Thứ Hai, 09/12/2024
KIEMSAT.VN - Ngày 21/11/2024, VKSND tối cao tổ chức cuộc họp Ủy ban kiểm sát mở rộng cho ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Trường chỉ đạo cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Nguyễn Duy Giảng; Nguyễn Quang Dũng; Trung tướng Tạ Quang Khải, Viện trưởng VKSQS Trung ương; Hồ Đức Anh; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao.
Ngày 30/9/2024, Ủy ban Kiểm sát VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-UBKS về việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Cơ sở mới Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Nghị quyết nêu rõ: “Thống nhất đầu tư xây dựng cơ sở mới Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội với diện tích 13,2 ha. Việc đầu tư xây dựng cơ sở mới phải đảm bảo đồng bộ, hiện đại và phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của Ngành và của xã hội".
Trên cơ sở đó, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã dự thảo “Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" để xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện trên cơ sở phát huy truyền thống, những kết quả, thành tựu đã đạt được trong suốt hơn 50 năm qua, đặt trong bối cảnh tình hình, thời cơ và thách thức mới.
Chiến lược phát triển Trường được xây dựng dựa trên các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục, đào tạo và chiến lược phát triển nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát nhân dân, phù hợp với xu hướng giáo dục, đào tạo pháp luật trong khu vực và quốc tế, với các điều kiện, yêu cầu mới, nhằm xây dựng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trở thành cơ sở đào tạo trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng cán bộ kiểm sát có uy tín cao trong lĩnh vực pháp luật. Đây là những nội dung lớn, mang tầm Chiến lược có tính định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Chiến lược xác định 05 mục tiêu cụ thể, gồm: Mục tiêu 1 đào tạo, bồi dưỡng; mục tiêu 2 nghiên cứu khoa học; mục tiêu 3 tổ chức và hoạt động; mục tiêu 4 cơ sở vật chất, tài chính; mục tiêu 5 hợp tác phát triển, kết nối, phục vụ cộng đồng, truyền thông.
Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến về dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm các nội dung cơ bản như: Bối cảnh, tình hình; sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục, phương châm hành động; quan điểm phát triển...
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến nhất trí thông qua dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh đó, yêu cầu Đảng uỷ lãnh đạo, Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội giám sát, Ban Giám hiệu thực hiện, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược, bảo đảm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đã được đề ra; Hiệu trưởng thành lập Ban chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược; các đơn vị trong Trường trên cơ sở kế hoạch, nhiệm vụ chung của Trường và chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ và tổ chức thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra
Đồng thời, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cần nghiên cứu, xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nội dung lớn trong Chiến lược đã đề ra. Yêu cầu Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đồng chí thành viên Ủy ban kiểm sát; lãnh đạo các đơn vị, qua đó đề ra các mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới. Khẳng định giá trị, vị thế, uy tín của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát và cho xã hội.
Một số hình ảnh các đại biểu phát biểu tại cuộc họp:
"Dự thảo Chiến lược xác định 07 nhiệm vụ và giải pháp lớn để thực hiện:
1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ, nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh tổng hợp của Trường.
2. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học.
3. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện bồi dưỡng công chức, viên chức, người lao động.
4. Đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học.
5. Đổi mới, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của Trường, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.
6. Hiện đại hoá, quản lý khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất và tự chủ về tài chính.
7. Hợp tác phát triển, tăng cường kết nối, phục vụ cộng đồng và đẩy mạnh truyền thông về Trường."
Thanh Lâm