Thứ Bảy, 14/09/2024

Tố tụng trong giải quyết án dân sự

26/08/2020 - 15:35 | Nghiên cứu, trao đổi

Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, số lượng án tranh chấp về dân sự do Tòa án thụ lý giải quyết rất nhiều, trong khi lực lượng kiểm sát viên có hạn, thời hạn nghiên cứu hồ sơ bị hạn chế là 15 ngày theo quy định tại khoản 2 Điều 195 BL TTDS 2004 (khoản 2 Điều 220 BL TTDS 2015), nhưng không phải kiểm sát viên nhận hồ sơ là giải quyết ngay vì đang phải giải quyết những hồ sơ đã nhận trước đó. Do vậy, trách nhiệm của Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn về thời gian mà tính chất của vụ án lại phức tạp.

Bài viết này chia sẻ chút kinh nghiệm khi nghiên cứu hồ sơ để hạn chế án bị hủy sửa, trong đó những vụ có lỗi của kiểm sát viên.

Đa số án bị hủy do vướng về tố tụng, phần nhiều là thiếu người tham gia tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được như những vụ án tranh chấp có liên quan đến quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hoặc các giao dịch mua bán chuyển nhượng vì cần phải xem xét đến nguồn gốc, quá trình chuyển nhượng có thể qua nhiều người để đảm bảo quyền lợi của các đương sự nếu có giải quyết về hậu quả.

Ví dụ: ông A có 350m2 đất có nhà. ông A tặng cho bà B (con ruột) 50m2 chưa hợp thức hóa. Sau đó, bà B chuyển nhượng lại 01 phần cho người khác (phần đất này tiếp tục chuyển nhượng qua 02 người nữa). Song song thời gian này, ông A lại chuyển nhượng toàn bộ 350m2 cho ông C (đã được hợp thức hóa 01 phần). Ông C kiện bà B và những người đang cư trụ trên đất giao trả lại nhà đất. Nhưng bà B không đồng ý vì cho rằng đã được tặng cho. Thời khởi kiện thì ông A chết, nhưng tòa án không đưa các con ông A, những người nhận chuyển nhượng từ bà C vào tham gia tố tụng để xem xét giải quyết việc ông A tặng cho hay một phần đất đã chuyển nhượng vô hiệu thì phải giải quyết hâu quả là bồi thường.

Cũng liên quan đến các loại quan hệ tranh chấp nêu trên thì việc xác minh tình trạng cư trú là bắt buộc, rất quan trọng để đảm bảo cho việc thi hành án. Khi bản án tuyên buộc trả lại nhà đất mà có những người đang lưu cư nếu không đưa đầy đủ họ vào tham gia tố tụng để buộc nghĩa vụ giao trả, ra khỏi nhà đất thì không thể thi hành án được vì họ không tham gia tố tụng nên không có nghĩa vụ thi hành đối với bản án đó.

Đối với thủ tục ống đạt các văn bản tố tụng trong tất cả các vụ án được thực hiện xuyên suốt từ khi thụ lý đến khi ban hành bản án cũng như thông báo kháng cáo kháng nghị (nếu có). Khó khăn thường gặp là những trường hợp thay đổi địa chỉ, tạm trú, lưu trú nên bắt buộc phải tiến hành xác minh và việc niêm yết tại nơi có hộ khẩu thường trú là thủ tục bắt buộc.

Về phạm vi của người được ủy quyền cũng quan trọng vì nếu người được ủy quyền tự ý thay đổi yêu cầu khởi kiện là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu và không thuộc trường hợp được xem xét chấp nhận tại phiên tòa theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Kiểm sát viên cần lưu ý nếu Hội đồng có chấp nhận là vi phạm tố tụng.

Ví dụ: bà A ủy quyền cho ông B: được quyền thay mặt và nhân danh bên A liên hệ với Tòa án nhân dân huyện, Tòa án các cấp và các cơ quan có thẩm quyền để nộp đơn khởi kiện, nhận kết quả xử lý đơn, nhận bản chính thông báo thụ lý vụ án, nhận thông báo đóng tiền tạm ứng án phí, tham gia tố tụng giải quyết tranh chấp về việc tranh chấp hợp đồng ủy quyền theo đơn khởi kiện nêu trên cũng như giải quyết các vấn đề có liên quan (nếu có) với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của bên A trong suốt quá trình tố tụng tại các cấp Tòa án, cấp xét xử.

Như vậy, bà A chỉ ủy quyền cho ông B tham gia tố tụng trong phạm vi đơn khởi kiện ban đầu, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm thì người được ủy quyền đã thay đổi yêu cầu khởi kiện. Nhưng việc thay đổi nội dung khởi kiện trên không có trong nội dung ủy quyền, không được bên A đồng ý bằng văn bản bổ sung. Do đó, việc thay đổi yêu cầu của ông B tại phiên tòa sơ thẩm là vượt quá phạm vi ủy quyền. Hội đồng xét xử vẫn chấp nhận việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của ông B là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì sẽ làm thay đổi điều luật áp dụng, đường lối giải quyết và không đúng ý chí cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người ủy quyền.

Bài viết thể hiện quan điểm của người viết, rất mong nhận được trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc !

Hoàng Anh Nga – Phòng 9

Tin mới