Thứ Ba, 10/09/2024
Công tác tham mưu tổng hợp có vị trí, vai trò quan trọng, gắn liền với công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Thông qua nhiệm vụ quản lý, theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động để tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp về phương hướng, nhiệm vụ công tác trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác tham mưu – tổng hợp như trên, lãnh đạo Phòng 10 Viện kiểm sát nhân dân thành phố luôn có sự quan tâm kiện toàn, tăng cường cả về số lượng, chất lượng cho bộ phận tổng hợp. Hiện nay, Phòng 10 VKS thành phố có 27 biên chế, trong đó bộ phận tổng hợp được bố trí 06 biên chế vừa làm công tác tổng hợp, vừa làm công tác bổ trợ nghiên cứu hồ sơ giúp Kiểm sát viên trung cấp.
Một số kết quả đạt được trong công tác tham mưu – tổng hợp:
Từ đầu năm đến nay, Phòng 10 VKS thành phố đã tổng hợp, tham mưu xây dựng trên 90 báo cáo định kỳ (tuần, tháng, sơ kết, tổng kết, báo cáo phục vụ giao ban hàng quý), báo cáo chuyên đề và các báo cáo theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố… Chất lượng các loại báo cáo đều bảo đảm về hình thức, thời gian, phản ánh nội dung đầy đủ và kết quả các lĩnh vực công tác theo đề cương, phụ lục yêu cầu.
Ngoài ra, thông qua công tác quản lý, theo dõi, cập nhật kết quả công tác của các đơn vị đã chủ động phát hiện những vấn đề, nội dung để tham mưu tốt cho lãnh đạo Viện kịp thời chỉ đạo tại các hội nghị chuyên đề, hội nghị giao ban tuần, quý, hội nghị sơ, tổng kết, cũng như phục vụ lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân thành phố làm việc với các đơn vị trực thuộc để chấn chỉnh các hạn chế, tồn tại, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở các đơn vị; đồng thời kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc đề xuất, kiến nghị trong việc áp dụng pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác tham mưu-tổng hợp còn gặp một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế như sau:
- Theo quy định của Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 279/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 thì các đơn vị phải xây dựng nhiều loại báo cáo, tuy nhiên các biểu mẫu thống kê hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đủ các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kiểm sát nên không đủ số liệu dẫn chứng, chứng minh, phải triển khai yêu cầu các đơn vị báo cáo bổ sung thêm ngoài số liệu thống kê để có cơ sở nhận định, đánh giá theo yêu cầu phục vụ xây dựng các loại báo cáo.
- Có nhiều loại báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất vào cùng thời điểm sơ, tổng kết, cùng thời điểm báo cáo phục vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao họp Quốc hội nhưng yêu cầu thời hạn gấp nên việc triển khai đến các đơn vị liên quan thực hiện báo cáo còn chưa bảo đảm chất lượng do thời gian quá ngắn.
- Do chưa có quy định thống nhất về thời điểm lấy số liệu, nhất là một số chỉ tiêu nghiệp vụ nên báo cáo phục vụ Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố giám sát của các cơ quan tư pháp thường có những số liệu, nhận định, đánh giá khác nhau dẫn đến việc phải bổ sung, giải trình cho Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố một số chỉ tiêu nghiệp vụ.
- Một số đơn vị quận huyện còn gửi báo cáo chưa đảm bảo thời gian, chất lượng một số báo cáo còn hạn chế, chưa nêu được những điểm nổi bật đơn vị đã triển khai thực hiện, chưa tổng hợp, đánh giá được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp trên.
Những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nêu trên xuất phát từ các nguyên nhân sau:
- Hầu hết các loại báo cáo có thời hạn để tổng hợp rất ngắn, không đủ thời gian để phân tích sâu, đánh giá đầy đủ theo yêu cầu nên chất lượng còn hạn chế.
- Do chưa có sự thống nhất về thời điểm lấy số liệu giữa các cơ quan tố tụng, cách tính một số chỉ tiêu nghiệp nên dẫn đến số liệu, nhận định đánh giá về tình hình số lượng án phát sinh, kết quả công tác một số mặt công tác còn khác nhau.
- Một số cán bộ làm công tác tham mưu-tổng hợp còn chưa nhận thức đầy đủ để nâng cao trình độ nghiệp vụ nên việc phân tích, tổng hợp còn hạn chế dẫn đến việc đơn giản hóa nội dung báo cáo theo cách liệt kê đầu việc, liệt kê số liệu, chưa nêu bật được kết quả công tác nổi bật, các hạn chế, thiếu sót của đơn vị.
Để nâng cao chất lượng công tác tham mưu-tổng hợp, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, cần tập trung một số giải pháp như sau:
- Tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ làm công tác tham mưu-tổng hợp của Viện kiểm sát 2 cấp; có chính sách luân chuyển hợp lý, nhất là đối với số cán bộ tham mưu-tổng hợp có năng lực, kinh nghiệm, thâm niên làm công tác thực tiễn.
- Lãnh đạo Phòng cần thường xuyên quan tâm kiện toàn bố trí nhân sự làm công tác tham mưu-tổng hợp phải có sự nhạy bén, khả năng nắm bắt, có tính kế thừa, tổng hợp, phân tích, đánh giá, từ đó mới có thể đưa ra được những đề xuất đúng đắn trong công tác tham mưu, giúp việc cho các cấp lãnh đạo Viện.
- Nghiên cứu, thiết lập đầy đủ hệ thống sổ sách quản lý, theo dõi, xử lý thông tin phục vụ cho công tác tổng hợp; lưu trữ khoa học hệ thống văn bản chỉ đạo của Đảng, nhà nước, của ngành, của địa phương liên quan đến hoạt động tư pháp, giúp cho việc tra cứu được dễ dàng, hiệu quả phục vụ tốt công tác tham mưu-tổng hợp, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện.
- Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng hệ thống truyền dữ liệu nội bộ của Viện kiểm sát các cấp, đảm bảo thông tin được thông suốt, việc xây dựng, truyền gửi báo cáo được kịp thời.
Trên đây là trao đổi của tác giả từ thực tiễn công tác tham mưu – tổng hợp của Phòng 10 Viện kiểm sát Thành phố. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các bạn đồng nghiệp!
Trần Thị Thơm - Phòng 10