Thứ Tư, 09/10/2024
KIEMSAT.VN - Ngày 13/10/2023, VKSND tối cao tổ chức Hội thảo “Rà soát, đánh giá 8 năm thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014 trong ngành Kiểm sát nhân dân” tại tỉnh Bình Dương. Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận và đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, cũng như bất cập, hạn chế và nguyên nhân trong thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị, báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.
Hội thảo do đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ pháp chế và quản lý khoa học (Vụ 14) VKSND tối cao và đồng chí Lê Đức Xuân, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Dương đồng chủ trì.
Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các đơn vị thuộc VKSND tối cao: PGS, TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, đồng chí Vũ Thị Hải Yến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao, TS. Nguyễn Quốc Hân, Hiệu trưởng trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo VKSND cấp cao 2, 3 và VKSND các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An; đại diện một số cơ quan hữu quan tại tỉnh Bình Dương: Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an, TAND, Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia, Cục Thi hành án dân sự, Hội đồng nhân dân tỉnh,…
Luật Tổ chức VKSND năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2014 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật liên quan; là cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục hoàn thiện về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan VKSND. Kết quả sau hơn 8 năm triển khai thực hiện cho thấy, đạo luật này đã phát huy hiệu quả trong việc hoàn thiện tổ chức, tăng cường nguồn nhân lực và nâng cao hoạt động của hệ thống VKSND.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu tích cực đó, thực tiễn thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014 còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, phần nào chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu của thực tiễn đặt ra trong tình hình mới.
Quán triệt thực hiện các văn kiện, nghị quyết của Đảng, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp; Nghị quyết số 27 đã xác định nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Nghị quyết cũng đặc biệt nhấn mạnh “Hoàn thiện thể chế để Viện kiểm sát nhân dân thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử phù hợp với nguyên tắc thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã giao trách nhiệm của VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành nghiên cứu, rà soát và sơ kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức VKSND năm 2014.
Do vậy, việc tổ chức Hội thảo lần này là hết sức cần thiết, qua đó trao đổi, thảo luận, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, cũng như những bất cập, hạn chế và nguyên nhân trong thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2024; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị, báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.
Việc tổ chức Hội thảo cũng thuộc chương trình nghiên cứu, rà soát và sơ kết thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2024 phục vụ xây dựng Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao nhấn mạnh việc rà soát, đánh giá thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014 là cần thiết nhằm đánh giá một cách khách quan, đầy đủ thực tiễn thi hành các quy định của luật về thuận lợi, bất cập, hạn chế trong thực tiễn và cung cấp những kinh nghiệm về cả về cả về lý luận và thực tiễn để trên cơ sở đó đề xuất những định hướng, quan điểm toàn diện, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đúng đắn, toàn diện quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp nói chung, cải cách VKSND nói riêng trong tình hình mới.
Đồng chí Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao, chủ trì Hội thảo cũng đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, phát biểu ý kiến một cách thẳng thắn, mang tính bao quát, sát thực, phản ánh đúng thực tế, bảo đảm khách quan, toàn diện gắn với thực tiễn.
BBT