Thứ Ba, 10/09/2024
Tapchitoaan.vn - NGUYỄN THANH HUYỀN* - - Sau khi nghiên cứu bài viết của tác giả Nguyễn Vinh Đoàn, tôi đồng tình với quan điểm thứ ba cho rằng, H phải bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng” theo điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS và không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ”.
Thứ nhất, tính chất côn đồ thể hiện ở việc một người sẵn sàng bất cứ thời điểm nào, tình huống nào, mâu thuẫn nào, vì những lý do nhỏ nhặt trong cuộc sống hoặc không vì bất cứ lý do gì đã sử dụng vũ lực để tấn công, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác. Tham khảo Công văn số 38/NCPL ngày 06/01/1976 của TANDTC hướng dẫn như sau:
“Khái niệm côn đồ được hiểu là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách rất vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt, ví dụ như đi xe đạp, xe máy va quệt vào người khác, có khi chính mình có lỗi nhưng đã kiếm cớ để đánh hoặc giết người ta, mặc dù có thể người kia cũng có lỗi nhỏ. Những kẻ đâm thuê chém mướn phải coi là biểu hiện tính côn đồ”.
Như vậy có thể thấy, đối với những người phạm tội chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt hoặc không vì bất cứ nguyên do gì đã sẵn sàng xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác, thể hiện sự hung hãn, coi thường pháp luật nên cần thiết phải áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ” để trừng phạt, răn đe, giáo dục, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật hình sự.
Ngoài ra, Án lệ số 17/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 17/10/ 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án TANDTC hướng dẫn xử lý tội giết người có tính chất côn đồ như sau: “Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với nhau mà tội phạm đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của nạn nhân.” Qua đó thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác chỉ vì nguyên do nhỏ nhặt hoặc vô cớ, thích dùng vũ lực để uy hiếp, đâm chém hoặc giết người.
Trở lại vụ án, H điều khiển xe máy đi gần với K, sau đó dừng lại để hỏi lý do tại sao K đánh H. K nói thích thì đánh rồi dùng tay phải lấy trong túi quần con dao Thái Lan dài 20 cm đâm H làm thủng áo khoác và rách da vùng ngực trái của H. Do đó có thể thấy, trước đó K đã có hành vi vô cớ đánh H, thể hiện ở việc khi H hỏi tại sao đánh H thì K trả lời “thích thì đánh” . Cùng với đó, K dùng con dao Thái Lan dài 20 cm đâm về phía H, làm rách áo và rách vùng da ngực của H. Hành động này của K thể hiện sự hung hãn, coi thường tính mạng sức khỏe của người khác nên H mới có các hành vi đâm nhiều nhát vào người của K. Do vậy, việc H đâm K nhiều nhát là do hành vi trái pháp luật của K có thể nguy hiểm đến H nên đây không phải vì những nguyên do nhỏ nhặt hoặc vô cớ nên không thế áp dụng tình tiết định khung “Phạm tội có tính chất côn đồ” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS.
Thứ hai, đối với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng” theo điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS. Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng là quyết tâm thực hiện bằng được ý định phạm tội và hành vi phạm tội mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Cũng áp dụng tình tiết này nếu mục đích của người phạm tội không đạt nhưng chứng minh được người phạm tội đang tìm mọi cách để thực hiện được tội phạm.
Trở lại vụ án, sau khi bẻ ngược tay của K rồi dùng sức đẩy dao đâm vào người K được 3 nhát làm K ngã xuống đường. Lúc này K đã khó có thể uy hiếp đến sức khỏe tính mạng của H nhưng H vẫn không dừng lại mà tiếp tục lấy được dao trên tay K rồi dùng tay phải đâm nhiều nhát liên tiếp vào bụng của K, K dùng tay kháng cự và di chuyển lùi về sau nhưng vấp ngã xuống đường, H tiếp tục dùng dao đâm nhiều nhát vào người của K làm gãy lưỡi dao. Sau đó, khi K bỏ chạy thì H vẫn không dừng lại mà đạp mạnh một cái trúng vào vùng lưng của K làm K ngã ra đường bất tỉnh. Trong vụ án này, H đã nhiều lần đâm liên tiếp vào vùng bụng của K, khi K bỏ chạy lại tiếp tục đuổi theo và đạp mạnh K đến khi K bất tỉnh mới dừng lại. Điều này thể hiện ý định mong muốn thực hiện hành vi đến cùng, gây hậu quả nghiêm trọng là K tử vong. Do đó, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Cố ý thực hiện tội phạm đến cùng” theo điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS đối với H.
Trên đây là quan điểm trao đổi của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả./.
Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử bị cáo bị truy tố về tội “Giết người” và “Cướp tài sản”- Ảnh: Hoàng Công