Thứ Hai, 09/12/2024

Án lệ số 08/2016/AL cụ thể hóa cách tính lãi suất khi có biến động trên thị trường

17/08/2023 - 20:20 | Nghiên cứu, trao đổi

tapchitoaan.vn - TRẦN THỊ HOÀNG QUYÊN (Phòng giao dịch Nguyễn Trung Trực - VietinBank Chi nhánh Phú Quốc) - Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về điều chỉnh lãi, lãi suất khi có biến động thị trường, thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị.

Trước đây, pháp luật để trống khoảng thời gian tính lãi kể từ thời điểm Toà án cấp sơ thẩm tuyên án cho đến khi Toà án phúc thẩm tuyên án (trong trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị). Đây là một khoảng thời gian tương đối khá dài, bởi vì sau khi án sơ thẩm tuyên phải trải qua khoảng thời gian 30 ngày để chờ kháng cáo hoặc kháng nghị, cộng với thời gian chuyển hồ sơ vụ án lên cấp phúc thẩm (khoảng 05 ngày làm việc), thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm (tối đa 02 tháng), thời gian hoãn phiên tòa hoặc ngừng phiên toà (tối đa 30 ngày) và chưa kể đến trường hợp phải chờ thời gian tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm (không có thời hạn ấn định mà phụ thuộc vào kết quả trả lời của các cơ quan có liên quan)[1]. Do đó, khoảng thời gian này sẽ gây thiệt hại đáng kể cho các ngân hàng và tổ chức tín dụng đối với khoản vay đang có lãi nhưng không được tính lãi.

Đến ngày 17/10/2016, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua Án lệ số 08/2016/AL về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm và được Chánh án TANDTC công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016. Theo đó, Án lệ số 08/2016/AL đã đưa ra tình huống án lệ như sau: “Trong hợp đồng tín dụng, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, gồm: Lãi suất cho vay trong hạn, lãi suất nợ quá hạn, việc điều chỉnh lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay mà đến thời điểm xét xử sơ thẩm khách hàng vay chưa thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền nợ gốc, lãi theo hợp đồng tín dụng”. Và giải pháp pháp lý để giải quyết tình huống án lệ như sau: “Trường hợp này, khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán cho ngân hàng, tổ chức tín dụng khoản tiền nợ gốc chưa thanh toán, tiền lãi trên nợ gốc trong hạn (nếu có), lãi nợ quá hạn của số tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay”.

Có thể nhận thấy, Án lệ số 08/2016/AL đã cụ thể hóa cách tính lãi suất khi có biến động trên thị trường, được các bên thỏa thuận, ghi trong hợp đồng tín dụng. Giải pháp pháp lý được án lệ đưa ra là “… các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay theo từng thời kỳ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay thì lãi suất mà khách hàng vay phải tiếp tục thanh toán theo quyết định của Tòa án cũng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay”. Như vậy, án lệ đã khắc phục sự bất hợp lý trước đây khi có sự điều chỉnh thống nhất về mức lãi suất liên tục từ thời điểm giao kết hợp đồng cho đến khi thực hiện xong nghĩa vụ trong hợp đồng mà không có sự thay đổi phụ thuộc vào thời điểm xét xử sơ thẩm của Tòa án. Tác giả cho rằng, giải pháp này phù hợp với quy định của pháp luật về thỏa thuận lãi suất, phù hợp với nghiệp vụ và thông lệ khi cho vay. Bên cạnh đó, án lệ đề cập việc điều chỉnh lãi suất của ngân hàng khi cho vay là phù hợp công tác quản trị rủi ro lãi suất, nhưng sẽ khó thực hiện nếu lãi suất thay đổi liên tục trong một kỳ hạn vay.

Tuy nhiên, án lệ cũng bộc lộ sự hạn chế trong việc giới hạn quan hệ áp dụng là quan hệ hợp đồng tín dụng giữa một bên chủ thể là tổ chức tín dụng và một bên chủ thể là khách hàng, còn quan hệ vay tài sản có thỏa thuận lãi giữa các cá nhân với nhau thì không thuộc trường hợp áp dụng án lệ.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng”, thì: “Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thoả thuận nguyên tắc và các yếu tố xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất”. Quy định này nêu lên nguyên tắc áp dụng lãi suất thấp nhất, có lợi cho bên vay nếu lãi suất điều chỉnh sẽ dẫn đến nhiều mức lãi suất cho vay khác nhau.

Theo phát biểu của Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định cách tính lãi suất điều chỉnh có lợi cho bên vay. Theo đó, “Ngân hàng phải lấy mức lãi suất thấp nhất của kỳ hạn 12 tháng để làm cơ sở xác định lãi suất của kỳ điều chỉnh”.[2] Qua phát biểu này cho thấy, ngành ngân hàng cũng đã nhìn nhận được sự bất hợp lý về lãi suất điều chỉnh. Tuy vậy, với các tiêu chí do tổ chức tín dụng đặt ra dựa theo tiền gửi tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ được tính trên tỷ lệ phần trăm/năm. Trong khi đó, vận dụng quy định lãi suất về tiền gửi tiết kiệm theo pháp luật vẫn chưa rõ ràng, nên khó có thể xác định mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất để ấn định lãi suất cho vay của kỳ điều chỉnh.

Đến ngày 11/01/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP “Hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm” và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2019. Theo đó, tại Điều 10 quy định về điều chỉnh lãi, lãi suất như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi, lãi suất cho vay thì lãi, lãi suất cho vay được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi, lãi suất có hiệu lực tại thời điểm điều chỉnh lãi, lãi suất”. Như vậy, có thể nhận thấy quy định này mang tính nguyên tắc. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá phức tạp, còn nhiều vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn giao kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Nguyên nhân là do các Toà án khó thu thập đầy đủ, khách quan các chứng cứ pháp lý theo đúng các tiêu chí đề ra để điều chỉnh lãi suất như các điều khoản và điều kiện của hợp đồng cho vay có nêu. Đặc biệt, các chính sách tín dụng hiện nay cho vay có thay đổi tương đối căn bản theo hướng tự do hoá lãi suất, các tổ chức tín dụng tự quyết định điều chỉnh lãi suất.

Tóm lại, lãi suất trong quan hệ hợp đồng cho vay thể hiện rõ nét nhất quyền tự do của các chủ thể khi tham gia xác lập hợp đồng. Điều này xuất phát từ những biến động của nền kinh tế, rủi ro lãi suất vẫn được các tổ chức tín dụng quan tâm và chủ động thiết kế các tiêu chí thực thi. Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tác giả cho rằng, trong thời gian tới cần có cơ chế pháp lý vận dụng thống nhất, đúng với quy luật vận động của thị trường, thực hiện đúng mục tiêu của các nhà làm luật đặt ra theo hướng bảo đảm lợi ích chung của các bên khi tham gia quan hệ này. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có văn bản hướng dẫn đặt ra các tiêu chí cụ thể để điều chỉnh lãi, lãi suất và bổ sung quy định điều chỉnh lãi suất biến động trong quan hệ hợp đồng tín dụng (ngân hàng).

Lãi suất trong quan hệ hợp đồng cho vay thể hiện rõ nét nhất quyền tự do của các chủ thể- Ảnh: TL


[1] Được quy định tại các điều 273, 280, 283, 286, 288 và 296 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Trích phát biểu của ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, “Người đi vay được lợi hơn” đăng trên Báo tuổi trẻ ngày 18/3/2017, số 69/2017 (8608), tr. 7.

Tin mới