Thứ Bảy, 14/09/2024
Trong quá trình thi hành Bộ luật Lao động năm 2012 trường hợp “ Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với người lao động khi người lao động là Cán bộ công đoàn không chuyên trách” trên thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau nên gặp phải khó khăn, vướng mắc.
Tại Khoản 7 Điều 192 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “Khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động biết thì người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”
Và Khoản 2 Điều 25 Luật Công đoàn năm 2012 có quy định: “Đơn vị sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đơn vị sử dụng lao động có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
Theo điều luật trên trong vụ án cụ thể bà Nguyễn Thị A được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty X, loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trong quá trình công tác bà A được bầu vào Ban chấp hành công đoàn của Công ty X nhiệm kỳ 2015-2020, thể hiện trong Quyết định của Liên đoàn lao động Thành phố công nhận bà Nguyễn Thị A là Ủy viên ban chấp hành công đoàn nhiệm kỳ năm 2015-2020.
Tuy nhiên, khi tiến nhành các thủ tục cho bà A nghỉ việc, Công ty X gửi công văn cho Sở lao động, thương binh và xã hội Thành phố có nội dung công văn đề cập đến quy trình thay đổi cơ cấu nhân sự mà không đề cập đến bất kỳ nội dung khác thể hiện việc Công ty X đã thỏa thuận được hoặc không thỏa thuận được với Ban chấp hành Công ty X trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đối với bà Nguyễn Thị A.
Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào ngày công văn được gửi cho Sở lao động, thương binh và xã hội Thành phố để tính ngày bắt đầu thời hạn 30 ngày báo trước cho Sở lao động, thương binh và xã hội mà không xem xét nội dung của công văn gửi cho Sở lao động, thương binh và xã hội như thế nào và cũng không căn cứ Luật Công đoàn năm 2012, Điều lệ Công đoàn năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan để giải quyết cho thôi việc đối với người lao động là ủy viên ban chấp hành công đoàn là không đúng quy định.
Do Tòa án cấp sơ thẩm hiểu Khoản 7 Điều 192 Bộ luật lao động năm 2012 nên đã giải quyết theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà A, nên bà kháng cáo và được Tòa án phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Thiết nghĩ cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc áp dụng quy phạm pháp luật này để việc vận dụng pháp luật được thống nhất trong quá trình giải quyết án lao động liên quan đến người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách trong các cơ quan, doanh nghiệp.
Trên đây là ý kiến của Kiểm sát viên khi tham gia kiểm sát vụ án lao động tại Tòa án gửi đến các đồng nghiệp cùng nghiên cứu và trao đổi rút kinh nghiệm.
Trần Thị Thúy Ái - Phòng 10