Thứ Hai, 09/12/2024
Theo quy định tại Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 9/11 cũng chính là ngày mà cách đây 78 năm, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời mang ý nguyện của người dân Việt Nam, thấm đẫm tư tưởng dân chủ pháp quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Ngày Pháp luật Việt Nam được coi là một dấu ấn, một điểm nhấn quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, qua đó góp phần xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.
Năm 2024 là năm thứ 12 cả nước thực hiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Qua 12 năm, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật đã và đang trở thành một hoạt động chính trị pháp lý thường niên, được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân quan tâm hưởng ứng, được lan tỏa sâu rộng.
Pháp luật đã thẩm thấu vào đời sống qua những chuyến “chở pháp luật" về cơ sở, qua những phiên toà giả định hay “quán cà phê pháp luật”, qua những cuộc trợ giúp pháp lý miễn phí và sinh hoạt Câu lạc bộ thanh niên, phụ nữ với pháp luật hay gần đây là những Cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hình thức treo băng rôn, khẩu hiệu đa dạng với rất nhiều thông điệp để lan tỏa tinh thần của ngày Pháp luật Việt Nam đến với Nhân dân với nhiều cách làm mới, sáng tạo trên phạm vi cả nước, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kịp thời đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống…
Điều này càng được minh chứng khi ngày nay người dân không chỉ dừng ở mức độ biết, hiểu pháp luật, mà đã tự giác nâng cao hơn ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật, biết sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và cho xã hội. Cùng với đó, tính kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ đã được nâng lên. Vấn đề thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, qua đó góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai Ngày Pháp luật ở một số cơ quan, đơn vị còn hình thức, chưa được quan tâm và đi vào thực chất. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thời gian qua có lúc, có nơi vẫn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, kịp thời, chưa tạo được hiệu ứng, tác động lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng, kết quả còn hạn chế đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn xuất hiện những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật hay những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng nhưng lại chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh… gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật.
Đáng chú ý, việc chấp hành pháp luật trong một bộ phận người dân thời gian qua còn chưa cao; tình trạng vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, nhất là loại tội phạm liên quan đến sự suy đồi đạo đức, xuống cấp đạo đức xã hội như: cưỡng dâm, giết người, giết người thân, ma tuý; lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet; vi phạm trật tự an toàn giao thông… có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp gây lo lắng, bức xúc trong toàn xã hội; đặc biệt trong giới trẻ. Nghiêm trọng hơn, vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra ngay cả trong hoạt động thực thi công vụ, trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đây là một thách thức không nhỏ trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hiện nay.
Do đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, cách làm mới để phù hợp với yêu cầu của bối cảnh hiện nay.
Trong đó, cần chú trọng, đổi mới đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật với phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng, nhất là giới trẻ; công tác xây dựng pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống phải được thực hiện cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống; đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, trở ngại mà hiện nay người dân và doanh nghiệp đang vướng phải, để bảo đảm sức sống của pháp luật.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, khi rất nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội như Zalo, Facebook… và mới đây Bộ Tư pháp đã công bố Bộ pháp điển Việt Nam thì đây cũng là kênh để người dân, doanh nghiệp được tiếp cận pháp luật một cách dễ dàng, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, điều này đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức phải biết chọn lọc thông tin, chủ động, đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng pháp luật; hiểu rõ hơn về những mặt trái, nguy cơ của không gian mạng, những loại vi phạm pháp luật và tội phạm xảy ra trên môi trường mạng, để nhận biết; phòng, tránh cũng như phát hiện, kịp thời tố giác đến cơ quan chức năng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của của bản thân và cộng đồng.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã nhấn mạnh: Sự thượng tôn pháp luật là biểu hiện của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì vậy, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành và tuân theo pháp luật. Sẽ không có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên thực tế nếu như cán bộ, đảng viên, cơ quan Nhà nước thờ ơ, thiếu trách nhiệm, vô cảm với quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, nhân dân là chủ thể của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi công dân tích cực, chủ động tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, có ý thức thượng tôn pháp luật thì sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Có thể thấy việc phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong học tập, chấp hành pháp luật; đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong lan tỏa tinh thần dân chủ và thượng tôn pháp luật đến nhân dân; để từ đó phát huy dân chủ trong nhân dân, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều bị phát hiện, xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, làm cho mọi cá nhân, tổ chức đồng tình, ủng hộ với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ động tuân thủ, thực thi pháp luật; xứng đáng với sự chờ đợi và đòi hỏi của người dân, của xã hội về một Nhà nước gần dân, vì dân và về một đội ngũ công chức, đảng viên “phụng công thủ pháp”.
Đặc biệt, việc giáo dục pháp luật trong trường học cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn bao giờ hết, để thế hệ trẻ có thể nhận thức sâu sắc về vai trò của pháp luật trong cuộc sống. Thông qua đó, chúng ta có thể xây dựng một thế hệ công dân trẻ có ý thức tuân thủ pháp luật tốt.
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, mỗi người dân bằng những hành động cụ thể, hãy chung tay lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp và pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành động, trách nhiệm của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội, trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Thượng tôn pháp luật để sống đúng, sống cống hiến và hạnh phúc; tạo sức mạnh, động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.