Thứ Tư, 09/10/2024
Căn cứ Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hướng dẫn số 11-HD/ĐUK ngày 04/4/2023 của Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng Thành phố Hồ Chí Minh, Kế hoạch số 52-KH/ĐU ngày 09/5/2023 của Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố) và Kế hoạch năm 2023 của Chi bộ 9 VKSND Thành phố, sáng ngày 27/10/2023, Chi bộ 9 đã tổ chức hoạt động sinh hoạt Chuyên đề kết hợp về nguồn tại Đền thờ, Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và Khu di tích lịch sử Minh Đạm thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tham gia hoạt động có đồng chí Nguyễn Thị Thơm, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng 9 VKSND Thành phố - dẫn đầu Đoàn cùng các đồng chí trong Chi ủy và toàn thể Đảng viên đang sinh hoạt tại Chi bộ 9 VKSND Thành phố.
Đền thờ anh hùng Võ Thị Sáu và Nhà lưu niệm nằm ở ngã tư Đất Đỏ, thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Để ghi nhớ công ơn nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu và nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, năm 1980, Huyện ủy, UBND huyện Long Đất (nay là huyện Long Điền và Đất Đỏ) đã xây dựng Công viên tượng đài Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu trên khu đất có diện tích 4.100 m2 tại thị trấn Đất Đỏ. Trong Công viên có đặt bức tượng đồng cao 7m, khắc họa hình ảnh chị Sáu ngẩng cao đầu, hiên ngang ra pháp trường. Dưới chân tượng đài, quanh năm hương trầm tỏa ngát. Năm 2001, huyện Đất Đỏ xây dựng Đền thờ Võ Thị Sáu ngay phía sau tượng đài, trưng bày tư liệu hình ảnh về cuộc đời của chị Sáu từ lúc bắt đầu tham gia cách mạng cho đến khi bị bắt, hy sinh và các hình ảnh liên quan của Huyện qua các thời kỳ.
Đồng chí Nguyễn Thị Thơm, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng 9 VKSND Thành phố - dẫn đầu Đoàn tiến hành thắp hương tưởng niệm
Tập thể cán bộ, Đảng viên Chi bộ 9 dành một phút mặc niệm trước tượng đài Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu
Tập thể cán bộ, Đảng viên Chi bộ 9 chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu
Cách Đền thờ khoảng 100m là Nhà lưu niệm nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu. Nơi đây, trước kia vốn là căn nhà được gia đình chị Sáu thuê ở khi Chị mới 04 tuổi. Đầu thập niên 1980, ngôi nhà đã được trùng tu lại nguyên trạng ban đầu và được công nhận là Di tích Lịch sử, Văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 15/QĐ-BT ngày 27/01/1986. Ngôi nhà có lối kiến trúc dân dã đặc trưng của làng quê Việt Nam, xung quanh được che bằng các tấm ván gỗ, mái lợp ngói âm dương. Căn nhà có 02 phòng nhỏ, phòng ngoài ở giữa bài trí tủ thờ gia tiên, kế sát bên vách phía phải là bộ ván gỗ. Phía trong là nơi nghỉ của ông bà song thân. Nối giữa phòng ngoài và phòng trong là một hành lang nhỏ thông ra phía sau nhà.
Đại diện Lãnh đạo Phòng, Chi ủy và các tổ chức Đoàn thể thuộc Chi bộ 9 thắp hương tại Nhà lưu niệm nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu
Tập thể cán bộ, Đảng viên Chi bộ 9 chụp ảnh lưu niệm tại Nhà lưu niệm nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu
Tiếp nối chương trình, Đoàn tiến hành đến tham quan khu di tích lịch sử Minh Đạm thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Núi Minh Đạm thuộc địa phận 4 xã Tam Phước, thị trấn Long Hải thuộc huyện Long Điền; xã Long Mỹ, thị trấn Phước Hải thuộc huyện Đất Đỏ, có chiều dài 9km, chiều rộng 4km, được kết hợp bởi những ngọn núi có tên riêng nhưng liên kết với nhau liền một dãy từ Bắc xuống Nam và được gọi là Châu Viên, Châu Long từ cuối thế kỷ XX. Với độ cao các đỉnh: Chóp Mao 323m, Hòn Thung 217m, Đá Dựng 173m, Trương Phi 317m.
Khu căn cứ cách mạng Minh Đạm đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 18/01/1993 và trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn lý tưởng. Đến với khu căn cứ Minh Đạm, ngoài việc tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử oanh liệt và những tấm gương anh dũng đáng ca ngợi, toàn thể cán bộ, Đảng viên Chi bộ 9 còn được tham quan nhiều nơi lý thú, đặt chân vào những hang đá xưa kia từng là nơi làm việc, sinh hoạt của cán bộ, quân dân Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Minh Đạm
Hành trình về nguồn kết hợp sinh hoạt chuyên đề tại Đền thờ, Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và Khu di tích lịch sử Minh Đạm là dịp để cán bộ, Đảng viên Chi bộ 9 ôn lại truyền thống yêu nước của thế hệ đi trước, từ đó góp phần nâng cao nhận thức và hành động trong mỗi cán bộ, Đảng viên; phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, bản lĩnh, khát vọng, đổi mới tư duy và phương pháp làm việc có hiệu quả; nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ngành, của đơn vị gắn với việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao./.
Tin bài: Trâm Anh, Ảnh: Duy Tuấn