Thứ Ba, 10/09/2024
Quy định của pháp luật
Tại Điều 254 Bộ luật Hình sự 2015 quy định Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy như sau:
“1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Có số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
e) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.
So với quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 254 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm hai tình tiết định tội ở cấu thành cơ bản là:
“a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại”.
Và bổ sung hai tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 là:
“đ) Có số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên;
g) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội”.
Việc sửa đổi, bổ sung nêu trên giúp cho việc áp dụng pháp luật thống nhất và dễ hiểu, những tình tiết mang tính định tính đã được thay thế bằng các tình tiết mang tính định lượng cụ thể, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, thực tế xét xử thời gian qua, cho thấy vẫn còn có vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng tội phạm này.
Điều luật quy định 04 tội ghép gồm:
- Tội sản xuất phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
- Tội tàng trữ phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
- Tội vận chuyển phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy;
- Tội mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
Phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy có thể hiểu là những vật được sản xuất ra với chức năng chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, hoặc sản xuất ra với mục đích khác, nhưng đã sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
Vướng mắc khi áp dụng và đề xuất hoàn thiện
Theo quy định của điều luật, khi truy cứu trách nhiệm hình sự cần lưu ý, đối với người lần đầu có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải bị xử lý hành chính. Đối với trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán từ 05 đơn vị đến 18 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải bị xử lý hành chính. Tuy nhiên, việc xác định hành vi phạm tội đối với tội phạm này cũng còn vướng mắc, cụ thể như:
Thứ nhất, chưa có quy định cụ thể dụng cụ, phương tiện nào là dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, thông thường những dụng cụ này lại rất gần với cuộc sống hàng ngày như xi lanh tiêm, nước cất, bật lửa, giấy bạc... nhưng đây cũng là những phương tiện, dụng cụ để người nghiện ma túy dùng để đưa chất ma túy vào người. Trong trường hợp, một người bán ma túy cho người khác rồi lại cung cấp xi lanh nước cất cho người đó sử dụng trái phép chất ma túy, thì người bán ma túy sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Chính vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại Điều 254 BLHS rất khó phân biệt về mặt chủ quan là có phải người đó tàng trữ các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Thứ hai, điểm b khoản 1 Điều 254 BLHS quy định tình tiết định tội là “b) Có số lượng từ 06 đơn vị đến 19 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại” và tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 254 BLHS là “đ) Có số lượng 20 đơn vị dụng cụ, phương tiện cùng loại hoặc khác loại trở lên”. Nhưng hiểu thế nào là một đơn vị dụng cụ, phương tiện để xác định mức định lượng để định tội và định khung hình phạt là vấn đề còn khó xác định. Ví dụ như, để sử dụng ma túy tổng hợp như Methamphetamine, các đối tượng nghiện ma túy thường dùng các dụng cụ, phương tiện gồm “cóng”, bình nhựa, ống hút, bật lửa... nếu thiếu một trong những vật dụng nêu trên thì không thể sử dụng được ma túy. Thông thường, để có thể sử dụng được chất ma túy, người sử dụng ma túy thường sử dụng 1 chai nhựa đựng nước có nắp kín, trên nắp có khoan 02 lỗ nhỏ để bỏ 01 “cóng” và 01 ống hút nhựa. Nếu chỉ riêng chiếc “cóng” thì người sử dụng ma túy chưa thể dùng để sử dụng chất ma túy mà cần phải kết hợp với một số vật dụng khác tạo nên “bộ dụng cụ”. Điều 254 BLHS 2015 xác định là “đơn vị dụng cụ, phương tiện”, cần hiểu 01 “đơn vị” tương tương “01 bộ dụng cụ”. Như vậy, từng chiếc “cóng” riêng lẻ chưa được xác định là “01 đơn vị dụng cụ, phương tiện”. Bởi lẽ, nếu tính rời từng phụ kiện lại khó chứng minh là những dụng cụ phương tiện này dùng để sử dụng trái phép chất ma túy như bật lửa, bình nhựa, ống nhựa.
Trên đây là vấn đề vướng mắc chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn gặp khó khăn khi áp dụng, do đó cần có quy định, hướng dẫn để thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Ảnh minh họa: Phiên tòa xét xử cấp sơ thẩm
Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Văn Việt ( Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương)