Thứ Hai, 09/12/2024
Trong tố tụng dân sự, đình chỉ giải quyết vụ án đóng một vai trò hết sức quan trọng, đó là việc Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi có các căn cứ do pháp luật quy định.
Theo đó, tại Khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ trao đổi lý do Tòa án tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 217 khi: “… nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt…”, bởi lẽ trên thực tế vấn đề này vẫn còn có quan điểm hiểu khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, khi nguyên đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải mà không đến thì Tòa án tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án (không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt) vì trong trường hợp này nguyên đơn vắng mặt được xem là đã từ bỏ quyền trình bày yêu cầu, tiếp cận, công khai chứng cứ cũng như không cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì Tòa không thể tiếp tục xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án chỉ được đình chỉ giải quyết vụ án khi nguyên đơn được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt sau khi Tòa án đã ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử (không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).
Theo quan điểm của tác giả: Căn cứ quy định tại Điều 208 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì trước khi tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong trường hợp vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ mà không tiến hành hòa giải.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 3 Điều 209 và Khoản 3 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành đó không ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt, nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên họp để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp và sẽ thông báo việc mở lại phiên họp cho đương sự. Trường hợp có người vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ.
Như vậy, theo các điều luật đã viện dẫn trên thể hiện cho dù đương sự có vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp và thông báo cho họ biết mà không thuộc trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án. Hơn nữa tại điểm c Khoản 1 Điều 217 đã quy định “nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt…” là đã quy định phạm vi của việc đình chỉ là “xét xử” tức là Tòa án phải triệu tập hợp lệ nguyên đơn hai lần để tham gia phiên xét xử mà nguyên đơn vẫn vắng mặt (không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan) thì Tòa án mới được đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Cách hiểu này là đúng và phù hợp với các điều 208, 209, 210 và 217 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, đảm bảo được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong việc khởi kiện để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là trao đổi của tác giả từ thực tiễn công tác kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với các quyết định đình chỉ của Tòa án nhân dân. Rất mong nhận được ý kiến phản biện, trao đổi của các bạn đồng nghiệp!
Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng 10