADS. Khi tiến hành kiểm sát, Kiểm sát viên cần lưu ý một số nội dung sau:

Cần kiểm tra số dư trên tài khoản để xác định số tiền phát sinh, thu được từ thời điểm nào? Trường hợp số tiền đã thu đã quá 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực thi hành thì kịp thời kiến nghị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật THADS và khoản 5 Điều 49 Nghị định số 62/2015 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 33/2020).

 Trường hợp người được thi hành án án được nhận tiền ở quyết định thi hành án này, nhưng lại phải nộp tiền thi hành án ở quyết định thi hành án khác thì xem xét việc kế toán nghiệp vụ thi hành án và Chấp hành viên làm thủ tục kết chuyển, trả cho người được hưởng ở quyết định thi hành án này thành số đã nộp cho quyết định thi hành án khác mà người đó phải thực hiện.

Xem xét việc kế toán nghiệp vụ thi hành án có mở sổ chi tiết để theo dõi đến từng quyết định thi hành án, yêu cầu thu hay không? Trước khi trả tiền hoặc tài sản cho người được thi hành án, Chấp hành viên có xác định số phí thi hành án mà người được thi hành án phải nộp theo quy định của pháp luật, chuyển cho kế toán làm thủ tục thu kết chuyển trên tài khoản và báo cho người được thi hành án biết trước khi chi trả tiền thi hành án, hoặc để làm thủ tục thu tiền của người được thi hành án trước khi làm thủ tục xuất trả hoặc giao tài sản cho người được thi hành án nhận hay không?

- Kiểm sát các khoản phải nộp nhà nước - Tài khoản 333:

Tài khoản này phản ánh các khoản đã thu về thi hành án phải nộp ngân sách nhà nước; chuyển tài sản, vật chứng cho đơn vị chức năng để tiêu hủy theo thẩm quyền; các khoản tịch thu tiền, tài sản của đương sự hết thời hiệu nộp sung quỹ nhà nước

Khi tiến hành kiểm sát nội dung này, Kiểm sát viên cần lưu ý: Đối chiếu Tài khoản 333 với Sổ chi tiết Tài khoản 333 xem có chênh lệch hay không? Đối với các khoản có giá trị lớn về án phí, phạt tiền theo bản án, truy thu tiền, tịch thu tiền sung quỹ Nhà nước cần phải đối chiếu với chứng từ (bản gốc). Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 216/2016/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 74/2019/TT-BTC ngày 24/10/2019, cụ thể: Tổ chức thu phí được giữ lại 55% số tiền phí thu được, nộp 20% số tiền phí thu được vào tài khoản của Tổng cục THADS, nộp 25% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Khi nộp các khoản tiền vào ngân sách nhà nước có bảng kê nộp ngân sách nhà nước của Chấp hành viên hay không? Bảng kê chi tiết của Chấp hành viên có khớp đúng với bảng kê nộp do kế toán lập hay không?

- Kiểm sát đối chiếu các khoản tạm giữ chờ xử lý - Tài khoản 337:

Tài khoản này phản ánh các khoản tạm giữ chờ xử lý và việc xử lý các khoản tạm giữ này. Đối với trường hợp tạm giữ tiền niêm phong, vàng, bạc, đá quý không xác định được giá trị thì không hạch toán vào tài khoản này, mà hạch toán vào tài khoản ngoại bảng để quản lý, theo dõi. Khi tiến hành kiểm sát nội dung này, Kiểm sát viên cần lưu ý: Đối chiếu báo cáo phân tích số dư Tài khoản 3371 - Thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, Tài khoản 3372 - Khoản tạm giữ do công an chuyển sang, Tài khoản 3375- Thu trước quyết định thi hành án để xác định số tiền tạm thu còn treo trên tài khoản, thu vào thời điểm nào? Trường hợp các khoản thu đã lâu (quá 05 năm) cần kiến nghị rà soát, xử lý theo quy định. Kiểm tra tài khoản 3376 - Tiền bán tài sản để thi hành án để xem xét các vụ việc mà hiện cơ quan THADS đã bán tài sản nhưng chưa phân phối, xử lý tiền thi hành án, qua đó đối chiếu với hồ sơ thi hành án vụ việc để kiểm sát việc thu chi, quản lý tiền bán tài sản thi hành án.

- Kiểm sát thu, chi, quản lý tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản thi hành án:

Thứ nhất, Kiểm sát viên cần kiểm sát việc thu và xử lý tiền đặt trước của người đăng ký tham gia đấu giá tài sản thi hành án, căn cứ vào quy định tại Điều 39 Luật đấu giá tài sản năm 2016 để tiến hành kiểm sát các nội dung sau:

Kiểm sát việc quy định khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá (CHV) thỏa thuận có đảm bảo tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá không?

Kiểm sát phương thức nộp tiền đặt trước: Theo quy định, khoản tiền đặt trước phải được chuyển vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Nếu khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 05 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Đối chiếu quy định thời hạn nộp tiền đặt trước tại Quy chế đấu giá tài sản, thông báo đấu giá tài sản với biên lai nộp tiền đặt trước tham gia đấu giá, xem người đăng ký tham giá đấu giá có nộp tiền đúng hạn không?

Kiểm sát việc xử lý đối với khoản tiền đặt trước của người tham gia đấu giá không được nhận lại do vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Luật đấu giá tài sản năm 2016, như: Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng; bị truất quyền tham gia đấu giá.

Kiểm sát việc xử lý đối với khoản tiền đặt trước mà người trúng đấu giá tài sản từ chối mua, sau khi phiên đấu giá kết thúc hoặc đã ký hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá nhưng chưa thanh toán thêm bất kỳ khoản tiền nào theo quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ, cụ thể được sử dụng để thanh toán các khoản theo thứ tự sau: a) Lãi suất chậm thi hành án của vụ việc liên quan đến bảo đảm tài chính và bồi thường nhà nước; b) Ứng chi phí bồi thường nhà nước theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước; c) Bảo đảm tài chính để thi hành án; d) Các chi phí cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, kiểm sát việc thu tiền mua tài sản đấu giá do người mua được tài sản đấu giá nộp. Khi tiến hành kiểm sát nội dung này, cần lưu ý:

Xem xét việc người mua được tài sản đấu giá nộp tiền mua tài sản vào thời gian nào? Có nộp tiền vào tài khoản của cơ quan THADS trong thời hạn theo đúng quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020 và quy định tại Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, Quy chế đấu giá tài sản không? Kiểm tra biên lai thu tiền qua chuyển khoản, tại mục chữ ký của người thu tiền có phải là chữ ký của kế toán nghiệp vụ thi hành án theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp không, trong thực tế có một số trường hợp là do Chấp hành viên ký.

Cơ quan THADS có thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá không? Việc thanh toán tiền thi hành án có đảm bảo theo thứ tự theo quy định tại Điều 47 Luật THADS, Điều 49 Nghị định số 62/2015 và Điều 17 Thông tư số 01/2016/TT-BTP (được thay thế bởi Thông tư số 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023) không? Trong thời gian chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá, cơ quan THADS có làm thủ tục đứng tên, gửi số tiền đó theo tiết kiệm có kỳ hạn 01 tháng cho đến khi giao được tài sản và phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu để thi hành án không? Trường hợp không giao được tài sản thì phần lãi tiền gửi thuộc về người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định khác, theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 62/2015.

- Kiểm sát việc thanh toán chi phí bán đấu giá tài sản thi hành án:

Khi kiểm sát nội dung này, Kiểm sát viên cần lưu ý:

Kiểm sát đối với hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án và phụ lục hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án có bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật đấu giá tài sản năm 2016 không?

Kiểm sát chi phí đăng tải thông báo công khai thông tin bán đấu giá tài sản thi hành án: Cần xem xét hợp đồng đăng tải thông báo công khai thông tin bán đấu giá tài sản thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng (báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá); hóa đơn giá trị gia tăng (bản sao có đóng dấu của Tổ chức bán đấu giá) do bên đăng tải thông tin bán đấu giá phát hành và các tài liệu thể hiện đã đăng báo theo quy định.

Kiểm sát việc thanh toán các chi phí hợp pháp khác như: Chi phí niêm yết việc đấu giá, thuê hội trường… Cần xem xét biên bản thanh lý hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thi hành án; hóa đơn giá trị gia tăng về việc thanh toán chi phí bán đấu giá tài sản thi hành án do tổ chức bán đấu giá tài sản phát hành để xác định việc thanh toán các khoản chi phí bán đấu giá tài sản thi hành án có đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ, hợp pháp không.

- Kiểm sát chi phí cưỡng chế thi hành án và các chứng từ thanh toán chi phí thuê trông coi, bảo quản tài sản thi hành án:  

Khi kiểm sát chi phí cưỡng chế thi hành án, Kiểm sát viên cần: Căn cứ quy định tại Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính để kiểm sát về các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án của các đối tượng phải chịu chi phí, cụ thể: Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu (Điều 4), chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án chịu (Điều 5), chi phí cưỡng chế do người thứ ba chịu (Điều 6), các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án do ngân sách nhà nước bảo đảm (Điều 7), mức chi phí cưỡng chế THADS (Điều 8), mức chi bảo đảm hoạt động của cơ quan THADS (Điều 13).

Cần xác định đối tượng phải chịu chi phí cưỡng chế là người phải thi hành án do người được thi hành án, người thứ ba, hay nhà nước, từ đó đối chiếu với chứng từ chi xem cơ quan THADS thực hiện việc thanh toán chí phí cưỡng chế thi hành án có đúng đối tượng không? Trường hợp cơ quan THADS thực hiện không đúng đối tượng thì kịp thời kiến nghị hoặc kháng nghị yêu cầu thoái thu. Tuy nhiên, đối với những hồ sơ thi hành án đã kết thúc, đến thời điểm phát hiện vi phạm đương sự không khiếu nại, tố cáo thì cần cân nhắc việc yêu cầu thoái thu, có thể chỉ kiến nghị yêu cầu rút kinh nghiệm, chấm dứt lặp lại vi phạm, nếu nhận được đơn khiếu nại, tố cáo thì cơ quan THADS phải thụ lý giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Khi kiểm sát các chứng từ thanh toán chi phí thuê trông coi, bảo quản tài sản thi hành án thì lưu ý:

Tài sản thi hành án sau khi kê biên là tài sản thuộc quyền quản lý của cơ quan THADS, việc thuê trông coi, bảo quản được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản theo quy định tại Điều 58 Luật THADS phải do Chấp hành viên ký hợp đồng với cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 200/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính thì chi phí thuê trông coi bảo quản tài sản thi hành án khi thanh toán phải có đầy đủ hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng và các chứng từ khác liên quan hợp lý, hợp lệ, nhưng không được vượt quá khung giá do Nhà nước ban hành và phải được Thủ trưởng cơ quan THADS phê duyệt (ví dụ, thuê trông giữ ô tô, xe máy phải căn cứ khung giá dịch vụ trông giữ xe ô tô do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Trung ương quy định; thuê trông coi tàu biển phải căn cứ biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính, Văn bản hợp nhất số 18/VBHN-BTC (Thông tư số 18) ngày 30/12/2021 của Bộ Tài chính hợp nhất các Thông tư quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.

TS. Nguyễn Kim Sáu

 

 
 
Theo Tạp chí Kiểm sát in số 04/2024

Tin mới