Thứ Ba, 10/09/2024
Thực hiện Kế hoạch số 374-KH/TU ngày 24/7/2024 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sáng ngày 08/8/2024, Thành ủy Thành phố đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị 272 kết hợp trực tuyến đến điểm cầu các cơ quan, ban ngành Thành phố.
Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố) có đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố; đồng chí Huỳnh Thị Ngọc Hoa, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố; đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng VKSND Thành phố. Cùng dự còn có các đồng chí là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương và toàn thể Đảng viên thuộc Đảng bộ VKSND Thành phố.
Luật Căn cước gồm 07 chương, 46 điều quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Trong đó có 10 điểm mới như: Chính thức đổi tên thẻ căn cước công dân (CCCD) sang thẻ căn cước và bỏ thông tin quê quán, vân tay trên thẻ căn cước; cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi từ 01/7/2024 theo nhu cầu; người dân đang sử dụng thẻ CCCD thì vẫn tiếp tục sử dụng cho đến khi hết hạn sẽ đổi sang mẫu mới…
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Luật số 30) được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, vững chắc, toàn diện cho việc xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, góp phần kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở. Theo đó, Luật này đã quy định cụ thể về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, gồm những nhiệm vụ lớn: nhiệm vụ hỗ trợ nắm tình hình về an ninh, trật tự được quy định tại Điều 7; nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo Điều 8; nhiệm vụ hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo Điều 9; nhiệm vụ hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội theo Điều 10; nhiệm vụ hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở theo Điều 11; nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động theo Điều 12./.
Tin bài: Kiều Vân