Thứ Ba, 22/10/2024

Chi bộ 10 VKSND Thành phố tổ chức thăm Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ kết hợp giao lưu cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa, Cần Giờ nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

19/10/2024 - 09:47 | Hoạt động đoàn thể

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024) và 14 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010 - 20/10/2024); nhằm tạo cho chị em phụ nữ trong đơn vị chào mừng ngày 20/10 thật ý nghĩa, ngày 18/10/2024, Chi bộ 10 Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố) đã tổ chức thăm Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ kết hợp giao lưu cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa, Cần Giờ.

Đoàn do đồng chí Phan Ngọc Khanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng 10 VKSND Thành phố dẫn đầu cùng tập thể Chi ủy và các đồng chí là lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức công tác tại Phòng 10 VKSND Thành phố.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tọa lạc tại 200 - 202 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, có tiền thân là Nhà Truyền thống Phụ nữ Nam Bộ do Tổ nghiên cứu lịch sử Phụ nữ Nam Bộ sáng lập, bắt đầu mở cửa từ ngày 30/4/1985. Bảo tàng chính thức nằm trong hệ thống Bảo tàng Quốc gia từ năm 1990 và vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 1998.

Trích câu nói của Madeleine Riffaud, nữ Nhà báo Pháp về “Đội quân tóc dài”  trưng bày tại Bảo tàng

Từ khi ra đời đến nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ là nơi lưu giữ và trưng bày trên 38.142 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu có giá trị về những đóng góp của người phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung trong việc gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc. Có thể nói, Bảo tàng chính là trung tâm văn hóa của phụ nữ, là nơi tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, giao lưu, tọa đàm, thi tìm hiểu truyền thống phụ nữ Việt Nam, trình diễn văn nghệ, triển lãm chuyên đề…

Một số hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Với phần thuyết trình của Thuyết minh viên, thành viên Đoàn đã được nghe về lịch sử chiến đấu hào hùng của chị em phụ nữ qua các thời kỳ. Qua đó, Đoàn càng thêm khâm phục tinh thần cách mạng sáng ngời của các chị em, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các chị, các mẹ vẫn anh hùng, buất khuất, kiên trung, sẵn sàng hi sinh, một lòng hướng về cách mạng, về quê hương, đất nước.

Thành viên Đoàn nghe thuyết trình tại Phòng trưng bày

 Dường như phía sau mỗi hiện vật, mỗi tác phẩm trưng bày nơi này đều có câu chuyện của riêng mình, nó không còn là những bộ trang phục, hiện vật vô tri mà chứa đựng hơi thở cuộc sống gắn liền với sinh hoạt, chiến đấu hằng ngày của người phụ nữ Nam Bộ. Đó còn là tâm tư, tình cảm, nỗi nhớ niềm thương của các chị, các mẹ dành cho chồng, cho con được gửi gắm qua từng đường kim, mũi chỉ hay chiếc áo gối, khăn tay. Tất cả đều được trưng bày rất trang trọng trong Bảo tàng.

Bức tranh “Uyên ương thêu dở” dành cho chồng sắp cưới và chiếc áo gối thêu gửi về cho con gái của các nữ chiến sĩ cách mạng thực hiện trong chốn lao tù
Các thành viên Đoàn chụp ảnh lưu niệm bên hiện vật trưng bày

Tiếp tục chuyến hành trình, Đoàn đã đến thăm các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Hòa tại Duyên Hải, Long Hòa, Cần Giờ.

Đoàn giao lưu, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Đồn Long Hòa, Cần Giờ

Tại đây, Đoàn được gặp gỡ, giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ Đồn Long Hòa. Được nghe các đồng chí kể về những trọng trách, nhiệm vụ lớn lao mà các chiến sĩ đã thực hiện để bảo vệ tuyệt đối an toàn địa bàn biên giới.

Chụp ảnh lưu niệm bên Tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ Biên phòng” trong khuôn viên Đồn Biên phòng
Chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Đồn Long Hòa

Mặc dù chiến tranh đã đi qua, nhưng dư âm vẫn còn đó, thăm Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và giao lưu với chiến sĩ Biên phòng là việc làm hết sức ý nghĩa, thiết thực của Chi bộ 10 dành cho chị em phụ nữ đơn vị, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chi bộ và tập thể lãnh đạo Phòng đối với công chức nữ mà còn góp phần giáo dục chính trị tư tưởng cho các Đảng viên, công chức. Qua chuyến đi này, các thành viên Đoàn hiểu rằng: để có được hòa bình, độc lập hôm nay, không chỉ có máu xương của bao thế hệ đã đổ xuống mà hiện nay vẫn còn có những người chiến sĩ Biên phòng đang từng ngày, từng giờ canh giữ, bảo vệ bình yên biên giới. Vì vậy,  chúng ta càng phải ra sức học tập, rèn luyện, lao động hết mình, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh để xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ trước và cả những chiến sĩ hôm nay./.

Bảo Trân - Phòng 10

 

 

 

Tin mới