Thứ Hai, 28/04/2025

Câu chuyện “Chiếc đồng hồ” - Bài học về sự đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ Kiểm sát giai đoạn hiện nay

13/06/2024 - 08:57 | Nghiên cứu, trao đổi

Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, nhất quán và xuyên suốt để tập hợp lực lượng cách mạng, là nhân tố quyết định sự thành công. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh: trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đoàn kết là nền tảng và là một trong những nguyên tắc cơ bản được Đảng và Nhân dân ta vận dụng trên mọi lĩnh vực. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điều kiện để mọi tổ chức, Mặt trận thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã khẳng định “đại đoàn kết dân tộc” là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

  Trên thực tế, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng sự đoàn kết, đối với Người “Đoàn kết không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức Đảng mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng”. Tư tưởng về sự đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong đường lối, chiến lượt cách mạng mà còn trong những câu chuyện về Bác, trong đó có chuyện về “Chiếc đồng hồ”, chuyện kể lại như sau:

  “Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản thủ đô. Ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:

  - Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng?

  Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

  - Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

  - Thưa không được ạ!

  Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:      

  - Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

  Cùng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954, Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp: Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không!”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Lãnh tụ vĩ đại, người khởi xướng, xây dựng và hết lòng chăm lo cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam

Bao giờ cũng vậy, những câu chuyện mà Bác đưa ra vô cùng gần gũi, đơn giản, chân thật nhưng luôn mang tính giáo dục cao. Câu chuyện “Chiếc đồng hồ” chính là bài học sâu sắc, mang nhiều ý nghĩa về tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trên mỗi cương vị, vị trí công tác. Đặc biệt, đối với mỗi cơ quan, đơn vị cũng giống như một chiếc đồng hồ. Mỗi cá nhân, mỗi Phòng là một bộ phận không thể thiếu. Tất cả đều có một nhiệm vụ riêng, dù lớn, dù nhỏ nhưng đó đều là một phần quan trọng trong một tập thể, mỗi nhiệm vụ như một mắt xích nối lại với nhau. Để tạo nên một mối nối thật sự vững chắc thì mỗi cá nhân - một mắc xích phải thật sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng phát huy khả năng của mình, hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

  Liên hệ đến ngành Kiểm sát nhân dân, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự đoàn kết, từ khi thành lập đến nay, lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân luôn xác định “đoàn kết” là phương châm, là kim chỉ nam, là vấn đề quan trọng hàng đầu trong mọi hoạt động. Tại các Chỉ thị công tác hàng năm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao luôn đặt hai chữ “đoàn kết” lên đầu tiên tại các phương châm công tác của toàn Ngành, cụ thể: trong các năm 2017 và 2018, Ngành đề ra phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả”. Giai đoạn từ 2019 đến năm 2023, với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”. Đến năm 2024, phương châm công tác của Ngành là “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, trong đó nêu rõ “Thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp và tập thể lãnh đạo đơn vị phải tập trung xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, gương mẫu trong công việc…”. Tất cả đã khẳng định sự vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự “đoàn kết” xuyên suốt của lãnh đạo Ngành kiểm sát nhân dân đối với việc giữ gìn đoàn kết trong nội bộ mỗi đơn vị và trong toàn Ngành nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chung mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã giao phó cho ngành Kiểm sát.

  Quán triệt phương châm công tác của ngành Kiểm sát, trong những năm qua, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh luôn xác định các đơn vị Viện kiểm sát hai cấp Thành phố phải “Đoàn kết, đổi mới, vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, trong đó trước tiên cần chú ý nêu cao tinh thần đoàn kết trong công tác và trong thi đua vì đoàn kết là nền tảng của mọi sự thành công, muốn đoàn kết tốt thì vai trò của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đơn vị là quan trọng nhất, tập thể lãnh đạo đoàn kết sẽ tạo sự lan tỏa đến toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị. Đoàn kết chính là tiền đề để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhận thức sâu sắc được điều này, trong công tác cũng như sinh hoạt hàng ngày, Phòng 9 - Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị, xem đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ tiên quyết giúp đơn vị hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ngay từ đầu mỗi năm công tác, Phòng đã chủ động xây dựng Chương trình công tác, Kế hoạch thi đua, hướng dẫn công tác quận, huyện trên cơ sở bám sát Chỉ thị của Ngành, Kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân thành phố và triển khai đến tất cả các công chức trong đơn vị. Trong phân công, phân nhiệm luôn xác định “Rõ người, rõ việc”, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng lãnh đạo và công chức nhưng tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung đó là hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Với tinh thần đoàn kết, nhất trí một lòng, không ngại khó khăn gian khổ, Phòng đã đạt được rất nhiều thành tích như: Năm 2021, được trao tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc 02 năm liên tục 2020 - 2021; năm 2022, được tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc, đạt Cờ thi đua dẫn đầu Khối; năm 2023, nhận “Bằng khen của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao” cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong Phong trào ngành kiểm sát nhân dân thi đua rèn luyện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn” gắn với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019 - 2025. Năm 2024, Phòng đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ vì đã có thành tích trong công tác từ năm 2018 đến 2022, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Tập thể lãnh đạo Phòng 9 - Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

 Để giữ vững và tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, Phòng 9 - Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nêu cao hơn nữa tinh thần đoàn kết trong thực hiện nhiệm vụ, tích cực tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch của Ngành đề ra gắn với nhiệm vụ chính trị tại địa phương góp phần vào thành tích chung của ngành Kiểm sát Thành phố./.

Nguyễn Thị Lý - Phòng 9

Tin mới