Thứ Hai, 09/12/2024
Trong những năm qua, công tác phòng, chống ma túy luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và tìm mọi biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống ma túy, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong đó đã đề ra nhiệm vụ: “Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trước hết là người đứng đầu phải nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” đồng thời “Có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với người nghiện ma túy, không để phát sinh tội phạm”.
Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 04/6/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Chương trình hành động số 38-CTr/TU để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ Thành phố đến cơ sở phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị. Ngày 26/9/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong đó có giải pháp: “Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa, giảm hại, xác định đây là nhiệm vụ và giải pháp chiến lược, lâu dài trong công tác phòng, chống ma túy…”.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố) đã rất chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm sát chặt chẽ hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Qua công tác kiểm sát, VKSND Thành phố nhận thấy: hầu hết các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng, kịp thời trong việc thẩm định hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, góp phần quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy trên địa bàn. Tuy nhiên, một số Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện vẫn còn thiếu sót và hạn chế trong công tác này mà phổ biến là việc rút đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không phù hợp với quy định pháp luật dẫn đến Tòa án nhân dân cấp huyện đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đối với trường hợp người bị đề nghị có khiếu nại, tại phiên họp phúc thẩm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị thì Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Việc thiếu sót, hạn chế này của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện dẫn đến đối tượng nghiện ma túy đủ điều kiện áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng lại không được đưa vào cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Vì vậy, ngày 28/10/2024, VKSND Thành phố đã kiến nghị đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đối với những hạn chế, thiếu sót của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện để có sự chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời. Kiến nghị phòng ngừa của VKSND Thành phố tập trung vào 02 nội dung:
Thứ nhất, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị khi trong hồ sơ chưa có đăng ký cai nghiện tự nguyện của người nghiện ma túy:
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung vào các năm 2014, 2017, 2020, 2022; điểm c khoản 5 Điều 27, khoản 1 Điều 32 và khoản 1 Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; khoản 1 Điều 28 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy thì: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên (sau đây gọi tắt là người nghiện ma túy) phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện hoặc đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Trường hợp, người không có nơi cư trú ổn định thì đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, theo quy định trên, điều kiện tiên quyết để được áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện là người nghiện ma túy phải đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện mà không phụ thuộc vào việc người đó có hay không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế, trong một số trường hợp, khi người bị đề nghị đã được Tòa án nhân dân cấp huyện ban hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau đó, người bị đề nghị khiếu nại vì cho rằng mình có nơi cư trú ổn định, thuộc trường hợp không phải cai nghiện bắt buộc. Tại phiên họp phúc thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giải quyết khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện, một số Phòng lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện đã rút đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị đề nghị với lý do có đăng ký tạm trú và thường xuyên sinh sống tại địa phương theo xác nhận của Công an xã.
Do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị nên Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 16, khoản 6 Điều 36 Pháp lệnh số 03/2022/UBTVQH15 ngày 13/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (Pháp lệnh số 03/2022) để ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại: hủy Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện; đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người bị đề nghị.
Tại kiến nghị phòng ngừa, VKSND Thành phố xác định trong trường hợp này, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị khi người nghiện ma túy không có Bản đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện là chưa đủ điều kiện để được áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện theo quy định.
Thứ hai, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị khi trong hồ sơ có đăng ký cai nghiện tự nguyện nhưng không do người nghiện ma túy ký đơn, đơn không điền đầy đủ thông tin theo mẫu và đăng ký quá thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền:
Căn cứ quy định tại điểm c khoản 5 Điều 27, khoản 1 Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; khoản 1, khoản 4 Điều 28 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy thì đối với người bị đề nghị từ đủ người từ đủ 18 tuổi trở lên phải trực tiếp đăng ký cai nghiện tự nguyện và đăng ký thông tin theo Mẫu số 22, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Đồng thời, đăng ký cai nghiện tự nguyện phải trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, trên thực tế có một số trường hợp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị do người bị đề nghị có kết quả xác minh của Công an cấp xã xác nhận họ có nơi cư trú ổn định và Bản đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện nhưng Bản đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện này lại không do người nghiện ma túy trực tiếp đăng ký (người nghiện đã đủ 18 tuổi trở lên); không có xác nhận của cán bộ tiếp nhận và cũng không đăng ký trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xác định nghiện ma túy của cơ quan có thẩm quyền là không hợp lệ, chưa thực hiện đúng quy định pháp luật.
Tương tự như trường hợp trên, do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị nên Tòa án nhân dân cấp huyện căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 16 Pháp lệnh số 03/2022 để ban hành Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bị đề nghị; trường hợp người bị đề nghị đã khiếu nại mà tại phiên họp phúc thẩm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị thì Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 16, khoản 6 Điều 36 Pháp lệnh số 03/2022 để ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại: hủy Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Tòa án nhân dân cấp huyện; đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người bị đề nghị.
Việc một số Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện rút đề nghị khi người nghiện ma túy không có đăng ký cai nghiện tự nguyện sẽ dẫn đến tình trạng không cá nhân, tổ chức nào quản lý những đối tượng nghiện (theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ: đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định thì đăng ký tại UBND cấp xã nơi người đó cư trú, đối với người không có nơi cư trú ổn định thì đăng ký tại UBND cấp xã nơi người đó có hành vi vi phạm pháp luật và thực hiện việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền), điều này có khả năng làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm và tệ nạn trong cộng đồng do người nghiện ma túy gây ra, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội tại địa phương nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung. Bên cạnh đó, việc rút đề nghị khi Bản đăng ký cai nghiện ma túy tự nguyện không do người nghiện ma túy ký, không có chữ ký của cán bộ tiếp nhận và vi phạm thời gian đăng ký còn làm cho việc áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các địa phương và làm giảm tính nghiêm minh của các cơ quan tư pháp (Tòa án, Viện kiểm sát) khi biết rằng việc rút đề nghị là chưa phù hợp với quy định pháp luật nhưng vẫn phải chấp nhận.
Đến thời điểm hiện nay, pháp luật chưa quy định trường hợp: nếu cơ quan đề nghị rút đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không có căn cứ pháp luật thì Tòa án có quyền không chấp nhận việc rút đề nghị này hoặc Viện kiểm sát có quyền kiến nghị đối với vi phạm này. Do đó, đối với các trường hợp trên, mặc dù việc rút đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện là không đúng quy định của pháp luật nhưng Tòa án vẫn phải ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (cấp sơ thẩm); quyết định hủy, đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (cấp phúc thẩm) và Viện kiểm sát không thể kiến nghị.
Để đảm bảo mọi hoạt động tố tụng diễn ra đúng quy định pháp luật trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án nhân dân cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong phòng, chống ma túy, căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 4 Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ; khoản 18 và khoản 21 Điều 2, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 11/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/9/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, VKSND Thành phố đã kiến nghị đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh có biện pháp chỉ đạo các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực hiện nghiêm túc, lập hồ sơ chặt chẽ, rút đề nghị xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo đúng quy định pháp luật, tránh lặp lại các hạn chế, thiếu sót tương tự trong thời gian tới./.
Thuận Hòa - Kiểm sát viên trung cấp Phòng 10