Thứ Ba, 10/09/2024
KIEMSAT.VN - Sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm gây tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của con người, ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước. Việc hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm góp phần đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có hiệu quả, là điều kiện quan trọng để ổn định, phát triển kinh tế thị trường, phát triển đất nước.
Một số vướng mắc, bất cập
Thứ nhất, quy định tại Điều 190, Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) chưa giải thích cụ thể về một số tình tiết trong cấu thành tội phạm của Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Theo đó, BLHS năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa giải thích cụ thể thế nào là “hàng cấm”, cũng như hành vi “sản xuất, buôn bán hàng cấm”, hành vi “tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”.
Bên cạnh đó, chưa có quy định dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan để áp dụng khi xử lý hình sự hành vi vi phạm pháp luật nên thực tiễn áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất. Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Nghị định số 98/2020) đã giải thích các khái niệm “hàng cấm” và hành vi “sản xuất”, “buôn bán” tại các khoản 1, 2, 5 Điều 3. Tuy nhiên, Nghị định này không đưa ra khái niệm cụ thể mà chỉ quy định: “Hàng cấm gồm hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa cấm lưu hành và hàng hóa cấm sử dụng tại Việt Nam”. Điều 8 Nghị định này liệt kê các hành vi buôn bán hàng cấm như: Buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; buôn bán pháo nổ; buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, nhưng không nêu rõ hàng hóa khác là những hàng hóa gì. Điều này dẫn đến quy định về “hàng cấm” không bao quát hết tất cả các trường hợp có thể phát sinh trên thực tế.
Thứ hai, BLHS năm 2015 chưa quy định cụ thể danh mục các loại hàng cấm. Mặc dù, Điều 190, Điều 191 đã liệt kê một số loại hàng cấm như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá điếu nhập lậu và pháo nổ, tuy nhiên, còn một số hàng cấm khác quy định tại các điểm d, đ khoản 1; các điểm h, i khoản 2; các điểm d, đ khoản 3 Điều 190; tương tự một số hàng cấm khác quy định tại các điểm d, đ khoản 1; các điểm h, i khoản 2; các điểm d, đ khoản 3 Điều 191 không được quy định cụ thể trong điều luật mà chỉ quy định chung chung với phạm vi điều chỉnh quá rộng như “hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng” hoặc “hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam”.
Như vậy, để xác định một loại hàng hóa nào đó thuộc “hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng” và “hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam” thì cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào các nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ chủ quản ban hành. Các văn bản này thường được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển kinh tế trong từng giai đoạn khác nhau. Do đó, có loại hàng hóa ở thời điểm này sẽ bị cấm kinh doanh nhưng ở thời điểm khác lại được phép kinh doanh và ngược lại (ví dụ như thuốc lá điếu nhập lậu, pháo nổ…) dẫn đến thực tế áp dụng dễ bị nhầm lẫn.
Thứ ba, BLHS năm 2015 vẫn quy định tội danh ghép đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm và hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm với định lượng hàng hóa, giá trị tài sản, số tiền thu lợi bất chính trong cấu thành cơ bản, định khung tăng nặng và hình phạt như nhau, không có sự phân biệt giữa hành vi sản xuất hàng cấm với hành vi buôn bán hàng cấm, hành vi tàng trữ hàng cấm với hành vi vận chuyển hàng cấm là chưa phù hợp với tính chất nguy hiểm cho xã hội của từng hành vi.
Theo Điều 155 BLHS năm 1999, nay là Điều 190 và Điều 191 BLHS năm 2015 thì hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm rất đa dạng. Thực tế cho thấy, không phải trường hợp nào người phạm tội cũng thực hiện đầy đủ các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Bên cạnh đó, hành vi sản xuất hàng cấm có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hành vi buôn bán hàng cấm nên cần phải có chế tài xử lý hành vi sản xuất hàng cấm nặng hơn hành vi buôn bán hàng cấm. Tương tự, hành vi tàng trữ hàng cấm có mức độ nguy hiểm cao hơn so với hành vi vận chuyển hàng cấm nên cần phải có chế tài xử lý hành vi tàng trữ hàng cấm nặng hơn hành vi vận chuyển hàng cấm.
Thứ tư, khó khăn trong việc định giá hàng cấm để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Ví dụ: Hàng cấm là pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, hàng hóa khác Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng. Tại các điểm d, đ khoản 1; các điểm h, i khoản 2; các điểm d, đ khoản 3 Điều 190 BLHS năm 2015; các điểm d, đ khoản 1; các điểm h, i khoản 2; các điểm d, đ khoản 3 Điều 191 BLHS năm 2015 đều có quy định trị giá hàng cấm để làm căn cứ xử lý trách nhiệm hình sự người phạm tội.
Như vậy, để có căn cứ xử lý hình sự đối với người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải trưng cầu định giá tài sản hàng cấm là pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu hoặc hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự căn cứ khoản 2 Điều 15 (thứ tự ưu tiên định giá tài sản là hàng cấm) Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính Phủ về Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự và Thông tư số 30/2020 ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP để xác định: “Đối với tài sản là hàng cấm, Hội đồng định giá tài sản tiến hành khảo sát giá trên thị trường không chính thức (nếu có) tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác có diễn ra giao dịch mua bán hàng cấm”. Việc quy định giá trị hàng phạm pháp (hàng cấm) để xử lý trách nhiệm hình sự trong thực tiễn còn bất cập, vướng mắc vì hàng cấm là loại hàng không được phép lưu hành trên thị trường nên thường không có giá chính thức, dẫn đến khó khăn khi xác định giá.
Thứ năm, khó khăn trong việc xác định trường hợp nào hàng cấm cần phải trưng cầu giám định và trường hợp nào không cần phải trưng cầu giám định. Khoản 5 Điều 206 BLTTHS năm 2015 quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định là: “Chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ” và khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP ngày 13/12/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án về tham nhũng, kinh tế, cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm. Thực tế giải quyết các vụ án sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm cần có hướng dẫn cụ thể trường hợp nào hàng cấm cần phải trưng cầu giám định và trường hợp nào không cần phải trưng cầu giám định, bởi vì không phải tất cả các trường hợp đều phải trưng cầu giám định để xác định đó là hàng cấm. Ví dụ, hàng cấm là các sản phẩm văn hóa mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục nhân cách không cần phải giám định.
Một số kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, cần bổ sung khái niệm về “hàng cấm” và các vấn đề khác có liên quan như “sản xuất hàng cấm”, “buôn bán hàng cấm”, “tàng trữ hàng cấm”, “vận chuyển hàng cấm” vào BLHS hoặc các văn bản dưới luật; quy định cụ thể hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành tại Việt Nam là những hàng hóa gì vào Điều 190, Điều 191 BLHS năm 2015 hoặc quy định cụ thể vào văn bản hướng dẫn thi hành danh mục hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, lưu hành, sử dụng và dẫn chiếu quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật để các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở xử phạt vi phạm hành chính, xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm.
Theo đó, có thể bổ sung vào Điều 3 Nghị định số 98/2020 thế nào là “tàng trữ hàng cấm”, “vận chuyển hàng cấm”, hướng dẫn cụ thể Điều 8 Nghị định này, hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành tại Việt Nam là những hàng hóa gì để có cơ sở xử phạt vi phạm hành chính các hành vi sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm.
Thứ hai, cần nghiên cứu tách Tội sản xuất hàng cấm với Tội buôn bán hàng cấm; tách Tội tàng trữ hàng cấm với Tội vận chuyển hàng cấm để có sự phân biệt tính chất nguy hiểm cho xã hội của các hành vi phạm tội và trên cơ sở đó quy định mức hình phạt tương xứng, phù hợp với từng tội danh.
Thứ ba, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết trường hợp nào hàng cấm cần phải trưng cầu giám định và trường hợp nào hàng cấm không cần phải trưng cầu giám định và hướng dẫn cụ thể việc định giá tài sản đối với tài sản là hàng cấm.