Thứ Ba, 10/09/2024

Tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

15/08/2024 - 20:30 | Tin trong nước và thế giới
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã bế mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau 3 ngày làm việc với tinh thần rất khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao, UBTVQH đã hoàn thành chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 để xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý đối với 10 dự án luật, đồng thời xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị tài liệu rất nghiêm túc, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Các thành viên UBTVQH với tinh thần trách nhiệm rất cao đã góp ý rất thẳng thắn, chân thành, xây dựng để hoàn thiện, tiếp thu, giải trình các dự án luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và các tài liệu để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8).

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tại phiên họp thứ 36 tới đây, UBTVQH sẽ tiếp tục cho ý kiến dự án Luật Phòng không nhân dân và cho ý kiến lần đầu một số dự án luật, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề và xem xét một số vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện tài liệu và gửi UBTVQH đúng hạn, bảo đảm thời gian để nghiên cứu; tránh việc phải điều chỉnh phiên họp do nội dung không chuẩn bị kịp, phải dồn sang các phiên họp sau khi mà khối lượng công việc dự kiến tại phiên họp tháng 9 đang khá lớn (khoảng 26 nội dung, trong đó cho ý kiến lần đầu 10 dự án luật).

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa có văn bản đề xuất bổ sung 6 dự án luật (trong đó 5 dự án Luật đề xuất thông qua theo quy trình 1 kỳ họp), 1 dự thảo nghị quyết, 3 nội dung về vấn đề quan trọng vào chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu gửi đến các cơ quan của Quốc hội để tiến hành thẩm tra, đảm bảo đúng quy định và có chất lượng cao.

Đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Chính phủ cần hoàn thiện hồ sơ để đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong 6 nội dung đề xuất, mới có 2 dự án luật đã được bổ sung là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Dữ liệu.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, theo nhiệm vụ phân công của UBTVQH bám sát tiến độ, chủ động tổ chức nghiên cứu, chuẩn bị thẩm tra, kịp thời báo cáo UBTVQH để xem xét, bố trí vào chương trình chính thức phiên họp của UBTVQH trong trường hợp đủ điều kiện.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ, tới đây tại phiên họp thứ 36 của UBTVQH và hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các cơ quan cần cân đối, bố trí các nội dung làm việc hết sức khoa học, chất lượng, đảm bảo tập trung vào những vấn đề lớn, những vấn đề còn ý kiến khác nhau để đại biểu thảo luận.

Trên cơ sở kết luận của các Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc các Ủy ban của Quốc hội khẩn trương ban hành thông báo kết luận của từng nội dung, tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cũng trong chiều 14/8, trước khi bế mạc, UBTVQH cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi).

Đáng chú ý, liên quan tới Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất và đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật vì Quỹ bảo tồn di sản văn hoá không sử dụng ngân sách nhà nước và Nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ. Mặt khác, chính sách về Quỹ đã được Chính phủ thông qua để trình Quốc hội. Hiện nay, một số Quỹ hoạt động không hiệu quả nhưng Quỹ này được thành lập nhằm bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hoá nhưng ngân sách Nhà nước tại một số địa phương chưa bảo đảm được, đặc biệt là di tích. Thực tế, mô hình Quỹ bảo tồn di sản văn hoá đã có thí điểm ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, đây là mô hình mới, có cơ chế quản lý, vận động hỗ trợ bước đầu đạt hiệu quả nhất định.

Trung Kiên

Tin mới