Thứ Ba, 10/09/2024

Bước tiến trong thu hồi tài sản tham nhũng - Bài 2: Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản

13/08/2024 - 19:45 | Nghiên cứu, trao đổi

SGGP.ORG.VN - Thời gian qua, việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt hiệu quả khá cao. Qua đó, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế cũng tăng lên rõ rệt.

Tỷ lệ thu hồi tài sản tăng dần

Nhờ áp dụng nhiều biện pháp đột phá, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt. Nếu giai đoạn trước đó, tỷ lệ thu hồi tài sản thường chỉ đạt dưới 10% thì giai đoạn 2021-2022, tỷ lệ này đã tăng lên 34,7%. Trong đó, có những vụ án đã thu hồi tới 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức, TPHCM cưỡng chế thi hành án một tài sản liên quan vụ án Huỳnh Thị Huyền Như

Cùng với việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn 2021-2023 tại TPHCM cho thấy công tác thu hồi tài sản tham nhũng có những chuyển biến rõ nét nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Đơn cử như vụ án in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế do Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang (sinh năm 1973), Hoàng Ngọc Phượng Trân (sinh năm 1981) cùng đồng phạm thực hiện. Các bị cáo thành lập nhiều công ty “ma”, xuất bán hàng chục ngàn hóa đơn GTGT khống, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước đặc biệt lớn (hơn 389 tỷ đồng).

Kết quả đã thu giữ tại nhà đối tượng 323 triệu đồng, 920 USD; ngăn chặn giao dịch chuyển nhượng 2 bất động sản, 4 ô tô; ngăn chặn 41 tài khoản của 41 công ty “ma” với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Các bị can và thân nhân bị can nộp khắc phục hậu quả gần 5 tỷ đồng; nộp khắc phục thuế trốn và thuế thất thu của Nhà nước 24,5 tỷ đồng. Đây là một ví dụ cho thấy hiệu quả trong phối hợp giữa các cơ quan tố tụng nhằm truy tìm tài sản bất chính kịp thời.

Cục Thi hành án dân sự TPHCM cưỡng chế thi hành án một vụ án kinh tế

Theo một Kiểm sát viên tại Viện KSND TPHCM, một trong các biện pháp thu hồi tài sản ở các giai đoạn tố tụng đạt hiệu quả cao là vận động đối tượng, bị can hoặc thân nhân của bị can và người liên quan nộp tiền khắc phục hậu quả. Cụ thể như vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong giai đoạn điều tra đã thu hồi hơn 38 tỷ đồng. Tới giai đoạn truy tố, sau khi nhận được kết luận điều tra, nhiều bị can nhận thấy các đồng phạm, bị can khác trong cùng vụ án nộp tiền khắc phục hậu quả nên được đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ đã có nguyện vọng nộp hoặc nhờ người thân nộp tiền khắc phục hậu quả để được viện kiểm sát xem xét, đánh giá, đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ. Chỉ trong 30 ngày, các bị can trong vụ án nêu trên đã tự nguyện khắc phục gần 8 tỷ đồng. Ở giai đoạn xét xử, các cơ quan tố tụng tiếp tục phối hợp vận động bị cáo, gia đình bị cáo chủ động khắc phục hậu quả ngay tại phiên tòa để làm cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt; vừa thể hiện tính nhân văn, khoan hồng của pháp luật vừa nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản. Tới ngày 6-8, khi luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo, Viện kiểm sát ghi nhận nhiều bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi, điển hình như cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà đã nộp toàn bộ số tiền nhận hối lộ là 8,55 tỷ đồng.

Quan điểm trên được các cơ quan tố tụng áp dụng xuyên suốt trong các năm gần đây trong xét xử các vụ án tham nhũng và kinh tế tại TPHCM. Điển hình như vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan Trương Mỹ Lan và đồng phạm giai đoạn 1. Khi vụ án sắp được đưa ra xét xử và trong khi xét xử, các bị cáo tiếp tục tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả với số tiền hơn 1.300 tỷ đồng để được xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi tuyên án.

Áp lực của thi hành án

Hàng năm, số lượng công việc và số tiền thi hành án liên quan các vụ án tham nhũng, kinh tế trên địa bàn TPHCM khá lớn. Do vậy, công việc của Cục Thi hành án dân sự TPHCM rất áp lực. Chỉ tính riêng năm 2023, số việc phải thi hành án của Cục Thi hành án dân sự TPHCM là 468/4.879 việc của toàn quốc; số tiền phải thi hành án là hơn 74.000 tỷ đồng (chiếm 76% số tiền phải thi hành án toàn quốc).

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số việc và tiền phải thi hành của các cơ quan Thi hành án dân sự TPHCM tiếp tục đứng đầu cả nước. Theo đó, tổng số việc phải giải quyết là 80.336 việc, tổng số tiền phải thi hành là gần 136.000 tỷ đồng. Trong đó, kết quả thi hành án thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là 360 việc với số tiền thi hành gần 70.000 tỷ đồng; các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo tại TPHCM là 39 vụ án. Nhiều vụ án lớn và phức tạp, nhiều tài sản khó xử lý, có vướng mắc về vấn đề pháp lý, tài sản hình thành trong tương lai...

Có thể thấy, các cơ quan Thi hành án dân sự TPHCM phải thụ lý thi hành nhiều vụ án lớn, phức tạp, được dư luận xã hội và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Quá trình tổ chức thi hành án liên quan đến tài sản có giá trị rất lớn, việc xử lý tài sản kéo dài trong nhiều năm, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến quyền lợi cá nhân, tổ chức nên rất dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM Nguyễn Văn Hòa cho biết, đơn vị hiện chịu áp lực lớn khi đội ngũ công chức còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay. Phòng Nghiệp vụ 2 của cục có 23 chấp hành viên, đang tổ chức thi hành 29 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Trong đó, tính riêng bất động sản, Phòng Nghiệp vụ 2 xử lý 319 tài sản. Nếu tính số bất động sản trong vụ án Vạn Thịnh Phát sắp tiếp nhận thi hành án, tổng tài sản phải xử lý ở TPHCM là 1.361. Như vậy, 1 chấp hành viên phải xử lý trung bình 59 tài sản.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, trong nhiều vụ việc, tài sản phải xử lý với nhiều hạng mục và nằm rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản phức tạp như dự án đầu tư, cổ phần, cổ phiếu…; tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác mà chưa xác định rõ phần tài sản của từng người. Chưa kể, có tài sản kê biên với trị giá lớn nhưng không bán được, dù đã giảm giá, bán đấu giá nhiều lần. Ngoài ra, Cục Thi hành án dân sự TPHCM hiện không phải là thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TPHCM. Điều này cũng khiến việc báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án về tham nhũng và kinh tế đến Ban Chỉ đạo chưa kịp thời.

* Vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 1: Cơ quan thi hành án dân sự phải tổ chức thi hành gần 23.000 tỷ đồng, tịch thu sung công 5,2 triệu USD; tài sản phải xử lý khoảng 1.232 bất động sản, trong đó tại TPHCM có hơn 1.000 bất động sản; hơn 1 triệu cổ phần; 22 động sản.

* Vụ án Trương Mỹ Lan giai đoạn 2: Nghĩa vụ phải bồi thường của Trương Mỹ Lan liên quan đến 25 gói trái phiếu là hơn 30.000 tỷ đồng của trên 35.000 trái chủ. Theo đánh giá ban đầu, tài sản xử lý ở giai đoạn 1 sẽ bảo đảm đủ để thi hành án đối với nghĩa vụ thi hành án của Trương Mỹ Lan ở giai đoạn 2 liên quan đến 25 gói trái phiếu.

THÀNH TRỌNG - VĂN MINH

Tin mới