Thứ Bảy, 22/03/2025
Dịch Covid 19 đi qua đã gây ra những hậu quả nặng nề về con người và nền kinh tế - xã hội của đất nước ta. Bên cạnh những thiệt hại đã hiện hữu, qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại trên địa bàn quận, Viện kiểm sát nhân dân Quận 8 nhận thấy, trong những năm gần đây xuất hiện một số loại tranh chấp có số lượng tăng đột biến. Trong đó, phải kể đến tranh chấp Hợp đồng mua bán điện giữa công ty cung cấp điện với cá nhân và doanh nghiệp là các đối tượng sử dụng điện trên địa bàn quận. Nhằm hạn chế các tranh chấp phát sinh, Viện kiểm sát nhân dân Quận 8 đã gửi kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong hợp đồng mua bán điện đến Chủ tịch UBND Quận 8.
Trong thời gian từ năm 2020 đến 2022, Viện kiểm sát nhân dân Quận 8 kiểm sát việc thụ lý và giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 8 đối với 68 vụ án tranh chấp dân sự và 12 vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng mua bán điện giữa Công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh với người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn Quận 8. Số lượng tranh chấp này tăng gần 70% so với giai đoạn từ năm 2020 trở về trước và dự báo sẽ tăng trong các năm tới khi công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai việc ký hợp đồng mua bán điện qua hình thức điện tử với 100% khách hàng sử dụng điện.
Nguyên nhân của các tranh chấp này xuất phát đa phần từ việc người dân và các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền điện đã sử dụng, vi phạm thỏa thuận tại các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa các bên. Cụ thể, tại hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt hoặc mục đích kinh doanh giữa Công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và người dân, doanh nghiệp đều có thỏa thuận: “Bên B (bên mua điện) có trách nhiệm thanh toán đầy đủ cho bên A (bên bán điện) các khoản nợ tiền điện, chi phí phát sinh liên quan đến các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng mua bán đã ký”. Việc vi phạm nghĩa vụ thanh toán trên của người dân và các doanh nghiệp đã vi phạm quy định tại điều 430, Điều 440 Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 46 Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi năm 2012) về quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện và Nghị định 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nhiều người dân chuyển về quê sinh sống, các doanh nghiệp bỏ trống địa điểm kinh doanh, sản xuất mà không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền điện đã sử dụng. Mặc dù phía nhà cung cấp điện đã nhiều lần thông báo nhắc nhở việc thanh toán tiền điện nhưng khách hàng sử dụng điện vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều này dẫn tới buộc Công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh phải khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận 8 để giải quyết tranh chấp với số lượng tăng đột biến như số liệu ở trên.
Điển hình một số vụ việc như sau:
- Vụ án dân sự sơ thẩm “Tranh chấp hợp đồng mua bán điện” do Tòa án nhân dân Quận 8 giải quyết theo Thông báo thụ lý số 52/2022/TLST-DS ngày 22/02/2022, giữa nguyên đơn: Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và bị đơn ông Lê Việt T, cư ngụ tại Phường 16, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông T ký hợp đồng mua bán điện số 18/010029 ngày 05/8/2018 với Tổng công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh. Từ ngày 05/11/2020 đến ngày 04/5/2021, ông T còn nợ tiền điện 3.828.956 đồng, phí cắt điện là 107.800 đồng, tổng cộng 3.936.756 đồng.
Bản án số 277/2022/DS-ST ngày 07/7/2022 của Tòa án nhân dân Quận 8 đã tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh TNHH; buộc ông Lê Việt T thanh toán số tiền 3.828.956 đồng cho Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật; án phí dân sự 300.000 đồng ông Lê Việt T chịu, nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự có thẩm quyền. Ngoài ra, bản án còn tuyên nghĩa vụ trả lãi suất đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự trong trường hợp kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu mà người phải thi hành án là ông T không thực hiện việc trả tiền.
- Vụ án KDTM sơ thẩm “Tranh chấp hợp đồng mua bán điện” do Tòa án nhân dân Quận 8 giải quyết theo Thông báo thụ lý vụ án số 08/2021/TLST-KDTM ngày 20/ 4/2021 giữa nguyên đơn là Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh và bị đơn là Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Thương mại T.L, địa chỉ trụ sở chính: 2755 Phạm Thế Hiển, Phường 7, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Thương mại T.L do bà Trần Thị Hải Y là người đại diện theo pháp luật đã ký kết Hợp đồng mua bán điện ngoài mục đích sinh hoạt số 19/001439 ngày 08/8/2019 với Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh TNHH. Trong quá trình sử dụng điện từ ngày 15/10/2019 đến 14/4/2020, Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Thương mại T.L còn nợ tiền điện và phí ngừng cấp điện của Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số tiền là 24.850.613 đồng.
Bản án số 32/KDTM-ST ngày 25/5/2022 của Tòa án nhân dân Quận 8 đã tuyên: Buộc Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Thương mại T.L có trách nhiệm thanh toán cho Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh tổng tiền điện còn nợ và phí ngừng cấp điện tính đến ngày 14/4/2020 là 24.850.613 đồng. Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Án phí sơ thẩm Công ty TNHH Dịch vụ Đầu tư Thương mại T.L phải chịu là 3.000.000 đồng.
Việc xảy ra nhiều tranh chấp giữa nhà cung cấp điện với người dân, doanh nghiệp gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội như: gây thất thu cho nhà cung cấp điện, tăng số lượng tranh chấp phải xét xử cho cơ quan tòa án, tăng vụ việc phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự. Nhiều hồ sơ thi hành án sẽ bị kéo dài, không thi hành án được do người dân không có mặt tại địa phương, doanh nghiệp ngừng sản xuất... mà không thông báo địa điểm nơi ở mới. Bên cạnh đó, qua các vụ án đã được xét xử chúng ta thấy rằng, chính người dân và các doanh nghiệp - bị đơn trong các tranh chấp trên ngoài số tiền điện buộc phải thanh toán cho công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh thì còn phải chịu thêm chi phí ngừng cung cấp điện, khoản án phí và lãi suất đối với số tiền chậm trả theo quy định pháp luật.
Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Viện kiểm sát nhân dân Quận 8 đã phát hiện nhiều vi phạm của người dân và doanh nghiệp đối với hợp đồng mua bán điện trên địa bàn quận như đã trình bày ở trên. Do đó, để đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất, đảm bảo phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hợp đồng mua bán điện, giữ gìn trật tự ổn định xã hội, Viện kiểm sát nhân dân Quận 8 kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8 thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:
Một là, triển khai tuyên truyền, giải thích cho người dân, các doanh nghiệp trên địa bàn quận thực hiện nghiêm chỉnh Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi năm 2012) về quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện. Việc triển khai nên đa dạng như phổ biến qua các cuộc họp của khu phố, qua hệ thống phát thanh của 16 phường và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích của việc tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu được rằng: hiện nay Công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh đã triển khai ký kết hợp đồng mua bán điện bằng hình thức điện tử với khách hàng. Các quyền và nghĩa vụ của khách hàng sử dụng điện đã được quy định rõ tại hợp đồng. Việc người dân và các doanh nghiệp không thanh toán tiền điện kịp thời cho nhà cung cấp điện là đã vi phạm hợp đồng dân sự, vi phạm quy định của pháp luật. Trong trường hợp không thu hồi được khoản tiền điện, nhà cung cấp điện có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
Do đó, để hạn chế tranh chấp phát sinh, khách hàng sử dụng điện cần thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo hợp đồng mua bán điện đã ký. Điều đó cũng giúp người dân và doanh nghiệp tránh các chi phí phát sinh ngoài tiền điện đã sử dụng như phí cung cấp điện, án phí, lãi suất chậm trả... đảm bảo được sự ổn định về trật tự xã hội trên địa bàn quận.
Hai là, UBND Quận 8 có văn bản đề nghị Sở Điện lực thành phố Hồ Chí Minh có biện pháp phối hợp để hạn chế việc xảy ra tranh chấp trong hợp đồng mua bán điện như: cần đa dạng hơn trong các phương thức thông báo tiền điện và phương thức thanh toán tiền điện của người dân và doanh nghiệp như trích tự động tài khoản qua Internet banking, Mobile banking, Ví điện tử, Ủy nhiệm chi tại phòng giao dịch các Ngân hàng, thanh toán tiền mặt tại các điểm thu tiền điện, các điểm thu tiêu dùng, như siêu thị cửa hàng của các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán.
Đối với các trường hợp khách hàng là người già yếu, có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật, không thể thực hiện thanh toán qua tổ chức trung gian, cũng không thể đến các điểm thu tiền điện, thì đề nghị thông báo cho nhân viên điện lực, hoặc gọi vào số điện thoại của điện lực trong quận, nơi khách hàng có giao dịch mua điện, công ty điện lực sẽ cử nhân viên đến tận nhà, thu tiền điện của khách hàng trong trường hợp này và không có bất kỳ một khoản phí hay dịch vụ nào.
Ba là, bên cạnh việc phản hồi với Công ty điện lực Thành phố Hồ Chí Minh nội dung trên để hạn chế xảy ra tranh chấp trong hợp đồng mua bán điện đề nghị UBND quận kiến nghị công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng trong việc ký kết hợp đồng mua bán điện với người dân và doanh nghiệp. Cụ thể: theo quy định về chủ thể ký kết hợp đồng mua bán điện tại Điều 11 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;
1. Điều kiện ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt
a) Bên mua điện phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật và có giấy đề nghị mua điện kèm theo bản sao của một trong các giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú, hoặc sổ tạm trú; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà; hợp đồng mua bán nhà hợp lệ; hợp đồng thuê nhà có thời hạn từ 01 năm trở lên; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trên đất đã có nhà ở); Hợp đồng ủy quyền quản lý và sử dụng nhà được công chứng hoặc chứng thực;...”
Như vậy, đối tượng ký kết hợp đồng mua bán điện với công ty điện lực phải có giấy đề nghị mua điện, kèm theo các giấy tờ liên quan như trên mới được cấp điện, cấp đồng hồ đo điện. Tuy nhiên, tại Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Quận 8 nói riêng việc mua bán nhà đất cũng như việc cho người khác thuê nhà để lưu trú diễn ra nhiều trên thực tế. Điều này dẫn tới chủ thể trực tiếp đang sử dụng điện và chủ thể ký kết hợp đồng mua bán điện trong một số trường hợp là hai đối tượng khác nhau. Khi có tranh chấp phát sinh, Công ty điện lực lại căn cứ vào hợp đồng mua bán điện để khởi kiện người đứng tên trên hợp đồng mua bán điện. Trong khi đó họ không phải là người đang sử dụng điện và một số trường hợp chủ thể ký hợp đồng mua bán điện đã qua đời hoặc đã đi khỏi địa phương... mà không thanh lý hợp đồng cũ dẫn tới hợp đồng mua bán điện đã ký vẫn còn hiệu lực. Do đó, Công ty điện lực cần phối hợp với UBND, Công an các phường để rà soát hằng năm chủ thể sử dụng điện trực tiếp nhằm xác định đối tượng sử dụng điện phù hợp để ký thêm các phụ lục hợp đồng. Điều này cũng là cơ sở để Tòa án có căn cứ giải quyết tranh chấp đúng quy định đồng thời hạn chế việc kéo dài trong thi hành án dân sự.
Trên đây là nội dung kiến nghị phòng ngừa và khắc phục vi phạm qua thực tiễn thực hiện công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại của Viện kiểm sát nhân dân Quận 8. Việc ban hành kiến nghị phòng ngừa để UBND Quận 8 có các biện pháp thiết thực nhằm hạn chế các vi phạm phát sinh, đảm bảo trật tự xã hội, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật là công tác mà đơn vị luôn chú trọng thực hiện hằng năm./.
Nguyễn Thị Duyên, Phan Xuân Hiền