Thứ Bảy, 14/09/2024

Vấn đề pháp lý liên quan nội dung đơn của ông Trịnh Dân Cường

07/11/2023 - 19:23 | Nghiên cứu, trao đổi

Ngày 25/9/2023, Tòa án nhân dân (TAND) Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định không chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Dân Cường (67 tuổi), xác định quyết định của TAND Quận 6 đình chỉ giải quyết vụ án Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trong hoạt động tố tụng hình sự” giữa ông Cường và bị đơn Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) Quận 6 là có căn cứ. 

Theo TAND Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự quy định tại Điều 18 của Luật này bao gồm:

“1. Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;

2. Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;

3. Văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật này”.

Trên cơ sở đó, TAND Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng ông Trịnh Dân Cường không có một trong các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật như đã viện dẫn nên cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án do chưa đủ điều kiện khởi kiện là đúng quy định.

Sau khi kiểm tra hồ sơ vụ án Bắt, giữ, giam người trái pháp luật mà ông Trịnh Dân Cường là một trong số 03 bị hại, đã được xét xử tại Bản án hình sự sơ thẩm số 611/HSST ngày 14/11/1989 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án hình sự phúc thẩm số 106/HSPT ngày 21/3/1990 của Tòa phúc thẩm - TAND tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện:

Vào lúc 22 giờ ngày 27/02/1985, Công an Quận 6 được tin nhà số 288B Bãi Sậy, Phường 17 bị mất trộm nên đã kết hợp với Công an Phường 17 xuống ngay hiện trường xem xét... Sau đó, Nguyễn Hữu Đô là Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự báo cáo với Võ Tấn Sĩ - Phó Trưởng Công an Quận phụ trách hình sự, đề xuất đưa những người nghi ngờ lên Phòng PC14 - Công an Thành phố nhờ hỗ trợ. Sau khi nghe Đô báo cáo nội dung sự việc có nghi vấn nhiều đối tượng, Nguyễn Kiên Trung - Trưởng phòng PC14 đã ký Lệnh tạm giữ 03 ngày với các đối tượng Hồ Văn Được, Trần Đức Ẩn và Trịnh Dân Cường để di lý từ Quận 6 về Trại Tạm giam PC25 (Trại Tạm giam Chí Hòa) và cử 02 cán bộ thuộc Công an Thành phố hỗ trợ công việc điều tra xét hỏi của Công an Quận 6.

Ngày 08/4/1985, Nguyễn Hữu Đô cùng 02 cán bộ tiến hành hỏi cung Hồ Văn Được thì Được nhận tội, tuy nhiên, đến tối cùng ngày, Được tự tử trong buồng giam.

Sau khi ông Được chết, Công an Quận 6 nhận thấy việc bắt, giữ các đối tượng là vi phạm thủ tục tố tụng và quá hạn luật định. Để hợp thức hóa hồ sơ, Đô bàn với Sĩ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh tạm giam từ ngày 09/3/1985 mục đích để tiếp tục điều tra vụ mất trộm. Được Sĩ đồng ý, Đô chỉ đạo viết các quyết định và Lệnh tạm giam. Ngày hôm sau, Sĩ đi vắng nên ông Hồ Văn Ngẫu (Phó Trưởng Công an Quận 6 phụ trách quản lý hành chính) ký thay. Khi hồ sơ chuyển VKSND Quận 6 thì Phó Viện trưởng đã từ chối không phê chuẩn. Đô trực tiếp gặp Viện trưởng Nguyễn Tấn Đồng, vì nể nang nên Đồng đã phê chuẩn các lệnh, quyết định khởi tố do Công an đưa qua, sau đó đình chỉ điều tra đối với Hồ Văn Được.

Viện kiểm sát tạm tha Trần Đức Ẩn vào ngày 23/8/1985 nhưng đến ngày 19/9/1985, Công an Quận 6 mới tha Ẩn. Đối với Trịnh Dân Cường, Công an Quận 6 đề nghị đưa đi tập trung cải tạo. Sau khi có khiếu nại của gia đình bà Đồng Thị Ba (là mẹ của ông Hồ Văn Được), Ủy ban nhân dân Thành phố đã ra quyết định trả tự do cho Trịnh Dân Cường vào ngày 03/12/1986.

Về trách nhiệm dân sự: Cơ quan Công an đã lo mai táng nạn nhân Hồ Văn Được và trợ cấp cho gia đình bà Đồng Thị Ba nhiều lần, gồm gạo, thuốc chữa bệnh; cấp 01 xe xích lô cho ông Trịnh Dân Cường và 01 căn nhà cho gia đình bà Ba. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Ba và ông Cường đề nghị trợ cấp một số tiền để gia đình vượt qua khó khăn.

Bản án hình sự sơ thẩm số 611/HSST ngày 14/11/1989 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng khoản 3 Điều 119, Điều 41, khoản 3 Điều 7, Điều 1, khoản h Điều 38, khoản 2, khoản 3 Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 1985 xử phạt: Nguyễn Hữu Đô 05 năm tù, Võ Tấn Sĩ “Cảnh cáo” về các tội “Bắt, giữ, giam người trái pháp luật”; Nguyễn Kiên Trung “Cảnh cáo” về tội “Giam người trái pháp luật”; Nguyễn Tấn Đồng “Cảnh cáo” về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Buộc Công an Quận 6 trợ cấp thêm cho gia đình bà Đồng Thị Ba số tiền 1.000.000 đồng.

Ngày 18/11/1989, bị cáo Nguyễn Hữu Đô kháng cáo; ông Trịnh Dân Cường có mặt tại phiên tòa sơ thẩm, không kháng cáo. 

Bản án hình sự phúc thẩm số 106/HSPT ngày 21/3/1990 của Tòa phúc thẩm - TAND tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên không chấp nhận kháng cáo, y án sơ thẩm 05 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Hữu Đô, trong đó có nhận định: “... trước cơ quan điều tra cũng như trước phiên tòa, các bị cáo đều khai nhận việc bắt giam giữ đối với 03 anh Hồ Văn Được, Trần Đức Ẩn và Đồng Văn Út tại căn nhà số 288B đường Bãi Sậy, Phường 17, Quận 6 vào đêm 27/02/1985 là do nghi ngờ chứ không có chứng cứ xác thực và không tuân thủ các thủ tục tố tụng hình sự theo luật định (như Luật 103 ngày 10/5/1957, Sắc luật 02 ngày 18/6/1957…), đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây ra cái chết của anh Hồ Văn Được tại buồng giam Chí Hòa vào đêm 08/4/1985 và gây ra nhiều hậu quả khác. Sau khi anh Hồ Văn Được chết, việc bắt giam giữ quá thời hạn đã lâu, vẫn không tìm ra được chứng cứ buộc tội nào đối với các anh Cường, Ẩn và Được, các bị cáo đã bàn bạc nhất trí với nhau bằng cách hợp thức hóa các thủ tục như Lệnh phê chuẩn của VKSND Quận 6, Quyết định khởi tố đều ghi lùi lại trước ngày anh Được chết 01 tháng nhằm che dấu các hành vi sai trái trên... Anh Trịnh Dân Cường bị đưa đi tập trung cải tạo tại Trại giam Tống Lê Chân không có Quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Quận 6 cũng không hay biết. Do có Đơn khiếu nại của bà Đồng Thị Ba nên UBND Thành phố Hồ Chí Minh mới tổ chức thanh tra phát hiện và ra Quyết định trả tự do cho anh Cường vào ngày 03/12/1986...”. Đến cuối năm 2016, ông Trịnh Dân Cường gửi đơn yêu cầu bồi thường.

Lý do không giải quyết yêu cầu bồi thường của ông Trịnh Dân Cường

Căn cứ hồ sơ và bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm xét xử vụ án Bắt, giữ, giam người trái pháp luật cũng như kết quả tra cứu hồ sơ lưu trữ đã xác định:

- Không có hồ sơ lưu trữ độc lập vụ án trộm cắp tài sản xảy ra ngày 27/02/1985 tại số 288B Bãi Sậy, Phường 7, Quận 6 (không có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt, tạm giam đối với ông Trịnh Dân Cường về tội “Trộm cắp tài sản”); Lệnh tạm giữ số 371/TG ngày 02/3/1985 đối với Trịnh Dân Cường từ 15 giờ ngày 02/3/1985 đến 15 giờ ngày 05/3/1985 và toàn bộ tài liệu, lời khai của ông Trịnh Dân Cường, Hồ Văn Được, Trần Đức Ẩn được lưu trữ trong vụ án Bắt, giữ, giam người trái pháp luật. Đối với các quyết định tố tụng khác liên quan vụ án trộm cắp tài sản đã được bản án sơ thẩm và bản án  phúc thẩm xác định tài liệu hợp thức hóa và những cán bộ có liên quan đến hành vi phạm tội Bắt, giữ, giam người trái pháp luật đã bị khởi tố, truy tố, xét xử bằng bản án đã phát sinh hiệu lực.

- Các ông Trịnh Dân Cường, Hồ Văn Được, Trần Đức Ẩn được xác định là người bị hại trong vụ án Bắt, giữ, giam người trái pháp luật, không phải bị khởi tố, tạm giam oan, đồng thời, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã được xem xét, giải quyết toàn diện tại Bản án hình sự sơ thẩm số 611/HSST ngày 14/11/1989 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh và Bản án hình sự phúc thẩm số 106/HSPT ngày 21/3/1990 của Tòa phúc thẩm - TAND tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Kết quả xác minh lúc 09 giờ ngày 11/3/2020 tại UBND Phường 8, Quận 6 thể hiện ông Trịnh Dân Cường, sinh năm 1956, hộ khẩu thường trú 103/29E1 Văn Thân, Phường 8, Quận 6 vẫn sinh sống và thực hiện đầy đủ quyền của công dân nơi cư trú, cụ thể: Tại cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, ông Cường mang Thẻ cử tri số 2612, Khu vực bỏ phiếu số 038, Phường 8, Quận 6; nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Cường mang Thẻ cử tri số 6958, Khu vực bỏ phiếu số 052, Phường 8, Quận 6.

Như vậy, trong vụ án Bắt, giữ, giam người trái pháp luật, Cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại đối với ông Trịnh Dân Cường là Công an Quận 6 và Công an Thành phố Hồ Chí Minh (không phải VKSND Quận 6) và đã đến lúc khép lại vấn đề pháp lý liên quan đến đơn yêu cầu bồi thường của ông Trịnh Dân Cường./

Vũ Thị Xuân Nhuệ - Trưởng phòng 7

Tin mới