Thứ Ba, 10/09/2024
KIEMSAT.VN - Cuốn cẩm nang sẽ cung cấp các kiến thức cơ bản, cũng như một số phương pháp phổ biến phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay trong việc tìm kiếm, phát hiện thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng, trình bày chứng cứ điện tử một cách có hiệu quả, hỗ trợ các Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự.
Ngày 29/12/2023, tại trụ sở Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp cùng UNODC tổ chức sự kiện giới thiệu "Cẩm nang tìm kiếm, thu thập và sử dụng chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự".
Dự và chủ trì buổi giới thiệu có TS. Lại Viết Quang, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam.
Cùng tham dự có PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng các đại biểu đến từ một số Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Lại Viết Quang, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, trong năm 2022 và 2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và UNODC tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức 14 khóa tập huấn về chứng cứ điện tử, tội phạm mạng, máy tính, công nghệ thông tin và truyền thông tại các tỉnh của 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trên cơ sở tập hợp các khó khăn, vướng mắc của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và UNODC tại Việt Nam đã xây dựng cuốn “Cẩm nang tìm kiếm, thu thập và sử dụng chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên trong giải quyết vụ án hình sự” với mục đích nâng cao nhận thức, năng lực của Kiểm sát viên trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đặc biệt trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm sử dụng mạng, máy tính, công nghệ thông tin và truyền thông.
TS. Lại Viết Quang thông tin, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới trên môi trường mạng. Hiện nay, hầu hết các tội phạm truyền thống cũng sử dụng môi trường mạng, ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông để thực hiện với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau gây ra những hậu quả lớn hơn, nhiều bị hại hơn, quy mô và tính chất phức tạp hơn, khiến các cơ quan thực thi pháp luật khó phát hiện và ngăn chặn hơn, đồng thời việc thực hiện tội phạm không còn bị cản trở bởi biên giới quốc gia và vùng lãnh thổ.
PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát nhận định: “Để có thể phát hiện và xử lý các hành vi phạm tội trên môi trường mạng, hành vi sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông phạm tội thì việc các cơ quan tố tụng có được chứng cứ điện tử là không thể thiếu và nhiều trường hợp có ý nghĩa quan trọng, quyết định. Trong thời đại ngày nay, để có thể đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, không quốc gia nào có thể đứng một mình mà không có sự hợp tác với quốc gia khác”.
Với vai trò là đồng tác giả của cuốn cẩm nang, PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa Cơ quan Phòng, chống Ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, với sự tâm huyết của các tác giả, trên cơ sở nền tảng các tài liệu đào tạo do UNODC cung cấp như Hướng dẫn thực hành cho yêu cầu thu thập chứng cứ điện tử xuyên quốc gia và Thực tiễn tốt về Chứng cứ điện tử (Digital Evidence Best Practice Guide) và sự đóng góp của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, các Kiểm sát viên, cán bộ ngành Kiểm sát và UNODC tại Việt Nam đã đóng góp ý kiến cho quá trình soạn thảo và hoàn thiện tài liệu này.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam cho biết, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới. Tuy nhiên, chính khả năng kết nối ngày càng tăng và tính ẩn danh trên môi trường mạng cũng khiến cho không gian mạng trở thành mảnh đất màu mỡ cho tội phạm phát triển. Các chuyên gia dự đoán tổng thiệt hại do tội phạm mạng gây ra sẽ tăng đều với tốc độ 15% mỗi năm trong vòng 5 năm tới, (Cybersecurity Ventures). Trong năm 2023, thế giới đã thiệt hại khoảng 8.000 tỉ đô la Mỹ từ tội phạm mạng và con số này sẽ đạt đến 10.500 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh cho biết, trong những năm gần đây, UNODC và các cơ quan tố tụng của Việt Nam trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, nâng cao năng lực cho Điều tra viên, Kiểm sát viên và các cán bộ tư pháp hình sự về các chủ đề liên quan đến tội phạm mạng, máy tính công nghệ thông tin truyền thông và thu thập, quản lý, sử dụng chứng cứ điện tử. Để có thể xử lý hiệu quả các hành vi phạm tội nói chung, phạm tội trên môi trường mạng nói riêng, thì việc các cơ quan tố tụng có được chứng cứ điện tử là không thể thiếu và nhiều trường hợp có ý nghĩa quan trọng, quyết định.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh tin tưởng, cuốn cẩm nang sẽ là một công cụ quan trọng để có thể hỗ trợ các Kiểm sát viên cũng như các cán bộ của các cơ quan tư pháp hình sự nói chung trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần tích cực vào việc xây dựng xã hội bình yên, công bằng.
- Chương 1: "Tổng quan về chứng cứ điện tử và nhận diện một số thủ đoạn phạm tội phổ biến trên không gian mạng hiện nay", gồm các bài viết làm rõ các nội dung nêu một số vấn đề chung về chứng cứ điện tử; nguyên tắc cơ bản khi thu thập, sử dụng chứng cứ điện tử; nguồn chứng cứ điện tử; một số thủ phạm tội phổ biến trên không gian mạng hiện nay.
- Chương 2: "Khám nghiệm và thu thập chứng cứ điện tử", gồm các bài viết về khám nghiệm, thu thập chứng cứ điện tử; hàm băm và cách xác định, so sánh giá trị hàm băm của các file dữ liệu điện tử.
- Chương 3: "Trưng cầu giám định dữ liệu điện tử", gồm các bài viết nhận thức về trưng cầu giám định dữ liệu điện tử; các loại giám định liên quan đến phương tiện, dữ liệu điện tử.
- Chương 4: "Hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp trong việc thu thập chứng cứ điện tử", với các bài viết hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp trong việc thu thập chứng cứ điện tử; một số thách thức và giải pháp.
- Chương 5: "Trình bày chứng cứ điện tử tại phiên tòa xét xử hình sự", hướng dẫn những việc Kiểm sát viên cần phải làm trước khi mở phiên tòa; phạm vi, giới hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên khi trình bày chứng cứ điện tử tại phiên tòa; sự hỗ trợ của Giám định viên, chuyên gia công nghệ thông tin, kỹ thuật số tại phiên tòa; quy trình, cách thức trình bày và thẩm tra chứng cứ điện tử tại phiên tòa; nguyên tắc cơ bản khi trình bày chứng cứ tại phiên tòa; chứng cứ điện tử, kỹ thuật số đối với một số tội phạm cụ thể cần lưu ý khi trình chiếu tại phiên tòa.