Thứ Bảy, 14/12/2024
Giấy tay là chứng cứ thường gặp trong các loại kiện là giao dịch mua bán nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vay tài sản. Vậy, “Giấy tay” là gì ? Đây là tài liệu cầm được, đọc được, có thể hiện nội dung thỏa thuận và chữ ký hoặc lăn tay của một hoặc cả hai bên đối với một hoặc nhiều giao dịch, có thể viết tay hoặc đánh máy, không có xác nhận hay chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
Giấy tay có giá trị pháp lý như thế nào ?
Giấy tay thể hiện sự thỏa thuận và có giá trị thực hiện giữa các bên đã ký kết. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp thì tùy từng nội dung thỏa thuận mà giấy tay có giá trị công nhận khác nhau.
Như giao dịch vay, mượn tiền: chỉ có chữ ký của bên vay, mượn không có xác nhận của bên cho vay, mượn hoặc công chứngthì cũng được pháp luật công nhận. Tuy nhiên, khi xem xét quyền và nghĩa vụ của các bên có được bảo đảm và thực hiện như thế nào còn xem xét đến nội dung chứng minh có việc giao nhận tiền.
Nhưng đối với giao dịch liên quan đến bất động sản (nhà, đất) thì không có giá trị pháp lý để công nhận quyền sở hữu, đây chỉ là một bước (đặt cọc, thỏa thuận có điều kiện, các thỏa thuận liên quan đến tài sản giao dịch,...) để các bên tiếp tục thực hiện giao dịch đó đúng theo quy định của pháp luật (công chứng). Khi xảy ra tranh chấp thì giao dịch này được công nhận hay vô hiệu phụ thuộc vào nội dung mà các bên thỏa thuận có đúng quy định của pháp luật không, tài sản giao dịch có hợp pháp không để từ đó vận dụng đúng điều luật giải quyết cũng như xem xét lỗi, trách nhiệm bồi thường
Ví dụ: giao dịch mua bán nhà thì giấy tay có những hình thức như đặt cọc, hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thỏa thuận về điều kiện để thực hiện việc mua bán trước khi ra công chứng(chờ hợp thức hóa nhà, giải quyết việc thế chấp căn nhà đang giao dịch, chờ làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế,...), có các trường hợp như sau:
- Thỏa thuận phù hợp với các quy định của pháp luật, nếu giao dịch không tiếp tục thực hiện nữa thì hủy giao dịch và xem xét lỗi để buộc bồi thường theo thỏa thuận (ưu tiên tôn trọng sự thỏa thuận) hoặc theo quy định của pháp luật nếu các bên không có thỏa thuận.
- Thỏa thuận trái với các quy định của pháp luật (nhà chưa có chủ quyền, đang thế chấp ngân hàng, người bán không phải là chủ sở hữu,...), bắt buộc phải tuyên bố giao dịch vô hiệu. Do giao dịch vô hiệu nên nội dung thỏa thuận không có giá trị để xem xét công nhận, quyền và nghĩa vụ của các bên không phát sinh kể từ thời điểm ký kết tài sản của ai trả lại người đó, xem xét lỗi buộc bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hoàng Anh Nga – Phòng 9