Thứ Bảy, 14/09/2024
KIEMSAT.VN - Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 đã quy định về việc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, trong thực tiễn khi các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra việc khám nghiệm hiện trường còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, vướng mắc.
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quy định tại khoản 1 Điều 35 BLTTHS năm 2015, gồm: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Công an nhân dân và Quân đội nhân dân theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
Theo điểm a khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 thì các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đây là quy định mới so với quy định của BLTTHS năm 2003 nhằm khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm tố tụng của các cơ quan này trong quá trình tố tụng giải quyết vụ án. Đồng thời, quy định này còn là cơ sở pháp lý cho việc xác định quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong những điều luật liên quan khác của Bộ luật này.
Trong quá trình tiến hành một số hoạt động điều tra thì cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có quyền tiến hành khám nghiệm hiện trường; tuy nhiên nội dung này lại chưa được quy định cụ thể trong BLTTHS; dẫn đến việc tiến hành khám nghiệm hiện trường của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra còn hạn chế, lúng túng trong thực tiễn.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 39 và điểm c khoản 2 Điều 40 của BLTTHS năm 2015 thì cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc khám nghiệm hiện trường; tại điểm d khoản 4 Điều 39, điểm d khoản 3 Điều 40 quy định người tiến hành khám nghiệm hiện trường là cán bộ điều tra của các cơ quan này. Như vậy, đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì trong trường hợp tổ chức, tiến hành khám nghiệm hiện trường thì cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan đó là người chủ trì khám nghiệm, cán bộ điều tra của cơ quan đó (được phân công) là người tiến hành khám nghiệm.
Khoản 1, khoản 2 Điều 201 BLTTHS năm 2015 quy định về khám nghiệm hiện trường như sau:
“1. Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án;
2. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường.
Khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.”
Như vậy, theo quy định tại Điều 201 BLTTHS thì việc khám nghiệm hiện trường phải do Điều tra viên chủ trì tiến hành, không có quy định cụ thể về việc tiến hành khám nghiệm hiện trường của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Do vậy, chưa bảo đảm cơ sở pháp lý để các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành hoạt động khám nghiệm hiện trường.
Do BLTTHS chưa quy định rõ ràng nên khi cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện khám nghiệm hiện trường còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn. Chúng ta cùng xem xét một ví dụ cụ thể như sau:
Vụ án huỷ hoại rừng xảy ra tại thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang: Trong giai đoạn kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm hủy hoại 5.000m2 rừng phòng hộ tại Lô 44, khoảnh 651B, thuộc thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa (cơ quan thụ lý giải quyết nguồn tin) tổ chức khám nghiệm hiện trường và mời Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa phối hợp tiến hành khám nghiệm, nhưng trong Biên bản khám nghiệm hiện trường lại thể hiện Điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa đứng tên chủ trì việc khám nghiệm hiện trường.
Hiện có 02 quan điểm khác nhau về nội dung này:
Quan điểm thứ 1: Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa trong quá trình kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm nêu trên, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường làm văn bản mời Điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa tham gia chủ trì việc khám nghiệm, Cán bộ điều tra Hạt kiểm lâm phối hợp cùng khám nghiệm hiện trường.
Quan điểm thứ 2: Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa làm văn bản mời Điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa phối hợp khám nghiệm hiện trường nhưng người chủ trì việc khám nghiệm là Hạt trưởng hoặc Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, Điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa chỉ phối hợp với tư cách là người có chuyên môn tham gia việc khám nghiệm hiện trường.
Tác giả nhất trí với quan điểm thứ 2, đó là người chủ trì việc khám nghiệm là Hạt trưởng hoặc Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, vì: Căn cứ khoản 2 Điều 39 BLTTHS thì khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa có quyền trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc khám nghiệm hiện trường.
Bên cạnh đó, vụ việc do Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa đang tiến hành kiểm tra xác minh giải quyết nguồn tin nên Điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa chỉ làm nhiệm vụ phối hợp để tiến hành khám nghiệm hiện trường, không phải người được phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm; do vậy, việc Điều tra viên đứng tên là người chủ trì khi tiến hành khám nghiệm hiện trường là không hợp lý.
Đồng thời, tác giả cũng đề xuất khắc phục những vướng mắc nêu trên bằng việc đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 201 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Việc khám nghiệm hiện trường do Điều tra viên hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chủ trì, nhằm đảm bảo giá trị chứng minh của tài liệu điều tra đối với trường hợp Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khác khám nghiệm hiện trường, do trong các cơ quan này không có chức danh Điều tra viên.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp.
Tác giả nhất trí với quan điểm thứ 2, đó là người chủ trì việc khám nghiệm là Hạt trưởng hoặc Hạt phó Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa, vì: Căn cứ khoản 2 Điều 39 BLTTHS thì khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa có quyền trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc khám nghiệm hiện trường.
Bên cạnh đó, vụ việc do Hạt kiểm lâm huyện Chiêm Hóa đang tiến hành kiểm tra xác minh giải quyết nguồn tin nên Điều tra viên của Cơ quan CSĐT Công an huyện Chiêm Hóa chỉ làm nhiệm vụ phối hợp để tiến hành khám nghiệm hiện trường, không phải người được phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm; do vậy, việc Điều tra viên đứng tên là người chủ trì khi tiến hành khám nghiệm hiện trường là không hợp lý.
Đồng thời, tác giả cũng đề xuất khắc phục những vướng mắc nêu trên bằng việc đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 201 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Việc khám nghiệm hiện trường do Điều tra viên hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chủ trì, nhằm đảm bảo giá trị chứng minh của tài liệu điều tra đối với trường hợp Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khác khám nghiệm hiện trường, do trong các cơ quan này không có chức danh Điều tra viên.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi cùng bạn đọc và đồng nghiệp.