Thứ Ba, 10/09/2024
Biên bản phiên tòa là văn bản phản ánh mọi diễn biến của phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Căn cứ vào quy định tại khoản 4 Điều 51 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 41 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì Thư ký Tòa án là người có nhiệm vụ ghi Biên bản phiên tòa.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 236 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 166 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì “Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem Biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào Biên bản phiên tòa và ký xác nhận”. Để tăng cường công tác phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân đối với nội dung này, tại Điều 23 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC và Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao đã quy định: “Sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên có quyền xem biên bản phiên tòa, phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản. Yêu cầu của Kiểm sát viên được thực hiện ngay và Kiểm sát viên ký xác nhận những nội dung sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 236 BLTTDS (khoản 4 Điều 166 LTTHC)”, quy định này đã khó thực hiện trên thực tế thì ngày 29/4/2020, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục ban hành Quyết định số 139/QĐ-VKSTC trong đó đã đưa việc kiểm sát 100% Biên bản phiên tòa thành chỉ tiêu bắt buộc:“Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa ngay sau khi phiên tòa kết thúc”.
Nhận thấy, để thực hiện được quy định này là hết sức khó khăn, hầu như không thể thực hiện được, bởi lẽ:
Biên bản phiên tòa là sự tổng hợp các câu hỏi, tình tiết, diễn biến tại phiên Tòa, thường diễn ra rất nhanh, Thư ký phiên tòa phải ghi lại bằng nhiều hình thức (viết tay, đánh máy, ghi âm). Án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động có những vụ việc sử dụng nhiều tài liệu, chứng cứ, áp dụng nhiều văn bản pháp luật qua nhiều thời kỳ cần phải có sự ghi chú đầy đủ, cẩn thận. Đối với những vụ việc có sự tham gia của Luật sư thường trình bày rất dài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mà họ bảo vệ, Thư ký thường phải mượn bản luận cứ để trích xuất ghi nhận ý kiến vào Biên bản phiên tòa, vì vậy ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Thư ký chưa kịp hoàn chỉnh Biên bản để Kiểm sát viên kiểm tra. Qua thực tế kiểm sát việc xét xử của Tòa án nhận thấy, sau khi phiên tòa kết thúc, Thư ký phiên tòa vẫn chưa hoàn thiện xong Biên bản phiên tòa ngay mà phải vài ngày sau mới ban hành được văn bản này nên việc kiểm tra Biên bản phiên tòa ngay sau khi phiên tòa kết thúc là rất khó.
Để thực hiện được quy định trên điều kiện tiên quyết là cần sự phối hợp của Tòa án nhưng trong các quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các Thông tư liên tịch số 02/2016, Thông tư liên tịch số 03/2016 về công tác phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát trong lĩnh vực án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động cũng chưa có quy định phối hợp giữa hai Ngành trong việc kiểm sát biên bản phiên tòa (như có cần chữ ký của Thư ký, Thẩm phán hay Hội đồng xét xử không?) đồng thời cũng không có biện pháp chế tài nếu Tòa án không phối hợp thực hiện đúng quy định.
Mặt khác, tại Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện KSND tối cao về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp vẫn chưa ban hành biểu mẫu Biên bản kiểm tra Biên bản phiên tòa để áp dụng thống nhất trong toàn Ngành. Việc lập Biên bản kiểm tra Biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên thì cần phải có những nội dung gì? có những ai ký tên? Do đó, thiết nghĩ để thực hiện có hiệu quả quy định này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phải có sự hướng dẫn đồng bộ trong toàn Ngành đồng thời bổ sung quy định về quyền kiểm tra Biên bản phiên tòa của Kiểm sát viên trong các quy chế phối hợp, Thông tư liên tịch ký với Tòa án nhân dân và có cả biện pháp bắt buộc thực hiện đối với Tòa án mới có thể thực hiện và hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra.
Trên đây là trao đổi của tác giả từ thực tiễn công tác kiểm sát xét xử của Tòa án. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp!
Nguyễn Thị Bảo Trân – Phòng 10