Thứ Ba, 29/04/2025
Thực hiện Chương trình trọng tâm năm 2024 của Chi bộ 10; nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ Đảng viên, công chức, ngày 08/3/2024, Chi bộ 10 - Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố) đã tổ chức về nguồn kết hợp sinh hoạt Chuyên đề “Cuộc đời, sự nghiệp Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tham gia hoạt động về nguồn kết hợp sinh hoạt Chuyên đề có đồng chí Trương Thị Hồng Hoa, Phó Bí thư Chi bộ 10, dẫn đầu Đoàn; các đồng chí trong Chi ủy cùng toàn thể Đảng viên, công chức đang công tác tại Phòng 10 - VKSND Thành phố.
Đoàn tiến hành nghi thức dân hương Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Tại đây, Đoàn đã tiến hành dâng hoa, dâng hương để tưởng niệm Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - một con người tài năng, đức độ đã có công sinh thành, dưỡng dục nên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới cũng như được nghe, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Cụ Phó bảng.
Các thành viên Đoàn chăm chú lắng nghe cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên Khu lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862 tại làng Sen, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh nghệ An. Cha mẹ mất sớm, năm 16 tuổi cụ được nhà nho Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (cũng thuộc xã Kim Liên) nhận nuôi và cho ăn học.
Năm 1894, cụ Sắc đỗ cử nhân. Năm 1901, Cụ đỗ Phó bảng và được làm quan. Năm 1906, nhậm chức “Thừa biện Bộ Lễ” và sau đó là Tri phủ lĩnh nhiệm Tri huyện Bình Khê. Trong thời gian làm quan, Cụ luôn đứng về phía dân nghèo trừng trị bọn cường hào, ác bá. Cụ làm quan được một thời gian ngắn thì bị Triều đình nhà Nguyễn cách chức.
Sau đó, Cụ vào miền Nam và sinh sống tại làng Hòa An thuộc tỉnh Đồng Tháp để dạy học. Ngoài ra, Cụ còn bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo và sống cuộc đời thanh bạch cho đến lúc qua đời. Để tưởng nhớ công ơn của Cụ, chính quyền và Nhân dân Đồng Tháp đã xây dựng Khu lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nhằm để mọi người trong và ngoài tỉnh đến viếng thăm Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và thắp nén hương tưởng nhớ Cụ. Khu di tích được khởi công xây dựng vào tháng 8/1975 và khánh thành vào tháng 12/1977, sau nhiều lần tôn tạo, Khu mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trở thành một quần thể di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 9/4/1992, hiện nay tọa lạc tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Với diện tích khoảng hơn 10ha, tổng thể Khu di tích là một phức hợp kiến trúc hài hòa gồm nhiều hạng mục công trình chính như: Vòm mộ, hồ Sao, đền thờ cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc, mô hình Nhà sàn Bác Hồ và mô hình tái hiện một góc làng Hòa An xưa…Tất cả không gian toát lên vẻ giản dị mà uy nghi, gần gũi mà trang trọng làm cho khách tới viếng thăm, ai cũng không khỏi bồi hồi, xúc động khi tưởng nhớ đến Cụ.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Cổng vào Khu mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Dịp này, Đoàn cũng đã ghé thăm điểm tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh để tưởng nhớ sự kiện đặc biệt vào ngày 29/10/1954, tại bến Bắc Cao Lãnh - Cuộc đưa tiễn hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đây là cuộc chuyển quân có ý nghĩa vô cùng to lớn, đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra Bắc lao động, học tập nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Điểm tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh - nơi đưa tiễn hàng chục ngàn bộ đội, cán bộ, học sinh, quân tình nguyện của nhiều tỉnh xuống tàu ra Bắc với tinh thần “Đi vinh quang - Ở anh dũng”
Hành trình về nguồn kết hợp sinh hoạt Chuyên đề tại Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc của Chi bộ 10 - VKSND Thành phố không chỉ là dịp để các Đảng viên, công chức Phòng 10 - VKSND Thành phố tìm về với cội nguồn của tình yêu quê hương, đất nước mà còn là cách thức để nhắc nhở, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của thế hệ cha ông, góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các Đảng viên, công chức. Đồng thời, giúp cho Đảng viên, công chức Phòng 10 hiểu hơn giá trị của cuộc sống yên bình hôm nay, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hơn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc; ra sức học tập, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công, góp phần xây dựng Ngành, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh./.
Nguyễn Văn Lân - Phòng 10