Thứ Hai, 09/12/2024
KIEMSAT.VN - Công tác kiểm sát thi hành án dân sự là một trong những lĩnh vực công tác quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân. Thực hiện tốt công tác này là điều kiện bảo đảm để các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành nghiêm minh, kịp thời, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
1. Một số dạng vi phạm phổ biến trong công tác thi hành án dân sự
- Trong thụ lý vụ án:
Khi tiến hành thụ lý, giải quyết vụ án dân sự có tranh chấp về tài sản, kinh doanh thương mại,... một số Tòa án đã không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật như: Không tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ, mà chỉ căn cứ vào hợp đồng thế chấp và sự thỏa thuận của các đương sự để ra quyết định công nhận thỏa thuận, nên không thể thi hành án được do tài sản thế chấp có sự chênh lệch so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc trên đất có phát sinh các công trình tài sản kiên cố nhưng không có trong hợp đồng thế chấp; cơ quan Thi hành án có văn bản yêu cầu Tòa án giải thích bản án, quyết định nhưng Tòa án chậm giải thích, giải thích không đúng, không đầy đủ hoặc không giải thích, dẫn đến quá trình thi hành án bị chậm trễ, kéo dài, gây bức xúc cho người dân; Tòa án không đưa người đang quản lý, sử dụng, trông coi tài sản vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, dẫn đến những người này liên tục có đơn thư khiếu kiện; Tòa án thu thập không đầy đủ, không hết nguồn của tài liệu, chứng cứ, nên bản án tuyên không đúng với thực tế...
- Trong nghiên cứu hồ sơ:
Khi kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, còn trường hợp nghiên cứu không kỹ, chưa đối chiếu các quy định của pháp luật nên không nhận ra những sai sót của bản án, quyết định để thực hiện quyền kháng nghị hoặc báo cáo kháng nghị kịp thời, dẫn đến một số bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng khó thi hành trên thực tế; một số Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp huyện do nể nang, chỉ thực hiện quyền kiến nghị mà không thực hiện quyền kháng nghị đối với vi phạm của Tòa án, dẫn đến chất lượng giải quyết vụ việc không cao; định kỳ hàng tháng, quý, năm chưa thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp liên ngành, chưa phối hợp chặt chẽ với Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) để rà soát các bản án, quyết định mà Tòa án tuyên không rõ, có sai sót, khó thi hành; đa số Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác kiểm sát THADS đều là kiêm nhiệm, nhất là ở VKSND cấp huyện, dẫn đến chất lượng công việc nhiều khi chưa cao.
- Trong xác minh điều kiện thi hành án:
Một số cơ quan Thi hành án khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án phát hiện giữa bản án, quyết định của Tòa án với thực tế có sự chênh lệch, đã làm văn bản yêu cầu Tòa án giải thích nhưng Tòa án chậm giải thích, giải thích không đúng, không đầy đủ hoặc không giải thích; thủ trưởng cơ quan THADS không kịp thời có văn bản đôn đốc, yêu cầu Tòa án giải thích hoặc có văn bản kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đề nghị kháng nghị đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai sót hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; một số cán bộ, Chấp hành viên làm công tác THADS chưa nghiên cứu kỹ các văn bản luật, dưới luật hướng dẫn khâu công tác này, dẫn đến tình trạng chậm đề xuất lãnh đạo đơn vị ban hành công văn yêu cầu Tòa án giải thích bản án, quyết định hoặc có công văn yêu cầu Tòa án giải thích nhưng nội dung yêu cầu lại không rõ ràng, đầy đủ, hoặc chậm đôn đốc Tòa án giải thích bản án, quyết định có sai sót, nhầm lẫn; một số lãnh đạo cơ quan THADS chưa thực sự sát sao trong công tác chỉ đạo, điều hành, nên còn có một số cán bộ, Chấp hành viên thụ động, chậm trễ.
- Trong hoạt động liên quan đến quản lý đất đai:
Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, phường: Hồ sơ, sổ sách do Ủy ban nhân dân cấp xã lưu trữ theo thời gian còn bị thất lạc, nhất là những hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác quản lý quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho việc xác minh nguồn gốc đất hoặc xác định chủ sở hữu tài sản. Trong quá trình sử dụng đất, người dân tự ý đổi đất cho nhau nhưng chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện, yêu cầu người dân chỉnh lý biến động, nên khi xây dựng các công trình nhà ở kiên cố có sự chồng lấn giữa các ô, thửa, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Đối với các cơ quan quản lý đất đai (như Sở tài nguyên môi trường, Phòng tài nguyên môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai): Một số đơn vị cung cấp thông tin về điều kiện của người phải thi hành án chưa kịp thời, đầy đủ; khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, các cơ quan chuyên môn không đo vẽ, kiểm tra thực địa tỉ mỉ, chính xác, dẫn đến cùng một thửa đất nhưng lại có nhiều số đo khác nhau ở các thời điểm khác nhau.
- Trong việc thế chấp tài sản:
Đa số các vụ án tín dụng ngân hàng có sai sót, khó thi hành án liên quan đến tài sản thế chấp là bất động sản thừa hoặc thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc tài sản thế chấp không đúng với thực tế do trong quá trình thẩm định cho vay, cán bộ tín dụng của ngân hàng đã không thẩm định kỹ tài sản, không phát hiện ra tài sản thế chấp có sự chênh lệch so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp, gây khó khăn cho việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Người phải thi hành án chỉ thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất, không thế chấp các tài sản được xây dựng trên đất, khi tiến hành thẩm định cho vay vốn, các tổ chức tín dụng, ngân hàng không thẩm định rõ trên đất còn có tài sản của người thứ ba đang quản lý, sử dụng hay không. Khi cơ quan Thi hành án tiến hành kê biên tài sản là quyền sử đụng đất để phát mại thu hồi vốn cho ngân hàng (tổ chức tín dụng), người thứ ba đang có tài sản trên đất không đồng ý cho kê biên và có đơn khiếu nại.
Cán bộ ngân hàng không làm đúng các quy định về quy trình cho vay, hàng năm không tiến hành xem xét, kiểm kê, kiểm tra về tài sản thế chấp, dẫn đến tình trạng tài sản thế chấp có sự thay đổi, sửa chữa, tăng giảm giá trị,... nhưng không nắm được để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo toàn nguồn vốn của ngân hàng. Khi thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình để vay tiền (vay vốn ngân hàng, tổ chức tín dụng), chỉ có người chủ hộ ký kết các hợp đồng thế chấp, hợp đồng ủy quyền; đến khi xảy ra tranh chấp, bên vay vốn lấy lý do những thành viên còn lại không ký kết vào hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, nên không đồng ý cho kê biên, cưỡng chế xử lý tài sản thế chấp. Một số vụ án tín dụng ngân hàng có tài sản thế chấp là nhà đất, cán bộ tín dụng thẩm định không kỹ tài sản, nên khi Tòa án, cơ quan Thi hành án tiến hành thẩm định, xác minh điều kiện thi hành án thì tài sản thực tế bị chênh lệch so với hồ sơ thế chấp.
2. Đề xuất, kiến nghị
Đối với Tòa án:
- Cần thường xuyên rà soát, giải quyết kịp thời các trường hợp đã có công văn của cơ quan THADS đề nghị giải thích, đính chính hoặc xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh cần chỉ đạo các Tòa chuyên trách và TAND cấp huyện chủ động phối hợp thường xuyên với cơ quan THADS cùng cấp rà soát, đối chiếu các bản án tuyên không rõ, khó thi hành để sớm xử lý, khắc phục. Đối với các trường hợp đã có văn bản giải thích, đính chính nhưng cơ quan THADS cho rằng việc giải thích, đính chính chưa phù hợp với nội dung vụ việc, nội dung của bản án, quyết định, hoặc không thống nhất được hướng giải quyết thì phải có văn bản đề nghị cơ quan THADS và VKSND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp phối hợp với VKSND tối cao và TAND tối cao xem xét.
Đối với Viện kiểm sát:
- Cần tăng cường sự phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp huyện và với các phòng nghiệp vụ của VKSND cấp tỉnh trong việc giải quyết vụ án. Đối với những vụ án phức tạp, có nhiều vướng mắc hoặc những bản án, quyết định có vi phạm cần kiến nghị, kháng nghị thì Viện kiểm sát cấp huyện trao đổi với các đơn vị thuộc VKSND cấp tỉnh trước khi quyết định, để thống nhất trong ngành về việc nhận xét, đánh giá vi phạm của bản án, quyết định.
- Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án VKSND cấp tỉnh và các VKSND cấp huyện cần tăng cường phối hợp với cơ quan THADS để tập hợp các bản án, quyết định Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành kháng nghị. Trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ nhưng Chấp hành viên đã cho các bên đương sự thỏa thuận thi hành án hoặc bản án, quyết định đã được sửa chữa, bổ sung, giải thích nhưng không phù hợp với khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Kiểm sát viên tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu Tòa án chấn chỉnh, khắc phục vi phạm.
- Khi giải quyết các vụ án có liên quan đến tài sản là nhà cửa, đất đai thì Kiểm sát viên phải phối hợp với Thẩm phán và các cơ quan liên quan làm rõ quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất; xác định chính xác diện tích, vị trí và chỉ giới (mốc giới) của quyền sử dụng đất. Khi kiểm sát xét xử, cần phân biệt quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Có rất nhiều bản án, quyết định cơ quan THADS không thể thi hành án được vì bản án tuyên xử lý quyền sử dụng đất mà không tuyên xử lý các tài sản gắn liền với đất hoặc ngược lại.
- Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án, sau khi nhận bản án, quyết định của Tòa án cần kiểm tra kỹ nội dung bản án, quyết định có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ diễn ra tại phiên tòa hoặc hồ sơ vụ án hay không để tham mưu cho lãnh đạo kháng nghị phúc thẩm hay báo cáo VKSND cấp trên kháng nghị kịp thời.
Đối với cơ quan THADS:
Cơ quan THADS hai cấp cần tăng cường phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, THADS trong việc ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán tài sản, đảm bảo các bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm minh, kịp thời.
Đối với các cơ quan, ban, ngành khác:
- Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã: Công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác quản lý quyền sử dụng đất đai phải được lưu trữ cẩn thận, ghi chép rõ ràng, sạch sẽ, đầy đủ, không được tẩy, xóa, thêm, bớt dễ gây nhầm lẫn.
- Đối với các cơ quan quản lý đất đai (như Sở tài nguyên môi trường, Phòng tài nguyên môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai): Nếu trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hiện được đầy đủ các thông tin như: Ranh giới thửa đất, tài sản gắn liền với đất, số đo cụ thể các chiều cạnh hoặc diện tích đất ở, đất nông nghiệp,… thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc xét xử, kê biên, cưỡng chế quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất. Do vậy, các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương cần rà soát, điều chỉnh, đo đạc, chỉnh sửa để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phản ánh đúng thực tế.
Đối với ngân hàng, các tổ chức tín dụng:
- Lãnh đạo ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng cần quán triệt nghiêm túc tới từng cán bộ trong đơn vị, nhất là những cán bộ tín dụng khi cho vay vốn cần thẩm định tài sản kỹ, cẩn thận, phản ánh đúng tình hình thực tế, giá trị của tài sản; tài sản là bất động sản cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cán bộ địa chính hoặc Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, đối chiếu diện tích đất giữa thực tế với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê công ty đo đạc kiểm tra kỹ hiện trạng tài sản trước khi cho vay nếu cần thiết.
- Đối với những cán bộ cố tình vi phạm các nguyên tắc cho vay gây thất thoát vốn của ngân hàng, tổ chức tín dụng, cần kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu có dấu hiệu hình sự thì phải chuyển Cơ quan điều tra để xử lý theo quy định.