Thứ Ba, 10/09/2024

VKSND Thành phố tổ chức Hội nghị Chuyên đề trong việc thực hiện Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND Thành phố gắn với việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Thực hiện Kế hoạch số 3065/KH-VKS-BCĐ ngày 09/8/2024 của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố), sáng ngày 13/8/2024, VKSND Thành phố đã tổ chức Hội nghị Chuyên đề “Rà soát đánh giá và rút kinh nghiệm việc thực hiện Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của VKSND Thành phố gắn với việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu VKSND Thành phố kết hợp trực tuyến đến 22 điểm cầu VKSND quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Dự và chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu VKSND Thành phố có đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND Thành phố và toàn thể công chức, người lao động VKSND Thành phố. Tại điểm cầu VKSND quận, huyện, thành phố Thủ Đức có các đồng chí Viện trưởng, Phó Viện trưởng, công chức, người lao động của mỗi đơn vị.

Các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND Thành phố tham dự Hội nghị
Công chức, người lao động tại điểm cầu VKSND Thành phố

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Lê Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát Thành phố báo cáo tóm tắt những quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực trạng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát Thành phố và một số giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của công chức, người lao động trong việc thực hiện Quy chế dân chủ trong ngành Kiểm sát Thành phố.

Đồng chí Lê Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ trình bày chuyên đề Hội nghị

Hội nghị cũng nghe báo cáo tham luận của các đơn vị: Phòng 8, Phòng 10 VKSND Thành phố; các VKSND: Quận 11, Quận 12, Bình Tân và huyện Hóc Môn. Nội dung các tham luận tập trung vào việc nêu lên thực trạng thực hiện Quy chế dân chủ tại đơn vị mình; đồng thời đề ra nhiều giải pháp thiết thực trong việc phát huy và nâng cao trách nhiệm của công chức, người lao động trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian tới.

Tham luận của đồng chí Trần Vi Hải, Trưởng phòng 8 VKSND Thành phố tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Minh, Viện trưởng VKSND Quận 12 tham luận Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố đề nghị Thanh tra VKSND Thành phố sớm tham mưu Lãnh đạo Viện ban hành Quy chế mới phù hợp với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2023 và yêu cầu các đơn vị trong ngành Kiểm sát Thành phố chú ý thực hiện việc kiện toàn Tổ Chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ khi có thay đổi về nhân sự của đơn vị; thường xuyên quan tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi công chức, người lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cở sở; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Viện trưởng Viện kiểm sát các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND Thành phố cần tổ chức thực hiện nghiêm dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị và của địa phương, đồng thời phải xem đây là một trong những tiêu chí để xem xét, đánh giá và xếp loại thi đua hàng năm.

Đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Thông qua Hội nghị Chuyên đề đã nêu bật được tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong việc phát huy quyền làm chủ của công chức, người lao động, tạo điều kiện để công chức, người lao đông được tiếp nhận đầy đủ các thông tin và thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề theo qui định của Hiến pháp và pháp luật. Mặt khác, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ công chức, người lao động ngành Kiểm sát Thành phố có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của Ngành; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu Nhân dân, đúng với phương châm xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”./.

Trương Hùng Cường - Thanh tra

Tin mới