Thứ Ba, 10/09/2024
BVPL - Trong vụ án hình sự, vật chứng là một trong những chứng cứ quan trọng để chứng minh hành vi phạm tội và làm sáng tỏ thêm các tình tiết của vụ án. Việc xử lý vật chứng như nào cho đúng quy định và đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên có liên quan là một vấn đề quan trọng trong quá trình xét xử.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các quan hệ xã hội ngày càng mở rộng và đa dạng hơn, dẫn đến việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự cũng trở lên phức tạp hơn. Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 về xử lý vật chứng còn chưa cụ thể dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn mang tính tùy nghi, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương. Quá trình nghiên cứu, cũng như từ thực tiễn xét xử việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự nhận thấy còn gặp một số khó khăn vướng mắc như sau:
Theo điểm a, khoản 2, Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội… thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước. Trong thực tiễn, có những trường hợp bị cáo dùng tài sản đã thế chấp hợp pháp làm phương tiện phạm tội thì việc xử lý vật chứng trong trường hợp này thực hiện thế nào cho đúng và đảm bảo được quyền lợi của các bên?
VD: Ngày 21/3/2023, Nguyễn Văn A điều khiển xe ô tô Toyota Corolla đến khu vực phường TC, TP P.L, tỉnh H.N mua 1kg ma túy loại heroin với mục đích về bán lại kiếm lời, trên đường đi về thì bị lực lượng công an bắt quả tang, thu giữ toàn bộ vật chứng cùng phương tiện phạm tội. Quá trình điều tra xác định chiếc xe ô tô Toyota Corolla là tài sản chung của vợ chồng A (Vợ A không biết A sử dụng chiếc ô tô này vào việc phạm tội), đã được A thế chấp bằng tiền vay tại Ngân hàng C với giá trị hợp đồng là 500 triệu đồng từ ngày 1/1/2023 và đã được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Quá trình giải quyết vụ án, có nhiều quan điểm khác nhau về việc xử lý vật chứng là chiếc xe ô tô nêu trên như sau:
Quan điểm thứ nhất: Xác định chiếc xe ô tô Toyota Corolla mà bị cáo sử dụng vào việc phạm tội là vật chứng của vụ án nên phải tịch thu vào ngân sách Nhà nước theo điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS. Và trên thực tế một số TAND cấp huyện đã tuyên tịch thu toàn bộ vật chứng sử dụng vào việc phạm tội sung ngân sách nhà nước mà không cần biết đó là tài sản chung của vợ chồng hay tài sản riêng của bị cáo.
Quan điểm thứ hai: Chiếc xe ô tô này là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng A, việc thế chấp chiếc xe ô tô tại Ngân hàng C không làm mất đi quyền sở hữu của A khi A dùng làm phương tiện phạm tội. Do vợ A không biết A dùng xe ô tô làm phương tiện phạm tội nên phải tuyên tịch thu ½ giá trị xe (phần của A) để sung vào ngân sách Nhà nước, trả lại cho vợ của A ½ giá trị xe ô tô tính tại thời điểm hoàn thành việc bán đấu giá. Còn quyền lợi của Ngân hàng C được giải quyết theo quy định về khởi kiện vụ án dân sự.
Quan điểm thứ ba: Chiếc xe ô tô này là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ chồng A nhưng đã được thế chấp hợp pháp tại Ngân hàng C. Do đó, áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 47 BLHS 2015; điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015 tịch thu xe ôtô, giao cho Ngân hàng C cùng với Cơ quan thi hành án bán đấu giá để thu hồi số tiền vay theo Hợp đồng thế chấp tài sản và tiền lãi. Do vợ A không biết A dùng xe ô tô này làm phương tiện phạm tội nên số tiền bán xe ôtô sau khi thanh toán tiền vay, lãi phát sinh và chi phí bán đấu giá còn lại (nếu còn) sẽ được chia đôi, trả cho vợ A ½ số tiền và tịch thu sung vào ngân sách nhà nước ½ số tiền (phần của sở hữu của A).
Để giải quyết vướng mắc này ngày 5/6/2023 VKSND tối cao đã có Văn bản số 2160/VKSTC-V14 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS, THTG và THAHS; trong đó tại tiết 1.1, mục 1, phần I về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS năm 2015 có hướng dẫn như sau:
“1.1. Theo quy định tại khoản 9 Điều 21 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật dân sự (BLDS) về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: “Trường hợp tài sản bảo đảm bị tiêu hủy, bị tổn thất toàn bộ hoặc bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được xác định là không còn tài sản bảo đảm…”. Và quy định tại khoản 3 Điều 49 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP nêu trên thì “Trường hợp BLDS, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó”. Như vậy, trường hợp bị can sử dụng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng vào việc phạm tội thì việc xử lý tài sản thực hiện theo quy định Điều 47 BLHS năm 2015, điểm a khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tức là bị tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy. Quyền lợi của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng được giải quyết theo quy định về khởi kiện vụ án dân sự”.
"1.2. Khoản 3 Điều 47 BLHS năm 2015 quy định: “Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu”. Do vậy, trường hợp phương tiện, công cụ phạm tội được hình thành từ nguồn vốn tài sản chung của vợ chồng thì tùy từng trường hợp, nếu xác định được vợ/chồng có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như biết rõ mà vẫn đồng ý hoặc cho phép) thì phương tiện, công cụ phạm tội đó có thể bị tịch thu toàn bộ; nếu xác định vợ/chồng không có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm (như không biết việc chồng/vợ sử dụng vào việc phạm tội sử dụng vào việc phạm tội) thì có thể không tịch thu phần giá trị tài sản thuộc sở hữu của vợ chồng.
Như vậy theo hướng dẫn tại văn bản số 2160 này thì vật chứng là chiếc xe ô tô nêu trên sẽ được xử lý theo quan điểm thứ 2. Tuy nhiên, nhận thấy việc hướng dẫn xử lý vật chứng theo quan điểm thứ 2 đảm bảo theo quy định của BLTTHS về xử lý vật chứng nhưng lại chưa đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của bên nhận đảm bảo (bên thứ 3 ngay tình), với lý do như sau:
Trong vụ án này, A đã sử dụng chiếc ô tô là tài sản chung của vợ chồng vào việc phạm tội nên phải gánh chịu các hậu quả về hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, A sử dụng chiếc ô tô làm phương tiện phạm tội ngoài phạm vi kiểm soát của Ngân hàng C và Ngân hàng C không có lỗi trong trường hợp này, vì vậy ngân hàng không thể là bên phải gánh chịu rủi ro mà mình đã phòng ngừa bằng biện pháp luật định. Nếu tịch thu chiếc xe ô tô của A để sung ngân sách Nhà nước sẽ đẩy các khoản nợ vay có tài sản bảo đảm hợp pháp của A tại Ngân hàng C trở thành các khoản nợ không có tài sản bảo đảm; ngân hàng sẽ phải gánh chịu rủi ro vốn. Chưa kể đến trong trường hợp nếu A bị Tòa án tuyên tử hình và chiếc ô tô này là tài sản riêng của A thì Ngân hàng C sẽ khởi kiện ai để đòi lại quyền lợi của mình đối với số tiền cho vay có thế chấp, trong khi Ngân hàng đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật?
Do đó, quan điểm cá nhân hướng theo quan điểm thứ 3, nghĩa là nếu vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản đang dùng để đảm bảo (được thực hiện đúng quy định của pháp luật) thì khi xử lý vật chứng phải giao cho bên nhận tài sản đảm bảo cùng với Cơ quan thi hành án bán đấu giá để thu hồi số tiền vay theo hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo. Nếu là tài sản chung của vợ chồng (vợ hoặc chồng không có lỗi trong việc sử dụng tài sản vào việc phạm tội) thì sau khi thanh toán hết số tiền vay bảo đảm, số còn lại được chia đôi, trả cho vợ/chồng ½ số tiền và tịch thu ½ số tiển còn lại sung vào ngân sách Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của bên thứ 3 ngay tình và cũng là phù hợp với quy định của BLDS về tài sản chung của vợ chồng và phù hợp với tinh thần tại Điều 14, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết số 63/2022/QH15) về Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự “Sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu”.
Trên đây là những cách hiểu và quan điểm cá nhân, vấn đề đặt ra là xử lý vật chứng trong trường hợp này như nào cần được hướng dẫn cụ thể để vừa đảm bảo đúng quy định của BLTTHS và vừa đảm bảo quyền lợi của các chủ thể có liên quan. Có thể thấy, BLTTHS năm 2015 đã đi vào thực tiễn nhưng những vướng mắc bất cập về xử lý vật chứng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc cùng một vấn đề nhưng cách hiểu và thực hiện ở các địa phương không thống nhất. Chính vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương cần có sự thống nhất và có văn bản hướng dẫn chung trong việc xử lý vật chứng là tài sản đã được đăng ký giao dịch bảo đảm sao cho thấu đáo, hợp lý, bảo đảm được tính công bằng về quyền và lợi ích chính đáng của các bên có liên quan.